(Baonghean) - Đảng bộ huyện Anh Sơn khóa XIX, nhiệm kỳ 2010 - 2015 xác định đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hàng hóa, cây nguyên liệu gắn với công nghiệp chế biến. Để thực hiện thành công mục tiêu đề ra, huyện chủ trương phát huy tối đa nền dân chủ, đẩy mạnh thu hút đầu tư, đảm bảo sự phát triển xã hội bền vững...
Những mô hình hiệu quả từ nghị quyết chuyên đề
Trước khi có Chỉ thị 08 - CT/TU của BTV Tỉnh ủy về “dồn điền đổi thửa”, BCH Đảng bộ huyện Anh Sơn nhiệm kỳ 2010 - 2015 đã ban hành Nghị quyết số 03 - NQ/HU về tiếp tục vận động nông dân chuyển đổi ruộng đất. Có thể nói việc tiên phong tiếp tục chuyển đổi ruộng đất đã tạo điều kiện mới trong tập trung tư liệu sản xuất, hình thành những vùng chuyên canh nông nghiệp hàng hóa cho giá trị kinh tế cao. Chỉ thị 08- CT/TU của Tỉnh ủy về vận động nông dân “dồn điển đổi thửa” đã thực sự trở thành một cuộc cách mạng thay đổi từ nhận thức đến thực tiễn của cán bộ cũng như của bà con nông dân ở Anh Sơn.
Nhờ thực hiện phát huy dân chủ trong công tác dồn điền, đổi thửa nên chỉ trong một thời gian ngắn, huyện Anh Sơn đã đưa diện tích thực hiện 4.160 ha/4.557 ha đạt 91,3%, quy mô diện tích bình quân thửa đất tăng lên gấp đôi từ 454m2/thửa tăng lên 911m2/thửa; bình quân số thửa/hộ giảm từ 6,62 thửa/hộ xuống còn 3,18 thửa/hộ. Gắn với thực hiện công tác dồn điền, đổi thửa, hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng đã được đầu tư nâng cấp, tạo thuận lợi đưa cơ giới hóa vào các quy trình sản xuất, thu hoạch. Một thành công rất lớn trong vận động nông dân chuyển đổi ruộng đất tại Anh Sơn là “hậu” chuyển đổi đã hình thành được những vùng chuyên canh rau màu hàng hóa, cây vụ đông cho giá trị kinh tế cao.
Xã Cẩm Sơn đi đầu trong dồn điền, đổi thửa và tiên phong trong việc đưa cây rau hàng hóa có giá trị kinh tế cao vào vùng đất bãi. Để chủ trương lớn đi vào cuộc sống, ngoài chỉ thị của Tỉnh ủy, Nghị quyết của huyện, BCH Đảng bộ xã cụ thể hóa bằng Nghị quyết chuyên đề số 05 về công tác dồn điền, đổi thửa giai đoạn 2 trên địa bàn toàn xã. Phương châm thực hiện của xã là làm điểm nhân ra diện rộng, gắn với đưa các loại giống cây hàng hóa phù hợp từng chân đất, khẳng định giá trị kinh tế. Nhờ vậy, Cẩm Sơn xuất hiện nhiều mô hình và trở thành phong trào trồng rau màu hàng hóa cho hiệu quả kinh tế rất cao trên vùng đất bãi.
Công thức luân canh: bí xanh - dưa hấu - bí xanh hoặc bí xanh - bí xanh - cây rau màu với giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích lên đến trên 300 triệu đồng/ha và đưa cây bí xanh trở thành cây chủ đạo trong phát triển kinh tế của địa phương. Cây rau hàng hóa đã phát triển trên hầu hết các cánh đồng thuộc các thôn Hội Lâm, Cẩm Hòa, Cẩm Lợi, đồng Cạn... với diện tích lên đến 180 ha. Đồng chí Nguyễn Quốc Tuấn, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: “Từ thực tiễn kinh nghiệm trong chỉ đạo sản xuất sau dồn điền, đổi thửa cho hiệu quả cao trên vùng đất bãi, xã tiếp tục triển khai tại các vùng đất khác để mỗi xứ đồng có được bộ cây trồng hiệu quả, lấy giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích làm cơ sở so sánh, đánh giá, phát triển”.
