(Baonghean) - Vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân do Chủ tịch nước tặng thưởng, Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang xã Lĩnh Sơn (Anh Sơn) tự hào đã phát huy tốt truyền thống cách mạng, nỗ lực vươn lên giành thắng lợi trong thực hiện nhiệm vụ ở mọi thời kỳ...
 
Truyền thống tự hào
 
Ngược dòng lịch sử hơn 400 năm về trước, Lĩnh Sơn là vùng đất hoang vu, người dân ở các vùng đồng bằng, ven biển các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, Hưng Nguyên di cư lên quy tụ theo dòng họ, hình thành làng xã, đặt tên là xã Nam Cai - đất Gay. Ruộng đồng ít, đồi nhiều nên bà con dày công và thủy chung phát triển cây chè vườn đồi. Chè Gay hương vị đậm đà đã gắn bó với cuộc sống vật chất và tinh thần của nhân dân thời bấy giờ và dân cư cũng đã phát huy đoàn kết cộng đồng, góp công, góp sức xây dựng được một số đình làng rộng lớn như đình Đa Thọ, Dương Xuân, Phú Lĩnh, Vĩnh Yên và một số ngôi đền như Ruộng Tớm, đền Tĩnh... cố kết làng xã ấy là mạch nguồn để đến nay toàn xã có hơn 60 dòng họ lớn nhỏ đang cùng nhau đoàn kết sinh sống.
 
Nói về sự học, thì chưa xa trong ngược dòng lịch sử, phong trào “Bình dân học vụ” dạy chữ Hán, chữ Nôm, chữ quốc ngữ ở đây từng được khơi dậy mạnh mẽ và đã được nhận Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Lĩnh Sơn là một trong những xã đầu tiên trong cả nước xây dựng phong trào cách mạng.
 
Năm 1925, tổ chức giác ngộ cách mạng “Ái hữu” đã góp tiền mua căn nhà, xây dựng thành một cửa hàng đặt tên là Hiệu Yên Xuân - tiền thân của Tổng Nông hội đỏ Nghệ An, các đội tự vệ chiến đấu, các tổ chức làng, xã lần lượt được thành lập... Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, toàn xã đã huy động trên 500 lượt người tham gia vào bộ đội, 592 lượt người đi thanh niên xung phong, 768 lượt người tham gia dân công hỏa tuyến phục vụ các chiến trường.
 
Riêng trong kháng chiến chống Mỹ góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, các lực lượng vũ trang xã nhà đã ngoan cường bám các trận địa đánh máy bay ném bom của Mỹ vào cầu Trù, cầu Thiệu, làng Đa Thọ, làng Dương Xuân. Nhân dân đã bỏ ra trên 50 nghìn ngày công, hàng vạn cây tre, gỗ các loại để làm hầm công sự, đào 22 km hào giao thông, trên 5 ngàn hầm các loại... 
 
images1158289_a5_nh_n_d_n_x__linh_son_ra_qu_n_l_m_giao_th_ng_n_i_d_ng.jpgNhân dân xã Lĩnh Sơn ra quân làm giao thông nội đồng.
 
Chiến tranh qua đi, dù chịu đựng trên gần 180 lần máy bay địch ném bom bắn phá với hàng chục nghìn tấn bom đạn của kẻ thù trên địa bàn, nhưng lực lượng vũ trang và nhân dân Lĩnh Sơn đã hạn chế được rất nhiều thiệt hại về người và tài sản. Qua 2 cuộc chiến tranh, toàn xã có 263 người con anh dũng hy sinh trên các chiến trường, 256 thương binh, 117 bệnh binh, 62 đồng chí cựu quân nhân bị nhiễm chất độc da cam, 97 đồng bào bị chết, 86 người bị thương, 124 ngôi nhà của nhân dân, 6 nhà kho hợp tác xã, 16 phòng học bị sập và hư hỏng hoàn toàn. Sự hy sinh, mất mát ấy, minh chứng thầm lặng cho công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nước nhà.
 
