(Baonghean) - Danh xưng Nghệ An được xác định là đã xuất hiện kể từ thời nhà Lý, năm 1030, lúc đó Nghệ An đang là vùng biên trấn (gồm cả địa giới Nghệ An và Hà Tĩnh hiện nay).
 
Theo nhà nghiên cứu Thái Kim Đỉnh thì chưa thấy sử sách nào nói rằng hai tiếng “Nghệ An” xuất phát từ sự tích hay câu chuyện gì, chỉ biết rằng danh xưng “Nghệ An” có nghĩa như “trị an”. Chắc hẳn, nhà Lý đặt tên cho vùng đất này như vậy là nhằm hướng đến sự yên ổn ở phía bờ cõi để tạo lập sự cường thịnh lâu dài, bởi suy cho cùng, thời nào mà chẳng cần ổn định để phát triển. Và cũng thật kỳ lạ, trong tất cả các chặng đường phát triển của quốc gia dân tộc, trong biết bao biến cố thăng trầm đi tới nền văn minh nhân loại, Nghệ An thường hiện diện với vai trò như là chủ thể kiến tạo, mở đất, cải tạo thiên nhiên, mưu sinh, bảo vệ bờ cõi… Thời nào đây cũng là nơi khởi nguồn những con đường, cả con đường nhận thức, tư tưởng và con đường vật chất cụ thể, định hình trong không gian, niên đại.
 
images1157551_l__h_i_d_n_vua_mai_2015__nh_b_i_van_dung.jpgLễ hội Đền Vua Mai 2015. Ảnh: Bùi Văn Dũng
 
Từ năm ba mươi, thế kỷ XX, nhà khoa học Xô Ranh (E.Saurin) người Pháp đã tìm thấy con đường tiến hóa của loài người tại di chỉ Thẳm Ồm (Châu Thuận, Quỳ Châu), vào thời đại đồ đá cũ. Di cốt khảo cổ ở Thẳm Ồm là hóa thạch quý hiếm trong quá trình tiến hóa của loài người nói chung và xã hội nguyên thủy Việt Nam nói riêng. Con đường tiến hóa của người Việt cổ trên đất Nghệ An từ Thẳm Ồm (Quỳ Châu) đến Làng Vạc (Thái Hòa) và Quỳnh Văn (Quỳnh Lưu) là minh chứng quá trình phát lộ nền văn minh đồ đá, sang đồ sắt, đồ đồng của tiền nhân trong hành trình dằng dặc nối đời cải tạo thiên nhiên, tự làm mới chính mình. Nền văn minh lúa nước khởi nguồn nơi sông Hiếu, sông Chu với đại ngàn Pù Huống, Pù Hoạt để lại cho thế hệ hôm nay biết bao di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, in đậm dấu ấn tiền nhân sáng tạo trong tập quán canh tác, chăn nuôi, nghề thủ công, kiến trúc, trong đời sống tín ngưỡng phong phú với trường ca “đẻ đất, đẻ mường”, “lăm”, “khắp”, trong nghệ thuật chế tác công cụ sản xuất, nhạc khí, trang sức… Các nghi thức lễ hội cầu mùa, xuống đồng, cúng cơm mới đầu vụ, đầu xuân là tái hiện con đường tìm hướng đi tới biển mở đất, mở cõi. Minh chứng sinh động con đường tổ tiên hướng ra biển, đấy là di chỉ đồ sắt Làng Vạc (Thái Hòa), đồ gốm Quỳnh Văn (Quỳnh Lưu), được chế tác thủ công khá tinh xảo, cách nay khoảng 6000 năm.
 
Dân tộc Việt bị các thế lực phương Bắc đô hộ, xâm lược hơn mười thế kỷ, cũng đồng nghĩa với từng ấy thế kỷ quyết liệt, không cam chịu nô lệ, truyền đời nối tiếp nhau thực hiện các cuộc khởi nghĩa khẳng định vị thế chủ quyền đất nước. Trong các cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng (42 – 43), Bà Triệu (248), Lý Bí (571) lập Nước Vạn Xuân, Mai Thúc Loan (713 – 722), người dân Nghệ An hoặc trực tiếp cầm giáo đầu quân đánh giặc, hoặc gián tiếp quyên góp lương thảo, vũ khí. Cộng đồng các dân tộc Nghệ An, lúc bấy giờ thuộc quận Cửu Chân đều thể hiện vai trò vùng “Địa linh, nhân kiệt”, “Đất phên dậu”, “thành đồng ao nóng”, hậu cứ vững chãi “Tiến vi công, thoái vi thủ”. Vị “vua đen” - Mai Hắc Đế đã biến con đường thiên lý vạn dặm đầy nước mắt và xương máu dân đen tới Trung Nguyên cống nạp vải quý thành con đường khởi nghĩa, lật đổ ách cai trị nhà Đường, lập nên nước Vạn An. 
 
