(Baonghean) - Đội ngũ cán bộ cấp xã là những người trực tiếp tổ chức nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở cơ sở. Xây dựng được đội ngũ cán bộ cấp xã vững mạnh cũng là yếu tố quan trọng cho mục tiêu thoát nghèo bền vững ở mỗi địa phương. Tuy nhiên, việc bố trí, sử dụng và chất lượng đội ngũ này ở khu vực miền Tây Nghệ An hiện vẫn còn không ít bất cập…
 
 
Trong một lần trò chuyện với chúng tôi, anh Vi Văn Chương - nhân viên Văn phòng Đảng ủy xã Nậm Giải (Quế Phong) cho hay, làm công việc này đã gần chục năm nay nhưng anh vẫn thuộc diện "hoạt động không chuyên trách", vì Nghị định 92/2009/NĐ - CP quy định thế. Nghĩa là, trong khi nhân viên Văn phòng UBND xã được xếp lương của ngạch công chức, được hưởng các loại phụ cấp như phụ cấp biên giới, phụ cấp thu hút, thì nhân viên văn phòng đảng ủy chỉ được hưởng phụ cấp theo hệ số không quá 1,0. Và cũng không được đóng bảo hiểm xã hội. Còn anh Vừ Bá Đà là nhân viên Văn phòng Đảng ủy xã Tây Sơn (Kỳ Sơn) bộc bạch: "Tháng được hơn 1 triệu đồng, cũng chỉ đủ xăng xe. Các khoản khác đều nhờ vợ. Rất may là tôi có bà vợ đảm, khéo lo!...". Theo đồng chí Vừ Chống Gì, Bí thư Đảng ủy xã Tây Sơn, thì nhân viên văn phòng đảng ủy công việc hàng ngày nhiều khi công văn đi, công văn đến, báo cáo các loại "ngập đầu", nhưng chế độ đãi ngộ hiện quá thấp nên nhiều người không khỏi phân tâm.
 
image_8547880.jpgCán bộ xã Yên Na (Tương Dương) chia sẻ niềm vui được mùa với người dân bản Bón. Ảnh: Nhật Lân
 
Tìm hiểu thực tế, việc bố trí, sử dụng cán bộ ở cấp xã đang có nhiều bất cập. Ví dụ như 3 người có bằng cấp như nhau, thời gian công tác như nhau, cùng hoạt động ở một địa bàn, nhưng có thể hưởng chế độ lương, phụ cấp khác nhau... Vì một người là cán bộ (bầu cử); một người là công chức; một người là cán bộ bán chuyên trách. Và, tất nhiên như đã nói, mức lương, các khoản phụ cấp và chế độ giữa cán bộ, công chức với cán bộ bán chuyên trách có một khoảng cách  rất... đáng kể! Đã thế, cán bộ bán chuyên trách hiện nay không được đóng bảo hiểm xã hội. Những điều đó tạo nên sự mặc cảm và khó động viên tinh thần làm việc của họ. Theo ông Lương Văn Long, Chủ tịch UBND xã Nam Sơn (Quỳ Hợp) thì "sự bất cập đó dẫn đến sự so bì trong đội ngũ công chức và cán bộ bán chuyên trách, cũng là điều dễ hiểu".  
 
Nhiều cán bộ lãnh đạo xã cũng cho rằng, hiện có nhiều bất cập trong quy định về cán bộ, công chức cấp xã, như bộ phận thì được biên chế 2 - 3 công chức (tài chính - kế toán, văn phòng ủy ban, địa chính); bộ phận lại không được biên chế công chức dù đảm nhận khối lượng công việc tương tự, dẫn tới tình trạng cán bộ vừa thừa, vừa thiếu lại vừa yếu. Đơn cử như ở xã Nậm Giải (Quế Phong), dân số chưa đến 2 nghìn người, nguồn thu mỗi năm chỉ có trên dưới 10 triệu đồng, nhưng trong số 25 cán bộ, công chức xã bộ phận tài chính - kế toán được bố trí “3 suất”, trong đó kế toán phụ trách nguồn thu của xã lương 5 triệu đồng/ tháng.
 
