(Baonghean) - Năm 2014 đã khép lại, chính là lúc mà các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân trong tỉnh cùng nhau nhìn lại một năm hoạt động; đồng thời, cũng là thời điểm để đánh giá 4 năm thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp về kế hoạch, đề án, mục tiêu đặt ra từ đầu nhiệm kỳ và kết quả thực hiện...
Sôi động phía biển
Trong cái rét ngọt của những ngày cuối năm, tôi về với miệt biển Quỳnh Lưu - nơi có những ngư dân dạn dày sóng gió tích cực bám biển. Hẳn nhiên, dẫu cho bao lần “biển bạc”, song ngư dân ở đây vẫn coi con thuyền là nhà, và biển chính là quê hương, là cuộc sống tiếp truyền từ bao thế hệ. Vai trò của biển đối với đất và người Quỳnh Lưu thể hiện ở những con số “biết nói” về số lượng tàu thuyền và tổng sản lượng khai thác hải sản tăng thêm mỗi năm.
Ngay từ năm 2010, toàn huyện Quỳnh Lưu đã có hơn 2.200 chiếc tàu, thuyền; thu về hơn 30 nghìn tấn hải sản hàng năm, cho giá trị 177 tỷ đồng. Thế nhưng, những đãi ngộ từ biển cả vẫn chưa phản ánh hết tiềm năng kinh tế biển của Quỳnh Lưu. Tài nguyên dưới thăm thẳm lòng khơi thúc giục người dân ở đây phải đổi mới phương tiện và trang thiết bị đánh bắt xa bờ; hiện đại hóa công nghệ khai thác để tăng giá trị sản phẩm, nâng cao số lượng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Sự giục giã ấy là từ khát vọng của hàng vạn ngư dân và trăn trở của các cấp ủy, chính quyền địa phương. Chính vì vậy, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVI nhiệm kỳ 2010 -2015, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện xây dựng và ban hành Đề án số 05 về phát triển kinh tế, trong đó có quyết tâm: “…phát huy lợi thế để phát triển mạnh kinh tế vùng biển”.
Đề án thực sự là “kim chỉ nam” để huy động nguồn lực nhằm phát triển kinh tế biển ở Quỳnh Lưu về cả đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy hải sản. Về xã Sơn Hải, nói đến nghề đi biển, đồng chí Trần Văn Hùng- Chủ tịch UBND xã khẳng định, ở đây nghề đi biển chính là trụ cột của kinh tế xã.
Thực hiện đề án của Huyện ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ xã nghiên cứu xây dựng Đề án phát triển mạnh đội tàu đánh bắt xa bờ và các dịch vụ hậu cần nghề cá. “Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là Đảng ủy, chính quyền địa phương luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho ngư dân tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng, cũng như các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, tiếp thêm niềm tin, khuyến khích họ mạnh dạn đầu tư tàu to, máy lớn vươn khơi bám biển”.
Cũng từ những cách làm đó, ngành kinh tế biển ở Sơn Hải có những chuyển biến rõ nét. Tôi có dịp gặp gỡ đồng chí Trần Văn Thấy - một đảng viên hơn 30 năm tuổi đảng. Rời quân ngũ, trở về địa phương, cũng như bao người đàn ông ở mảnh đất này, đồng chí Thấy gắn bó với nghề đi biển như một điều tất yếu. Sau bao năm dãi dầu sóng gió, đồng chí có một cơ nghiệp vững vàng với 3 con tàu công suất lớn. Hào sảng khoát tay chỉ ra hướng những con tàu sừng sững in bóng lên chân trời, đồng chí Thấy chia sẻ: “Hiện nay, gia đình đang cùng góp vốn làm ăn với anh em đóng và mua lại 3 tàu cá đang vươn khơi công suất đều trên 90 CV. Trong đó, có một tàu 400CV làm nghề chụp đánh bắt cả cá và mực vừa ra khơi trong năm nay; giải quyết việc làm cho nhiều nhân công với thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/người/tháng; hai tàu còn lại thu nhập lao động bình quân khoảng 3 triệu đồng/người/tháng. Hiện gia đình tôi đang cùng chung với anh em đóng tiếp một tàu 400CV. Điều đáng nói, trong quá trình đóng tàu mới, anh em nhận được sự giúp đỡ của cấp ủy đảng và chính quyền địa phương về việc tiếp cận nguồn vốn với ngân hàng”. Không chỉ năng động, mạnh dạn trong vươn khơi, bám biển, đồng chí Thấy còn là Chủ tịch Hiệp hội Nghề cá của xã. “Hiệp hội luôn phối hợp chặt chẽ với Đảng ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền cho ngư dân về việc phát triển đội tàu, giúp nhau trong quá trình bám biển. Đồng thời làm việc với các ngân hàng và các cơ quan chức năng cấp trên để tạo điều kiện cho ngư dân tiếp cận nguồn vốn và nhận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước”, đồng chí Thấy cho biết thêm.
