(Baonghean) - Việc "hôi của" những ngày gần đây cứ như những vết thương âm ỉ trong lòng. Báo chí trong nước, báo chí nước ngoài đăng tin mà không dám đọc vì cảm giác xấu hổ cho một số người mà mình phải gọi là đồng bào đã làm những hành động đáng bị lên án như thế. Mình không nghĩ họ đói nghèo đến mức những lon bia, những chậu hoa đó có thể làm họ hết đói. Vậy sao việc đó vẫn cứ xảy ra, mặc dù trước đó nó đã bị lên án rất kịch liệt?
Hành vi xã hội của con người được kiểm soát bởi hai yếu tố quan trọng, đó là pháp luật và chuẩn mực xã hội. Mình thường đi học về rất khuya, có những hôm 2-3 giờ sáng, khi đến đèn đỏ vẫn thấy một vài người đứng lại chờ mặc dù đường vắng không có xe ngược chiều. Nếu ai đó vượt đèn đỏ lúc đó thì chắc cũng chẳng làm sao, vậy thì tại sao họ vẫn dừng? Thứ nhất, họ sợ camera có thể ghi lại biển số xe nên họ không dám làm (sợ pháp luật). Thứ hai, họ cảm thấy xấu hổ khi những người khác vẫn chờ đèn đỏ trong khi họ lại phá luật (cảm thấy lạc lõng trong cách cư xử, sợ dư luận xã hội). Và một lý do nữa, theo mình, quan trọng hơn rất nhiều đó chính là thói quen. Người Nhật có thói quen không vượt đèn đỏ, nhường đường cho người đi bộ, làm gì cũng phải xếp hàng, ăn uống thì phải nói một câu để cảm ơn người làm ra thức ăn cho họ,... Khi những hành vi tốt trở thành thói quen thì nó sẽ thành một nét đẹp văn hoá, mà đã là nét văn hoá đẹp thì sẽ được lưu giữ rất lâu.
Mình rất thích xem các chương trình về động vật. Nếu để ý trong một cuộc săn mồi của những con sư tử nhằm vào đám trâu rừng thì phần thắng sẽ gần như là dành cho sư tử. Sư tử luôn tin sẽ có một con mồi yếu nhất chạy thụt lại phía sau hoặc sẽ có ít nhất một con chạy sang hướng khác so với cả bầy. Nếu như những con trâu rừng quay lại cùng chĩa sừng nhọn hoắt vào kẻ thù, có lẽ sẽ không còn chuyện gì để nói nữa cho lũ sư tử. Ngược lại, những con trâu bỏ chạy vì chúng chỉ nghĩ đến bản thân nó và cũng có một niềm tin là mình sẽ không bị ăn thịt. Chắc là nó không nghĩ rằng, một ngày nào đó nó sẽ già yếu đi, sẽ bị rớt lại đằng sau và trở thành mồi ngon cho sư tử. Cũng có khi chúng bỏ chạy chỉ vì thấy con bên cạnh chạy mà chưa hề biết vì sao mình chạy?
Mình nghĩ, cái nguyên do chạy vì “tâm lý đám đông” mới đáng để nói. Hành vi hùa theo đám đông có lẽ là một trong những hành xử xã hội “con” nhất của con người. Nó thể hiện một sự tự phát và vô tổ chức. Người tham gia dễ bị kích động nên hành vi có thể vượt ra ngoài kiểm soát (đánh hội đồng kẻ ăn trộm chó), hoặc bộc lộ một bản chất của động vật là tranh giành thức ăn (hôi của). Để có một cái "phanh" tự nhiên, chúng ta cần phải tự mình tạo ra được những thói quen tốt.
Dường như con người bây giờ chẳng còn tin vào nhau nữa. Khách hàng mất niềm tin vào doanh nghiệp khi nhiều công ty chơi trò gian lận, hàng giả, hàng kém chất lượng. Phụ huynh mất niềm tin vào các "cô nuôi dạy hổ" sau những vụ bảo mẫu đánh trẻ em. Người dân mất niềm tin vào cán bộ khi các vụ án tham nhũng lớn đang dần bị phanh phui. Cái bất hạnh nhất mà con người đang phải chịu đựng, là con người mất niềm tin vào nhau mà vẫn phải sống vẫn phải nở những nụ cười...
Nếu mỗi người cũng tự nhóm cho chính mình ngọn lửa đam mê, ngọn lửa của tình yêu thương cao cả thì mình tin tương lai vẫn sẽ rực sáng. Ánh sáng có xua được đêm tối hay không phụ thuộc vào có bao nhiêu người cầm đuốc chứ không cần biết có bao nhiêu người không đốt đuốc. Bạn hãy tự toả sáng, vì một ngọn lửa nhỏ cũng có thể nhận biết được giữa bóng đêm bao trùm xung quanh. Cứ tin như thế đi.
Nguyễn Ngọc Hòa
(Gửi từ Kyoto- Nhật Bản)