Ở xã Tường Sơn, sau chuyển đổi ruộng đất đã tích cực, chủ động đưa giống cây rau màu vào trồng trên đất 2 lúa vụ đông. Trên vùng đồng Dừa thuộc xóm 7, xóm 4, dọc theo đồng ngô đông xanh mướt trên đất 2 lúa là những ruộng dưa chuột, đậu cô ve, ớt cay xanh tốt được chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật. Vụ đông này, Tường Sơn tiếp tục đưa vào trồng 120 ha ngô đông trên đất 2 lúa với năng suất 40 tạ/ha, giá trị kinh tế đạt gần 3 tỷ đồng, tạo nguồn thu đáng kể cho các hộ dân. Ông Nguyễn Văn Linh, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã đánh giá: “Cái được rõ nét nhất sau chuyển đổi ruộng đất ở Tường Sơn, ngoài vấn đề đưa cơ giới hóa vào các công đoạn trong quá trình sản xuất là đã thêm được một vụ ngô hè thu trên đất bãi (từ 2 vụ lên 3 vụ) trên diện tích 150 ha và thực hiện kỹ thuật thâm canh đối với cây ngô từ trồng thưa sang trồng dày (4,5 vạn cây/ha lên 7 vạn cây/ha) cho năng suất cao. Ngoài ra, xã tiếp tục duy trì diện tích trồng ra màu vụ đông từ 20 - 25 ha, đặc biệt là liên kết với Công ty CP Nafoods trồng 5 ha ớt cay xuất khẩu”.
Nghị quyết về vận động nông dân chuyển đổi ruộng đất không những mang lại hiệu quả kinh tế cao trên vùng đất lúa, đất bãi mà còn xác định được cụ thể cây hàng hóa trên vùng đất đồi vệ. Thăm mô hình trồng rễ hương cho giá trị kinh tế lên đến trên 200 triệu đồng/ha của anh Nguyễn Trọng Chín, xóm 4, xã Cao Sơn. Trên diện tích hơn 2 ha, anh Chín chỉ trồng toàn cây rễ hương, với kinh nghiệm trồng, thu hoạch đúng quy trình, nên năng suất đạt đến 20 tấn rễ/ha, trở thành mô hình điển hình về hiệu quả cây rễ hương cao nhất của vùng. Ông Phan Viết Thủy, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: “Năm 2013, nhờ huyện hỗ trợ 100 triệu đồng, xã đã xây dựng 10 mô hình đều cho hiệu quả vượt trội. Hàng năm, Đảng ủy đều có nghị quyết về đẩy mạnh phát triển cây rễ hương và diện tích hiện nay đạt 30 ha. Xã xác định cây rễ hương là một trong những cây hàng hóa quan trọng đưa lại hiệu quả kinh tế cao vùng đất đồi vệ…”.
Như vậy, sau chuyển đổi ruộng đất theo Nghị quyết chuyên đề đã tạo cho Anh Sơn một khí thế mới trong sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa hiệu quả cao và bền vững. Ông Nguyễn Công Thế, Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết: Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững được Anh Sơn tập trung chỉ đạo thực hiện, trên cơ sở phát huy những lợi thế của mình. Bên cạnh xác định rõ 4 cây trồng chủ lực gồm ổn định diện tích 3.000 ha lúa, 2.000 ha mía, 3.000 ha ngô và 2.300 ha chè, chủ trương của huyện tập trung đầu tư thâm canh theo chiều sâu gắn với các nhà máy đã có trên địa bàn như nhà máy đường, nhà máy chế biến chè và hình thành một số vùng cây, con đặc sản gắn với xây dựng thương hiệu như: chè công nghiệp Hùng Sơn, chè thực phẩm Cao Sơn theo quy trình VietGap, vùng chuyên rau, củ, quả thực phẩm khoảng 300 ha của 10 xã, trồng ớt cay xuất khẩu, cây ngô ngọt, gấc lai đen...
Phát huy dân chủ, khơi dậy sức dân
Trong những năm qua, huyện Anh Sơn tăng cường phát huy dân chủ rộng rãi trong các cấp, các ngành với nhiều cách làm hay. Đặc biệt, đối thoại trong Đảng, trong các tổ chức chính trị, xã hội và nhân dân trở thành kênh hữu hiệu trong việc nắm bắt, trao đổi thông tin kịp thời, từ đó góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế xã hội địa phương. Nổi bật trong năm 2014, đó là việc giải phóng mặt bằng (GPMB) cho Dự án Nhà máy sản xuất than củi sạch xuất khẩu do Công ty CP Nhiên liệu sạch làm chủ đầu tư tại xã Khai Sơn, huyện Anh Sơn. Theo yêu cầu, trong thời gian 3 tháng (từ tháng 7 - 9/2014), công tác GPMB phải hoàn thành để bàn giao cho chủ đầu tư, tuy nhiên trong thực tế triển khai gặp không ít khó khăn. Đồng chí Nguyễn Hữu Sáng, Phó Chủ tịch UBND huyện Anh Sơn, Chủ tịch Hội đồng GPMB huyện cho biết: “Lúc đầu, nhiều người dân bị ảnh hưởng vẫn chưa hiểu được chủ trương, mục tiêu của dự án; băn khoăn về giá cả, chính sách hỗ trợ bồi thường GPMB; một số cán bộ, đảng viên còn phân vân…”.