Phát huy trên mặt trận mới
 
Bước vào thời kỳ mới, Đảng bộ xã Lĩnh Sơn tiếp tục xác định rõ việc xây dựng vững chắc thế trận lòng dân, đảm bảo an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, kết hợp phát triển kinh tế để xây dựng, củng cố quốc phòng, thúc đẩy sản xuất phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân. Với hướng đi phù hợp thực tiễn, Đảng bộ và nhân dân xã nhà đạt được nhiều kết quả mới trên tất cả các lĩnh vực:
 
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã qua các nhiệm kỳ và kế hoạch sản xuất hàng năm đã nhấn mạnh đến 4 mũi kinh tế chính, đó là: Thực hiện hiệu quả dồn điền, đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng. Phát huy lợi thế đất đai màu mỡ và 2 trạm bơm thủy lợi ở 2 đầu xã triển khai gieo trồng 180 ha chuyên canh cây lúa lai, lúa chất lượng cao; phát triển 20 mô hình kinh tế như bí xanh, chăn nuôi, gia trại tổng hợp cho thu nhập từ 80 - 250 triệu đồng/năm/mô hình, phát triển chăn nuôi nâng tổng đàn theo hướng công nghiệp, và thực hiện đề án phát triển 130 ha chè Gay phục vụ thị trường. Cùng với đó, các mô hình ngành nghề dịch vụ được đẩy mạnh như buôn bán, mộc dân dụng, sửa chữa cơ khí, điện tử, sản xuất gạch ngói, vận tải... Nhờ đó, đến năm 2014 tổng sản lượng lương thực đạt 4.520 tấn, bình quân lương thực đầu người 560 kg/năm,100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các phương tiện nghe nhìn, 95% hộ có xe máy. Thu nhập bình quân đầu người đến cuối năm 2014 đạt trên 24 triệu đồng/người/năm, tăng 11 triệu đồng/năm so với năm 2010. Tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể, không còn hộ đói, không còn nhà tạm bợ, dột nát.
 
Hiệu Yên Xuân (xóm 6) - nơi thành lập Chi bộ cộng sản đầu tiên của Đảng bộ Nghệ An năm 1929. Ảnh: Quang Dũng
 
Qua 3 năm xây dựng nông thôn mới, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, Đảng ủy, chính quyền coi trọng công tác dân vận, xem nhân dân là yếu tố trung tâm của mọi việc làm, tôn trọng quy chế dân chủ cơ sở, nhờ đó đã phát huy nội lực đầu tư của nhân dân đạt hàng chục tỷ đồng. Nhiều xóm tập trung được sự nhất trí, cộng sự cao trong đóng góp như các xóm 3, 5, 6, 9. Nhờ đó, xã đã nhanh chóng quy hoạch, hoàn thiện các công trình hạ tầng: Chợ Gay, trụ sở làm việc cơ quan, nhà văn hóa xã, trường tiểu học, trường mầm non với kinh phí từ 1,2 - 5 tỷ đồng/công trình. 
 
Lĩnh vực văn hóa, giáo dục được quan tâm, toàn xã hiện có 75% số hộ được công nhận gia đình văn hoá, 11 thôn và 3 trường học được công nhận đơn vị văn hoá, 2/3 trường đạt trường chuẩn quốc gia, xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Thường xuyên chăm lo xây dựng lực lượng quân sự và công an, đảm bảo số lượng và chất lượng. Duy trì trung đội dân quân cơ động từ 22 - 25 đồng chí, lực lượng tại chỗ 42 đồng chí sẵn sàng chiến đấu khi có tình huống xảy ra. Công tác vận động nhân dân ủng hộ xây dựng nhà bia ghi tên các liệt sỹ, xây dựng nhà tình nghĩa, tu sửa nhà cửa cho thương binh, gia đình liệt sỹ có hoàn cảnh khó khăn được đẩy mạnh. Hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh.
 
Ghi nhận những cống hiến, Đảng bộ, chính quyền xã Lĩnh Sơn đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng 82 Huân chương Kháng chiến các loại, 69 người được công nhận là cán bộ lão thành cách mạng, 3 người là cán bộ tiền khởi nghĩa, tập thể xã được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, gần 1.400 lượt người được tặng thưởng Huân, Huy chương Kháng chiến các hạng, 14 người được tặng bằng có công với nước, 1 anh hùng LLVT, 7 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 4 người được phong quân hàm Thiếu tướng... Đảng bộ xã nhiều năm liền được công nhận là Đảng bộ TSVM tiêu biểu, được Tỉnh ủy tặng Bằng khen, chính quyền luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trong 3 năm 2008 -2010, xã được Chính phủ và UBND tỉnh tặng Cờ “Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua”; Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Trung ương và Tỉnh hội tặng nhiều Bằng khen. Ghi nhận những kết quả đó, năm 2015, Đảng bộ và nhân dân xã Lĩnh Sơn vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. 
 
Đảng bộ và nhân dân xã nhà sẽ không ngừng phấn đấu vươn lên, phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, đoàn kết, chung tay góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, làm cho truyền thống cách mạng “Yên Xuân bất khuất” và danh hiệu “Anh hùng LLVT nhân dân” mãi mãi tỏa sáng.
 
Nguyễn Cảnh Toàn
(Chủ tịch UBND xã Lĩnh Sơn)