(Baonghean) - Xã Đại Thành nằm ở vùng miền núi phía Tây Nam huyện Yên Thành, là nơi sớm đón nhận ánh sáng của Đảng và trở thành một trong những “địa chỉ đỏ” bảo vệ và phát triển tổ chức Đảng ở địa phương, bảo vệ cơ sở lực lượng vũ trang của Nghệ An trong suốt nhiều năm kháng chiến... Truyền thống yêu nước và chủ nghĩa Anh hùng cách mạng thấm đẫm trong mỗi làng quê, mỗi dòng họ, mỗi gia đình và là sức mạnh để Đại Thành luôn nỗ lực vươn lên có nhiều đóng góp vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước. 
 
Với lịch sử hình thành và phát triển trên 500 năm, sau nhiều lần tách nhập, đổi tên, đến nay Đại Thành đã định hình địa giới hành chính với diện tích tự nhiên khoảng 906,7 km2, cách thị trấn Yên Thành khoảng 16 km. Phía Bắc giáp xã Minh Thành, phía Tây giáp huyện Đô Lương, phía Đông và Nam giáp xã Mỹ Thành, dân số Đại Thành hiện nay 4.720 người. Lịch sử hình thành và phát triển của Đại Thành ghi nhận sự đóng góp của 31 dòng tộc chung sống đoàn kết, để chống lại thiên tai, giặc giã, cùng nhau gìn giữ và phát huy những truyền thống văn hóa, tô thắm những phẩm chất tốt đẹp được truyền nối từ đời này sang đời khác.
 
image_85131.jpgKhu rừng làm căn cứ của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh những năm kháng chiến chống Mỹ ở Đại Thành. Ảnh: Hồ Các
Cây lim và quả bom dùng làm kẻng để báo động lúc có máy bay Mỹ của Tỉnh đội Nghệ An thời kỳ chống Mỹ. Ảnh: Hồ Các
 
Ngay trong năm Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (1930), xã Đại Thành là một trong số những địa phương có các “hạt giống đỏ” tiêu biểu như Lê Công Điều, Lê Công Liên... Giữa năm 1930 có 6 chi bộ đảng lần lượt ra đời tại Yên Thành, trong đó có chi bộ Ngọc Luật được thành lập ở nhà thờ họ Lê Công thuộc xã Đại Thành gồm 7 đảng viên, do đồng chí Lê Công Điều làm bí thư. Tổ chức Đảng ở Đại Thành đã đưa phong trào đấu tranh lên cao với các cuộc biểu tình ở các làng Tiên Cảnh, Ngọc Luật... Tại đây đã thành lập tổ chức Nông hội đỏ với 290 hội viên, thành lập 4 đội Tự vệ đỏ gồm 77 đội viên với nhiệm vụ bảo vệ cuộc đấu tranh của nhân dân, bảo vệ Đảng, trấn áp bọn phản động. Các làng xóm miền núi nơi đây trở thành nơi chở che, duy trì hoạt động của tổ chức Đảng ở địa phương để đưa ngọn lửa cách mạng dâng cao, lãnh đạo nhân dân giành thắng lợi lịch sử trong khởi nghĩa cướp chính quyền năm 1945.
 
Trong giai đoạn chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, địa bàn xã Đại Đồng (gồm các xã Minh Thành, Lý Thành, Mỹ Thành, Đại Thành ngày nay) là cơ sở kháng chiến ở hậu phương, được tăng cường công tác bố phòng, tập trung xây dựng lực lượng tự vệ vũ trang về mọi mặt. Đại Đồng đi đầu trong huyện về rào làng chiến đấu. Toàn xã có hệ thống giao thông hào nhằm ngăn chặn địch, tổ chức trận địa nơi xung yếu, bố trí lực lượng canh gác, cắm chông quanh làng. Phong trào ủng hộ Nam Bộ kháng chiến đã có nhiều thanh niên lên đường Nam tiến. Đến đầu năm 1947, Đại Đồng đã có hơn 100 dân quân du kích.
 
Thời kỳ này, bà con dòng họ Vương đã tổ chức nuôi dưỡng, bảo vệ an toàn cho nhà cách mạng Hồ Tùng Mậu, Ủy viên Xứ uỷ Trung Kỳ, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Trung bộ về hoạt động chỉ đạo địa bàn Khu 4. Cuối  năm 1953, theo lệnh tổng động viên “Tất cả cho Điện Biên Phủ”, toàn xã đã có 37 thanh niên lên đường nhập ngũ tham gia chiến dịch; xã thành lập một đại đội với 35 người tham gia vận chuyển phục vụ chiến trường Điện Biên Phủ do ông Nguyễn Thọ Vượng làm đại đội trưởng, chị Nguyễn Thị Tá làm đại đội phó và ông Võ Trọng Thế làm chính trị viên; huy động 24 dân công phục vụ chiến dịch Hạ Lào, 27 người phục vụ chiến dịch Tây Bắc, 32 người phục vụ chiến dịch Thượng Lào.
 