Vì vậy, Thường trực Huyện ủy đã có 3 phiên họp để nghe UBND huyện báo cáo tình hình cụ thể và giao trách nhiệm cho Mặt trận và các đoàn thể, các ngành cụ thể. Đồng thời, Hội đồng GPMB tổ chức đối thoại, trao đổi trực tiếp với cán bộ, nhân dân nhiều lần, nhất là với những hộ còn chưa thông tư tưởng, nhằm giải thích, vận động họ. Song song với đó, bộ phận chuyên môn triển khai công tác đo, đếm một cách cụ thể, minh bạch. Mặc dù khối lượng hồ sơ cần lập không nhỏ nhưng đã hoàn thành để phản ánh thông tin kịp thời cho người dân biết quyền lợi, mức hỗ trợ cụ thể. Đồng thời tiếp nhận xử lý các kiến nghị, đề xuất chính đáng của nhân dân, ngược lại, nếu không chính đáng thì trả lời cụ thể bằng văn bản.
Đồng chí Nguyễn Tất Hồng, Phó Chủ tịch UBND xã Khai Sơn cho biết: “Xã thành lập Ban vận động GPMB, kết hợp với huyện để tuyên truyền vận động nhân dân. Chúng tôi tổ chức thành từng nhóm, từng tổ đến từng nhà vận động”. Với những giải pháp đó, công tác GPMB cho dự án đã được thực hiện hiệu quả. Thôn 4, xã Khai Sơn có 125 hộ dân, trong đó 33 hộ có đất thuộc diện thu hồi phục vụ dự án với tổng diện tích gần 2,5 ha. Mặc dù gặp không ít khó khăn trong quá trình thực hiện, nhưng với sự vào cuộc hiệu quả của cả hệ thống chính trị, thôn 4 trở thành thôn đầu tiên bàn giao đất cho dự án.
Đồng chí Thái Đình Túc, thôn trưởng cho biết: “Dự án không chỉ mang lại hiệu quả đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mà của cả tỉnh. Vì vậy, chúng tôi rất đồng tình ủng hộ và cùng với các tổ của xã vận động, giải thích cho những hộ bị ảnh hưởng rõ. Qua đó, tạo sự đồng thuận, thống nhất chung nên công tác GPMB về đích trước thời hạn”. Cũng trên tinh thần đó, đến giữa tháng 9/2014, toàn bộ diện tích GPMB 17 ha thuộc đất sản xuất trên 5 xóm của 252 hộ dân bị ảnh hưởng ở xã Khai Sơn đã hoàn thành và chi trả kịp thời cho người dân số tiền hơn 16 tỷ đồng. “Công tác GPMB được thực hiện nhanh nhưng phát huy được tính dân chủ, đảm bảo được quyền lợi cho nhân dân. Vì vậy, khi hoàn thành không có đơn thư khiếu nại của nhân dân”, đồng chí Nguyễn Hữu Sáng cho biết thêm.
Hiệu quả của việc phát huy dân chủ không chỉ thể hiện trong công tác GPMB, mà còn trên nhiều lĩnh vực khác. Tiêu biểu như việc thực hiện Chỉ thị 25 về “Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác duy tu, bảo dưỡng đường giao thông nông thôn” của Ban Thường vụ Huyện ủy Anh Sơn. Trong những ngày cuối năm 2014, chúng tôi có dịp về thôn 7, xã Tường Sơn. Thôn có 160 hộ, trong đó có 98 hộ bà con giáo dân. Thực hiện Chỉ thị 25, 130 hộ dân sống dọc tuyến đường thôn dài 1,2 km đã tự nguyện tháo dỡ hàng rào, cổng để mở rộng đường mà không chút đắn đo.