Trong khi đó ở Tiền Phong là xã có dân số đông nhất huyện Quế Phong với 11.000 dân, phần đa là đồng bào Thái sinh sống ở 25 bản, ngân sách thu hàng năm đạt trên 350 triệu đồng (gấp tới 35 lần so xã Nậm Giải), nhưng số nhân viên kế toán cũng chỉ 3 "suất" như Nậm Giải và nhiều xã khác. Không cần phải so sánh, người ta vẫn có thể dễ dàng hình dung "công suất" làm việc của nhân viên kế toán ở các xã trên của huyện Quế Phong chênh lệch nhau như thế nào. Đem vấn đề này hỏi một số trưởng phòng nội vụ ở các huyện miền núi thì phần lớn đều công nhận “thực tế ở cấp xã bộ phận tài chính - kế toán nên bố trí từ 1 đến 2 nhân viên là vừa.
 
Các bộ phận khác như văn phòng ủy ban, địa chính - môi trường cũng tương tự. Những xã có 3 công chức làm việc này là lãng phí. Nhiều ý kiến cũng cho rằng Nghị định 92/2009/ NĐ-CP của Chính phủ quy định về tổng số lượng cán bộ, công chức cho từng loại xã, cụ thể xã loại I không quá 25 người; loại II không quá 24 người; loại III không quá 21 người. Đồng thời quy định rõ số lượng cho từng chức danh… Tuy quy định như vậy, nhưng thực tế từng địa phương có những chức danh  nếu bố trí đủ theo Nghị định 92 lại lãng phí. Ví như ở những xã vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, xã có nguồn quỹ đất ổn định, nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng, “mua – bán” ít thì không cần thiết phải bố trí 2 cán bộ địa chính; một số xã có số dân ít không cần phải bố trí 2 công chức tư pháp - hộ tịch...
 
Cán bộ xã Tam Quang (Tương Dương) trao đổi về quy hoạch phát triển rừng. Ảnh: Hồ Phương
 
Tìm hiểu về các chế độ, chính sách cho cán bộ ở các huyện miền núi, được biết, ngoài mức lương được xếp theo hệ số chung, cán bộ công chức các xã miền núi thuộc diện đặc biệt khó khăn còn được hưởng thêm 70% mức lương theo Nghị định 116/2010/NĐ - CP của Chính phủ, thường gọi là "phụ cấp thu hút". Đối với cán bộ xã biên giới còn được thêm 30% phụ cấp đặc biệt theo Nghị định 204/2004/NĐ - CP. Có thể nói đây là một cố gắng lớn của Đảng và Nhà nước nhằm động viên cán bộ, công chức vùng sâu, vùng xa có thêm điều kiện khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, chính sách này trên thực tế cũng có điều cần bàn. Nhiều nơi, địa bàn làm việc chỉ cách một con suối, một con đường nhưng mức thu nhập của cán bộ, công chức xã có khi gấp đôi nhau. Một công chức ở Thị trấn Kim Sơn (Quế Phong) băn khoăn: "Người vùng xuôi hay ở thị trấn đến các xã vùng sâu, vùng xa được hưởng phụ cấp "thu hút" là điều không cần bàn. Còn người bản địa, làm cán bộ, công chức ngay trên quê hương mình thì sao gọi là "thu hút?”. 
 
Một thực tế nữa ở vùng cao là chuyện anh em, cha con, vợ chồng, dâu rể... làm cùng cơ quan là chuyện... thường! Có lần, chủ tịch một xã ở huyện Quế Phong  tự hào cho hay, hiện có 4 người em đang giữ những cương vị quan trọng trong xã: Phó chủ tịch xã là em rể, cô em gái làm chủ tịch hội phụ nữ, cậu em trai đang là bí thư đoàn thanh niên, "ngoài ra" vị chủ tịch xã này còn 1 cậu em rể khác làm cán bộ địa chính. Hỏi, như thế chủ tịch không sợ "tình riêng" ảnh hưởng đến việc chung à? Đáp: "Cán bộ là cán bộ, người nhà là người nhà. Việc nào ra việc ấy chứ". Ấy thế nhưng nhiều cán bộ xã ở các huyện Quế Phong, Kỳ Sơn đều cho rằng, như thế là rất khó trong xử lý công việc. Một, hai “người nhà” thì còn được, nhưng cả mấy anh, chị em ruột, em rể của chủ tịch xã đều giữ các vị trí đầu ngành như thế thì thật khó làm việc; dễ nảy sinh tư tưởng “cục bộ”, kéo bè kéo cánh, tư tưởng “gia đình, dòng họ trị” gây mất đoàn kết nội bộ. 
 