Sự gắn bó khăng khít giữa cấp ủy, chính quyền địa phương với Hiệp hội và ngư dân trở thành nền tảng quan trọng để liên tục nhiều năm liền, đội tàu đánh bắt của Sơn Hải phát triển nhanh về số lượng cũng như công suất. Đặc biệt, nhiều hộ đã mạnh dạn đóng tàu cá mới vươn khơi thay vì mua lại tàu cũ như trước đây.
Theo thống kê của xã, năm 2011, 2012, mỗi năm cả xã chỉ có 1 tàu đóng mới, nhưng năm 2013 có 14 tàu và 2014 có 19 tàu đóng mới, nâng tổng số tàu của xã lên 256 chiếc, trong đó có 215 chiếc có công suất từ 90CV trở lên. Hiện nay, tổng công suất tàu cá của Sơn Hải đạt 51 nghìn CV, tăng 100% so với năm 2010; sản lượng thủy sản khai thác năm 2014 ước đạt 3.500 tấn, vượt kế hoạch đặt ra. “Mặt khác, số lao động trong ngành khai thác hải sản của xã lên đến hơn 1600 người, đó là chưa kể các phương tiện tạo việc làm cho hàng trăm lao động nghề biển ở các địa phương khác. Giá trị kinh tế biển đã chiếm khoảng 60% cơ cấu kinh tế của xã một cách bền vững”, đồng chí Chủ tịch xã Sơn Hải phấn khởi nói.
Không chỉ phát triển đánh bắt hải sản, nuôi trồng thủy sản cũng là một thế mạnh mà Đề án 05 của huyện Quỳnh Lưu xác định đầu tư phát triển với việc rà soát, bổ sung quy hoạch vùng chế biến thủy sản tập trung, vùng sản xuất giống, vùng nuôi tôm công nghiệp… Đồng thời, ứng dụng nuôi trồng thủy sản theo hướng thâm canh tập trung; áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ nuôi sạch; đa dạng hóa đối tượng nuôi, ưu tiên phát triển các loài có năng suất cao, giá trị xuất khẩu lớn như: tôm he, tôm sú; tiếp tục phát triển diện tích nuôi theo hướng công nghiệp.
Với những định hướng trọng điểm, cách thực hiện bài bản và sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị; vận dụng, lồng ghép các cơ chế, chính sách của Nhà nước; sự năng động, sáng tạo, nỗ lực vượt qua khó khăn của nhân dân, sau 4 năm thực hiện, Đề án 05 đã thực sự đi vào cuộc sống, khẳng định chủ trương đúng đắn của cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt đối với việc phát triển ngành kinh tế biển. Đến nay, tổng số tàu khai thác hải sản của Quỳnh Lưu đạt 1.197 chiếc, trong đó tàu trên 90CV đạt 640 chiếc, tăng 255 chiếc so với năm 2010, với tổng công suất máy là 120 nghìn CV, tạo việc làm cho trên 12 nghìn lao động vùng ven biển. Diện tích nuôi trồng thủy sản ước đạt 2.365 ha. Tổng sản lượng thủy hải sản đạt gần 50 nghìn tấn. Những con số biết nói này đưa tổng giá trị sản xuất thủy hải sản năm 2014 của Quỳnh Lưu ước đạt hơn 1.374 tỷ đồng, tăng hơn 80% so với năm 2010, vượt gần 14% so với chỉ tiêu.
Trao đổi với chúng tôi về những kết quả khả quan trên, đồng chí Lê Đức Cường - Bí thư Huyện ủy Quỳnh Lưu cho biết: Xác định kinh tế biển là thế mạnh của địa phương, nhưng việc khai thác vẫn chưa xứng tiềm năng. Vì vậy, ngay từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ huyện xem việc ban hành Đề án 05 là cần thiết nhằm thúc đẩy lĩnh vực này. Từ đó, hàng năm, huyện Quỳnh Lưu luôn chú trọng kêu gọi, vận động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn của Trung ương, tỉnh và địa phương để xây dựng cơ sở hạ tầng giúp phát triển kinh tế biển như các cảng cá, đường giao thông… Bên cạnh đó, chủ động phối hợp với các ngành chuyên môn để đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên; mở các lớp chuyển giao khoa học, kỹ thuật trong đánh bắt, nuôi trồng cho người dân; khuyến khích phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá. Vì vậy, ngành nghề khai thác, nuôi trồng thủy hải sản ngày càng phát triển và có đóng góp ngày càng lớn trong cơ cấu kinh tế của Quỳnh Lưu. Hiện nay, địa phương đang tập trung phát triển một thế mạnh về kinh tế biển khác, đó là du lịch biển và bước đầu thu hút được nhà đầu tư”.
Đổi thay nơi rẻo cao
Chia tay đất biển Quỳnh Lưu, chúng tôi ngược lên với rẻo cao Quế Phong và được chứng kiến những thay đổi to lớn nơi miền biên viễn này. Trong những năm qua, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo Nghị quyết 20 của Đảng bộ huyện đề ra, nhiều mô hình kinh tế đã được triển khai, đặc biệt là vừa phát huy được giá trị các giống cây, con bản địa, vừa du nhập những giống mới hiệu quả, tạo một bức tranh mới cho nông thôn huyện vùng cao biên giới này.