Đơn cử như gia đình giáo dân Nguyễn Quang Dung, mặc dù hàng rào dài 50m và cổng vừa mới xây dựng năm 2013 với giá trị gần 25 triệu đồng, chưa tính tiền công, nhưng anh đã tự nguyện tháo dỡ. Xen lẫn trong niềm vui đón mừng Noel, anh Dung chia sẻ: “Con đường đi qua thôn chỉ rộng 4m lại xuống cấp, có những chỗ xe bò lốp đi lại còn khó khăn. Vì vậy, gia đình đã tự nguyện phá dỡ để hiến đất làm đường rộng hơn, đi lại thuận lợi, góp phần xây dựng nông thôn mới”. Để làm tuyến đường, nhân dân thôn 7 đã đóng góp mỗi hộ 200 ngàn đồng để có kinh phí thuê múc mương dọc hai bên đường. Ông Thái Bá Hùng, Trưởng thôn 7 chia sẻ: “Chúng tôi không chỉ họp thôn mà còn họp tại 7 tổ nhằm lấy ý kiến và thống nhất triển khai trong nhân dân.
Đối với những hộ chưa thống nhất, Ban Công tác Mặt trận tiếp tục đến nhà vận động nhiều lần. Vì vậy, chỉ mới sau một tháng triển khai, nhân dân đã đồng tình, thống nhất cao và đi đến thực hiện như hôm nay”. Ở nhiều địa phương trên địa bàn huyện Anh Sơn, quá trình đưa Chỉ thị 25 đi vào cuộc sống thu được những kết quả hết sức khả quan và giải pháp mấu chốt chính là phát huy dân chủ theo phương châm: dân biết, dân bàn, dân thực hiện như cách làm ở xóm 7, xã Tường Sơn nêu trên.
Những thành công trong phát huy dân chủ ở Anh Sơn là kết quả của cả một quá trình. Bởi từ năm 2013, huyện đã thực hiện: “Năm dân chủ” với việc triển khai đối thoại rộng rãi trong Đảng, chính quyền, các đoàn thể xã hội và nhân dân. Trong đó, có đối thoại giữa Ban Thường vụ Huyện ủy với 320 bí thư chi bộ trực thuộc các Đảng bộ cơ sở. Trên cơ sở các ý kiến, Ban Thường vụ Huyện ủy đã giao cho các ban, ngành liên quan trả lời, tổng hợp giải trình bằng văn bản và có hướng chỉ đạo xử lý cụ thể được dư luận đồng tình, ủng hộ cao. UBND huyện, ngành Giáo dục đã tổ chức đối thoại với 198 giáo viên hợp đồng bậc học THCS;... góp phần giải quyết những vướng mặc, tạo sự ổn định và nâng cao hiệu quả công tác điều hành, lãnh đạo.
Phát huy những kết quả đó, trong năm 2014, ngay từ đầu năm UBND huyện, các xã, thị trấn đã xây dựng, ban hành kế hoạch thực hiện dân chủ ở cơ sở. UBND huyện chỉ đạo phát huy dân chủ trong vận động xây dựng nông thôn mới; tổ chức công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân... Huyện cũng đã tổ chức 65 cuộc đối thoại, trong đó tập trung vào việc cấp GCN quyền sử dụng đất, quy hoạch mạng lưới trường lớp, bồi thường GPMB, chính sách xã hội. Trước khi ban hành các chủ trương, nghị quyết, quyết định những vấn đề có liên quan đến nghĩa vụ và quyền lợi trực tiếp của nhân dân đều được lấy ý kiến định hướng của Ban Thường vụ Huyện ủy và ý kiến tham gia của Ban Dân vận, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân...
Với sự nhạy bén trong lãnh đạo, định hướng phát triển nông nghiệp hàng hóa bền vững gắn với phát huy dân chủ trong dân, kêu gọi và đồng hành cùng nhà đầu tư nên huyện Anh Sơn tạo được hiệu quả rõ nét từ những dấu ấn. Đồng chí Lê Hồng Vinh, Bí thư Huyện ủy Anh Sơn khẳng định: “Mấu chốt để đạt được những kết quả trên chính là việc vận dụng khéo léo, linh hoạt, hiệu quả công tác dân vận, đặc biệt là dân vận khéo của các cấp, ngành và đoàn thể xã hội. Muốn vậy, đòi hỏi người cán bộ dù ở cấp nào cũng phải gần dân, sát dân, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của họ; xây dựng, củng cố thêm niềm tin đối với người dân. Từ đó, tăng cường mối đoàn kết trong toàn xã hội, tập trung ý chí, cùng phát huy nội lực, chung tay phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, tạo nền tảng phát triển văn hóa - xã hội, thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới bền vững”.
Bài, ảnh: Hữu Nghĩa – Nhật Lệ