(Baonghean) - Để tiến tới xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, Đảng ủy và nhân dân xã Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu) thực hiện nghiêm quy ước văn hóa do nhân dân cùng xây dựng, qua đó điều chỉnh các mối quan hệ xã hội mang tính tự quản tại địa phương. Việc sống và lao động theo quy ước văn hóa dưới sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, còn phát huy những tập quán tốt đẹp trong sinh hoạt văn hóa của quê hương.
Thời điểm này, vào vụ chính của làng nghề hương trầm xứ Quỳnh, vừa bước chân đến cổng làng, hương thơm của trầm đã lan tỏa. Đồng chí Hồ Báo Thông - Phó Bí thư Đảng ủy xã cho biết: “Hầu như du khách không ai biết ông tổ của thứ hương không thể thiếu trong những ngày Tết có xuất xứ ở Quỳnh Đôi chúng tôi. Trong bản hương ước của làng từ cách đây hàng trăm năm, ông cha đã nhắc đến nét văn hóa của làng nghề cổ xưa này”.
Hương trầm Quỳnh Đôi xuất hiện từ thế kỷ XVII và được các thế hệ nơi đây bảo tồn, gìn giữ, lưu truyền. Thời trước, hương trầm chỉ phát triển dạng bột, đốt bằng lư hương, sau này chuyển sang dạng hương que, quấn bằng giấy, sang thế kỷ XIX thì hương trầm phát triển rộng rãi cho đến bây giờ. Làng nghề hương trầm Quỳnh Đôi được công nhận từ tháng 12/2012 với 30 hộ tham gia sản xuất, kinh doanh.
Theo đồng chí Phó Bí thư xã, chúng tôi tìm đến nhà ông Hồ Quốc Việt, chủ nhiệm làng nghề. Tại đây, hàng chục công nhân đang khẩn trương hoàn thành các lô hàng, mỗi người một công đoạn. Ông Hồ Quốc Việt cho biết: “Mỗi năm, trung bình gia đình tôi thu nhập 100 - 150 triệu đồng từ hương trầm, tạo việc làm cho 10 lao động thời vụ và 5 lao động thường xuyên với mức lương bình quân từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng”.
Xây dựng, phát triển làng nghề hương trầm được Đảng ủy xã Quỳnh Đôi đưa vào nghị quyết hàng năm và trở thành chương trình hành động của chính quyền, người dân. Đây cũng là “quyết sách” để người dân có việc làm, thu nhập vừa giữ được nét văn hóa xưa của mảnh đất khoa bảng này.
Trong hương ước làng Quỳnh Đôi xưa ghi rõ việc người dân tự tạo sinh kế từ đồng đất và sản vật quê hương, nhưng phải gắn với văn hóa làng và khế ước của làng. Bản hương ước xưa có 115 điều đã được nhân dân làng Quỳnh thực hiện từ bao đời. Cho đến nay, Đảng ủy, chính quyền và nhân dân xã nhận thấy hương ước này vẫn có giá trị, đã tiếp tục bổ sung để hoàn thiện phù hợp với đời sống đương đại.
Với vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, cùng với quy ước mới được thông qua, nhân dân Quỳnh Đôi đã phát huy những thuần phong mỹ tục, đề cao các chuẩn mực đạo lý và đạo đức truyền thống của quê hương; đồng thời tạo cơ chế duy trì an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, phòng, chống các tệ nạn xã hội, thực hiện chính sách dân số, phát triển sản xuất. Cũng từ việc thực hiện các quy ước đó, các mâu thuẫn nhỏ trong cộng đồng dân cư được giải quyết, đảm bảo sự đoàn kết, dân chủ ở thôn, xóm, phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
Theo đó nếu công dân trong xã không thực hiện đúng các điều trong quy ước thì sẽ không được hưởng các quyền lợi của địa phương, không được xét gia đình văn hóa trong năm. Để thực hiện nghiêm bản quy ước, mọi công dân Quỳnh Đôi sinh sống tại xã đều phải có trách nhiệm tham gia đầy đủ các cuộc họp thôn hoặc cử đại diện hộ gia đình tham gia đầy đủ các cuộc họp thôn trong năm; đồng thời mỗi công dân đều phải có nghĩa vụ đề xuất kiến nghị, sáng kiến về phát triển kinh tế, xây dựng gia đình văn hóa, bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh trật tự ở địa phương...
Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, các thôn xóm của xã cùng nhau thi đua và thực hiện tốt các mô hình do xã phát động. Việc đóng góp được nhân dân thực hiện đồng loạt góp phần thực hiện nhanh công tác xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình giao thông.
Trong năm 2014, xã đã hoàn thành xây dựng 2,5km đường vào các di tích lịch sử - văn hóa, 8/8 thôn đã hoàn thành 15,2km đường giao thông nội thôn, xây dựng mới trên 10km kênh mương nội đồng. Nâng cấp khuôn viên Đền Thần, khu trung tâm, và một số công trình phúc lợi khác. Đặc biệt, đối với nhân dân Quỳnh Đôi, việc hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới phải đồng hành với việc xây dựng làng văn hóa theo đúng quy ước.
Với người dân Quỳnh Đôi, việc phát triển sản xuất, kinh doanh luôn phải cam kết đảm bảo về an ninh trật tự, bản sắc văn hóa vùng quê và giữ gìn môi trường thôn xóm sạch đẹp, văn minh. Đối với những hộ sản xuất trên phần ruộng khoán cũng phải bám sát thực hiện quy chế của xã, không được tự ý cải tạo, đảo đất, thay đổi mặt bằng và chuyển đổi sản xuất khi chưa được sự đồng ý bằng văn bản của chính quyền.
Những hộ có diện tích đất sản xuất vụ đông nếu không có khả năng thực hiện thì cho hộ khác mượn đất để tăng thu nhập. Những người sử dụng máy nông nghiệp trong sản xuất phải cam kết bảo vệ giao thông, kênh mương nội đồng, nếu vi phạm thì phải tự tu sửa hoặc nộp một khoản tiền tương ứng cho hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp thuê thợ khắc phục. Tất cả những quy định đó nhằm nâng cao ý thức tự giác cho người dân cùng xây dựng văn hóa, “ứng xử hợp tình, hợp lý” trong lao động và sản xuất.
Khắp 8 thôn của xã Quỳnh Đôi, mỗi người dân đều đã thực hiện tốt quy ước về xây dựng nếp sống văn hóa trong việc tang, việc cưới. Mỗi khi trong xã có đám hiếu, gia đình không tổ chức thuê đội kèn trống thâu đêm mà chỉ mở nhạc hiếu vào những giờ quy định, đồng thời thực hiện nghiêm việc không rải vàng mã gây mất vệ sinh môi trường và tốn kém, lãng phí. Gia đình nào có con cưới vợ, gả chồng chỉ mời ăn uống trong vòng một ngày và không mời rộng rãi, không bày mâm cỗ phô trương.
Ông Cù Chính Quyền – Bí thư Chi bộ thôn 5 cho biết: “Để thực hiện tốt hương ước, trước hết mỗi đảng viên nêu cao tình thần gương mẫu xung kích, từ đó lan tỏa rộng khắp trong thôn. Quá trình đó, cấp ủy, ban cán sự thôn giám sát, theo dõi chặt chẽ, phát huy vai trò của các tổ tự quản... Thế nên ở thôn 5 không có tình trạng vi phạm an ninh trật tự, mỗi người mỗi nhà đều có ý thức trong việc bảo vệ môi trường, tình làng nghĩa xóm được gắn bó keo sơn”.
Trong lộ trình xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu, xã Quỳnh Đôi đang chỉ đạo bám sát thực hiện 7 chương với 23 điều khoản quy ước làng, xã đã được đảng ủy, chính quyền và nhân dân xây dựng. Những hương ước văn hóa làng xã đều có ở hầu hết các vùng nông thôn nhưng để ứng dụng được vào thực tiễn như ở Quỳnh Đôi là một điều đáng trân trọng. Bởi ở đó, có sự kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp, có cả ý Đảng và lòng dân “thuận hòa” thực hiện.
Thanh Nga