Tại xã Châu Kim, chúng tôi được gặp gia đình vợ chồng ông Vi Xuân Hùng và bà Hà Thị Quyết ở bản Đô. Trong khuôn viên gia đình dẫu chật hẹp, ông bà xây dựng chuồng trại nuôi lợn, gà, vịt rất khoa học nên đảm bảo vệ sinh môi trường và đàn vật nuôi phát triển tốt. Gà và vịt đều được nuôi theo hình thức gối đầu nên gần như gia đình luôn có để xuất chuồng. Đặc biệt, mô hình chăn nuôi lợn của gia đình ông Hùng có hiệu quả kinh tế cao. Tháng 6 năm 2013, ông được Nhà nước hỗ trợ 2 con lợn đen, cộng thêm đầu tư của gia đình, giờ đây vợ chồng ông có một đàn lợn 38 con. Trao đổi với chúng tôi, bà Quyết vui vẻ nói: “Nhờ chăn nuôi, cuộc sống của gia đình ổn định hơn trước rất nhiều. Người dân trong xã thấy gia đình chăn nuôi hiệu quả nên nhiều người cũng đến lấy giống lợn về nuôi”. Gia đình ông Hùng, bà Quyết không phải là trường hợp hiếm gặp ở xã Châu Kim.
Trong những năm qua, thực hiện chuyển đổi cơ cấu, cây trồng vật nuôi theo nghị quyết của Đảng bộ huyện, Đảng ủy, UBND xã Châu Kim tập trung hướng dẫn người dân phát triển sản xuất gắn với thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trên cơ sở thực hiện dồn điền đổi thửa, những vùng đất gặp khó khăn về nước tưới, xã mạnh dạn thí điểm đưa cây mía vào trồng và liên hệ với nhà máy mía đường NASU bán làm giống cho nông dân trồng mía các huyện khác. Hiện nay, tổng diện tích mía giống của Châu Kim đạt 14,5 ha. Ngoài ra, xã cũng thực hiện mô hình nuôi gà đen ở bản Chổi, lợn đen theo giống của địa phương với tổng đàn ngày càng tăng; thực hiện xây dựng cánh đồng mẫu lớn trên diện tích 30 ha; triển khai bón phân dúi cho lúa… Hiệu quả kinh tế mang lại góp phần đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo cho địa phương.
Đồng chí Hà Minh Tuấn - Phó Chủ tịch xã Châu Kim cho biết: Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi gắn với doanh nghiệp đã góp phần bao tiêu sản phẩm ổn định cho nông dân như mía, lúa. Ngoài ra, các giống vật nuôi là giống bản địa nên có giá trị kinh tế cao, được thị trường ưa chuộng, vì vậy đầu ra cũng tương đối ổn định. Do đó, góp phần nâng cao kinh tế cho người dân. Năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo của xã gần 50%, nhưng kết thúc năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn hơn 21%”.
Không riêng gì Châu Kim, thực hiện Nghị quyết 20 của Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2010 - 2015, các xã, thị trấn của Quế Phong đã có những cách làm, lựa chọn chuyển đổi cơ cấu giống cây, con phù hợp với đặc thù của địa phương nhằm phát huy thế mạnh. Chính vì vậy, nhiều mô hình kinh tế đã tạo được dấu ấn và có sức lan tỏa lớn trong những năm qua như cây chanh leo ở xã Tri Lễ, trồng mía ở xã Quế Sơn, Châu Kim…
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Lữ Đình Thi - Bí thư Huyện ủy Quế Phong chia sẻ: “Quế Phong là một trong ba huyện nghèo nhất tỉnh. Vì vậy, công tác giảm nghèo được xem là nhiệm vụ trọng tâm. Huyện xác định phải đưa giống cây, con phù hợp với từng vùng và phát triển thành cây chủ lực nhằm giúp nhân dân phát triển sản xuất, góp phần giảm nghèo bền vững. Trong quá trình thực hiện phải có liên kết 4 nhà, gồm: nhà nông dân, nhà nước, nhà khoa học và doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả sản xuất”. Với cách làm đó, hiệu quả sản xuất được nâng lên, tăng thu nhập cho người dân, công cuộc giảm nghèo của Quế Phong cũng bắt đầu thu được những “mùa quả ngọt”. Tính đến hết năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Quế Phong chỉ còn 37%, so với hơn 50% vào năm 2011.
Trong hành trình những ngày cuối năm 2014, ở mỗi vùng đất mà chúng tôi đi qua, có thể thấy từ sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng với những nghị quyết sâu sát thực tiễn, đã phát huy được tiềm năng địa phương, khơi dậy được sức dân trong công cuộc xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh. Tất cả gợi nên những dự cảm đầy niềm tin và kỳ vọng vào ngày mai.
Nhật Lệ