 
Trên con đường thượng đạo cheo leo từ Nghệ An ra phương Bắc từng in đậm dấu chân dân binh Mai Thúc Loan, và cách gần 700 năm sau cuộc kháng chiến chống giặc Minh (1418 – 1428) lại nổ ra. Sau hội thề Lũng Nhai, Lê Lợi kéo quân khởi nghĩa vào Nghệ An hạ thành Lục Niên, tiêu diệt quân Trương Phụ, giành lại nền độc lập. Và rồi cách 360 năm sau cuộc khởi nghĩa thắng lợi của Lê Lợi, vào ngày 26 tháng 12 năm 1788, Nguyễn Huệ - người Anh hùng áo vải từ Phú Xuân, Huế dẫn đại quân hội binh tại Nghệ An rồi theo con đường thiên lý tiến ra Thăng Long tiêu diệt 29 vạn quân Thanh với thế tiến công thần tốc, chẻ tre, quét sạch bóng giặc, giữ yên bờ cõi.
 
Lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam gắn bó máu thịt với con đường xuyên Việt. Con đường nào cũng băng qua vùng đất xứ Nghệ lấp lánh trang sử oai hùng. Dấu ấn ấy không chỉ diễn ra trong mười thế kỷ chống giặc phương Bắc bành trướng thế lực, mưu toan đồng hóa dân tộc Việt. 
 
Trong bối cảnh đêm đen bế tắc của lịch sử, gánh nặng tìm kiếm con đường tương lai của dân tộc lại chọn những người con ưu tú của quê hương làm điểm tựa. Cụ Nguyễn Trường Tộ gõ vào cánh cửa lịch sử để nghị bàn về  những con đường mới trong tư duy, nhận thức. Cụ Phan Bội Châu là “thiên sứ” với sứ mệnh đặt những viên gạch quan trọng đưa phong trào yêu nước bước qua thế kỷ XX trăn trở tìm tòi chân lý mới. Đến lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh, Người sáng lập, rèn luyện và lãnh đạo Đảng, lãnh đạo Cách mạng Việt Nam, Người là nhà “kiến trúc sư” vĩ đại đã vạch ra con đường đưa dân tộc bước vào kỷ nguyên mới. Nghệ An lại cùng cả nước bước lên đường lớn của lịch sử để bảo vệ và phát huy các giá trị của dân tộc và thời đại.  
 
Con đường kháng chiến chống thực dân Pháp suốt 9 năm được khởi công đầu tháng 3 năm 1953 dài 149 km, nối từ đường 48 với Bãi Chành (Thanh Hóa). Tuyến đường khởi nguồn từ Nghệ An kéo dài hậu phương Khu 4 tới chiến trường Hòa Bình, đường số 6 và Tây Bắc. Hàng chục vạn dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong, bộ đội chủ lực từ Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình theo đường 15A tiến lên mặt trận giải phóng Tây Bắc năm 1953 và tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ tháng 5 năm 1954, kết thúc chặng đường 9 năm kháng chiến gian khổ. 
 
Lịch sử con đường 15A lại thêm một mốc son khi cả nước ra trận đánh trả chiến tranh phá hoại miền Bắc, chi viện sức người, sức của giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nơi khởi đầu cột mốc số 0 tuyến đường Trường Sơn – đường mòn Hồ Chí Minh ngày 9 tháng 9 năm 1964 tại Thị trấn Tân Kỳ cũng chính là điểm xuất phát mở tuyến đường chiến lược Tân Kỳ - Vạn Mai (Thanh Hóa) vào năm 1953. Trong hệ thống mạng đường Trường Sơn với tổng chiều dài gần 19.000 km, đường 15A chỉ có 672 km, tính từ cột mốc số 0 (Tân Kỳ) nhưng nó là “động mạch chủ” nối sự sống của tiền phương với hậu phương lớn miền Bắc suốt 11 năm (1964 – 1975).
 
Đồng hành bền bỉ suốt những năm Nghệ An và Khu 4 bị đánh  phá tàn khốc với con đường 15A là tuyến đường ống dẫn dòng xăng dầu từ miền Bắc vào chiến trường dài 3.000 km mà điểm khởi đầu, được ví như mốc số 0 là trạm bơm N1, đặt tại xã Nam Thanh (Nam Đàn). Tuyến đường ống dẫn xăng dầu vượt sông Lam, băng qua túi bom Rú Trét, Nam Đông men theo đường 15A, băng qua Đức Thọ vào trạm bơm N2 tại Nga Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh), rồi vươn tới tận Đông Nam bộ làm nên huyền thoại đường Trường Sơn – đường mòn Hồ Chí Minh bất tử.
 
Sau chiến thắng 30 tháng 4 năm 1975, con đường Thống Nhất, đường hội nhập, phát triển hướng tới dân chủ, văn minh, công bằng, dân giàu, nước mạnh đã mang tầm vóc và cả khát vọng mới. Với Nghệ An, nơi khởi đầu những con đường làm nên chiến thắng trong chiến tranh giải phóng dân tộc, giữ gìn bờ cõi, biển đảo thân yêu vào thế kỷ XXI còn có thêm con đường di sản văn hóa phi vật thể Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh vừa được UNESSCO công nhận. 
 
Lịch sử dường như chọn mảnh đất Nghệ An mà thử thách, mà gửi gắm, tin cậy giao phó vận mệnh dân tộc qua mỗi biến cố, thăng trầm. Nghệ An chính là nơi phát tích những con đường huyền thoại, làm giàu giá trị lịch sử, đời sống tinh thần không chỉ cho thế hệ hôm nay. Từ trong quá khứ, những con đường giá trị sẽ tiếp tục là nền tảng, là động lực để khai mở những con đường và bước đi vững chắc tới tương lai đẹp giàu, cường thịnh.
 
Văn Hiền