Thực tế nữa, do nhiều nguyên nhân, nên mặc dù từ năm 2006, Tỉnh ủy Nghệ An đã ban hành Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ dân tộc thiểu số, nhưng hiện nay chất lượng cán bộ xã; nhất là xã miền núi còn chưa theo kịp đà phát triển kinh tế - xã hội. Và việc đua nhau đi học để "chuẩn hóa" bằng cấp của cán bộ, công chức cấp xã nên dễ nảy sinh tiêu cực. Nhiều người chỉ nhăm nhăm kiếm tấm bằng để được sắp xếp mức lương tương xứng và chức danh phù hợp, chứ không ý thức được việc cập nhật kiến thức để phục vụ công tác chuyên môn. Thậm chí có người còn tìm cách kiếm tấm bằng giả để tiến thân. Giữa năm 2014, dư luận báo chí rộ chuyện "xài bằng giả" của 13 cán bộ, công chức ở 7 xã của huyện Thanh Chương. Sự việc ảnh hưởng đến mức, ngay sau đó, UBND tỉnh phải ra chỉ thị rà soát bằng cấp, học lực của tất cán bộ, công chức xã trong toàn tỉnh. Tìm hiểu qua cán bộ chức năng huyện Thanh Chương được biết, trong số cán bộ dùng bằng giả có không ít cán bộ xã có bề dày và kinh nghiệm công tác, nhưng quy định "chuẩn" đã khiến họ làm liều. 
 
Năng lực cán bộ hạn chế cũng là nguyên nhân dẫn tới hiện tượng công tác quản lý của chính quyền ở một số nơi còn lỏng lẻo; hoạt động của hội đồng nhân dân cấp xã nhiều nơi còn hình thức, sự phối hợp giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị chưa đồng bộ… Đó là chưa nói đến chuyện một số xã còn ra những văn bản sai quy định của pháp luật. Cách đây chưa lâu, qua kiểm tra tại các huyện Kỳ Sơn, Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Thị xã Thái Hòa, cơ quan chức năng phát hiện có 23 văn bản sử dụng căn cứ pháp luật không đúng quy định, 60 văn bản ban hành không đúng hình thức, 69 văn bản có nội dung không phù hợp với quy định của pháp luật và 359 văn bản sai sót về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản; có những quy định đáng đưa vào hương ước thì HĐND ra... nghị quyết!
 
Những bất cập nêu trên nếu để kéo dài quá lâu, sẽ dẫn đến nhiều hệ luỵ: cán bộ không an tâm công tác, “lão hoá”, không thu hút được người có trình độ, năng lực tham gia công tác kéo theo sự trì trệ của cả bộ máy, cả hệ thống chính trị, cản trở đến chiến lược phát triển kinh tế, xã hội miền Tây của tỉnh và đề án xoá đói, giảm nghèo của chính các địa phương, của Chính phủ …
(còn nữa)...
 
Miền Tây Nghệ An gồm 11 trong tổng số 21 đơn vị hành chính cấp huyện của tỉnh Nghệ An, gồm 1 thị xã và 10 huyện, có diện tích 13.745,1730 km2, chiếm 83,31 trong tổng số 16.498,5322 km2 diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Dân số vùng miền Tây Nghệ An có hơn 1,1 triệu người, chiếm 37% dân số cả tỉnh, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số có 436.452 người, chiếm 29% dân số miền núi, và 14% dân số toàn tỉnh, gồm 5 dân tộc chính: Thái, Thổ, Mông, Khơ Mú, Ơ Đu.
Nhóm PV