Những năm đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội, còn đầy bộn bề khó khăn nhưng bằng sự đồng sức đồng lòng, xã Đại Thành đã tập trung cải tạo kinh tế, phục hồi sản xuất, xây dựng hợp tác xã thực hiện làm ăn tập thể. Đến cuối năm 1959 xã đã thành lập xong 7 hợp tác xã sản xuất nông nghiệp. Đại Thành trở thành một trong những điển hình của Yên Thành về xây dựng hợp tác xã nông nghiệp và đời sống văn hoá mới những năm 60 của thế kỷ 20. 
 
Bước sang thời kỳ đế quốc Mỹ thực hiện chiến tranh phá hoại, Đại Thành là địa bàn đóng trú quân, huấn luyện và cất giấu vũ khí, trang bị và triển khai lực lượng chiến đấu, tổ chức đội hình hành quân vào các chiến trường của bộ đội chủ lực. Suốt từ 1963 đến hết 1975 địa bàn Đại Thành trở thành nơi đặt sở chỉ huy và cơ quan Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An. Nhân dân, cán bộ xã nhà không chỉ giành đất làm trận địa chiến đấu mà còn giành cả nhà ở, nương vườn của mình để bộ đội cất giấu vũ khí trang bị, nhân dân cùng chung một chiến hào với nhiều đơn vị bộ đội của cơ quan Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An.
 
Trong 8 năm chiến tranh phá hoại, lực lượng dân quân trực chiến của Đại Thành đã phối hợp với các đơn vị phòng không đóng quân trên địa bàn đánh hàng chục trận máy bay Mỹ đến đánh phá, góp phần bắn rơi 3 máy bay và phối hợp bắt sống 1 giặc lái Mỹ; tham gia xây dựng hàng ngàn công sự ẩn nấp, hàng chục ngàn mét hào giao thông giúp bộ đội và phục vụ cho Cơ quan quân sự tỉnh. Kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ toàn xã đã có 1.785 con em lên đường chiến đấu ở các chiến trường, 102 thanh niên xung phong, 368 dân công hoả tuyến, huy động hơn 20.000 ngày công phục vụ vận chuyển chi viện cho tiền tuyến. 
 
Trong mỗi chặng đường lịch sử cách mạng, Đại Thành đều có những đóng góp, hy sinh đáng nghi nhận. Có 60 cán bộ, đảng viên tham gia hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945, trong đó có 3 cán bộ lão thành cách mạng, 13 cán bộ Tiền khởi nghĩa ; 57 liệt sỹ, 119 thương binh; bệnh binh, chất độc hóa học, 5 đồng chí được tặng thưởng Huân chương Độc lập các hạng, 55 đồng chí được tặng thưởng Huân, Huy chương chống Pháp, 315 đồng chí được tặng thưởng Huân, Huy chương chống Mỹ cứu nước;  341 gia đình có công với nước; 4 dòng họ được Nhà nước công nhận có công lớn phục vụ Tổ quốc, trở thành di tích văn hoá; toàn xã có 1 bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Đảng bộ nhân dân được tặng thưởng một Huân chương Lao động hạng Ba.
 
Phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng, trong thời kỳ hội nhập và phát triển, Đại Thành tiếp tục lập nhiều thành tích tiêu biểu. Đời sống nhân dân được ổn định và phát triển, cơ sở điện, đường, trường, trạm được đầu tư, xây dựng khang trang, hiện đại, tạo nên diện mạo một xã miền núi đang trên đà phát triển và đổi mới. Trình độ dân trí của nhân dân xã Đại Thành ngày càng được nâng cao, quốc phòng – an ninh luôn luôn được giữ vững và ổn định, là sở đạt tiêu chuẩn ATLC – SSCĐ, xây dựng hoàn chỉnh phương án tác chiến trị an. Đảng bộ xã Đại Thành đạt trong sạch vững mạnh, các tổ chức trong hệ thống chính trị, mặt trận và các tổ chức đoàn thể quần chúng luôn tiên phong đi đầu trong phong trào thi đua hoạt động đoàn, hội. Triển khai thực hiện tốt Pháp lệnh người có công để thể hiện lòng tri ân đối với các đối tượng chính sách người có công, công tác chính sách xã hội, chính sách hậu phương quân đội.
 
Trụ sở UBND xã Đại Thành. Ảnh: Hồ Các
 
Toàn thể cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân Đại Thành vô cùng phấn khởi, tự hào và quyết tâm phấn đấu xứng đáng với danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân được Đảng và Nhà nước phong tặng. Đó là thành quả to lớn của chặng đường đấu tranh, xây dựng và trưởng thành trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và giai cấp. Tin tưởng rằng, thành quả đó sẽ tiếp tục phát huy, tỏa sáng trên con đường đổi mới và hội nhập và  cùng quê hương, đất nước!
 
Đặng Xuân Trung - 
Chủ tịch UBND xã Đại Thành