(Baonghean) - Liên tục trong 2 năm (2012 - 2013), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) kinh doanh có lãi lớn và năm 2014, EVN đặt ra mục tiêu kinh doanh có lãi cao hơn. Nhưng thay vì giảm giá điện, ngay từ đầu năm 2014, EVN tiếp tục đề xuất tăng giá điện.
 
Theo đó, giá bán điện bình quân của năm 2014 sẽ tăng lên 1.533 đồng/Kwh, tăng ít nhất 34 đồng/Kwh. Theo dự kiến, tổng sản lượng điện thương phẩm năm 2014 đạt 126,5 tỷ Kwh, với mức tăng giá điện trên đây sẽ đem lại cho EVN khoản lãi 4.300 tỷ đồng. Sau 2 năm lỗ liên tiếp, năm 2012 ngành Điện lực lãi 4.404,63 tỷ đồng. Năm 2013, điện sản xuất và điện mua đạt 127,84 tỷ Kwh, tăng 8,47% so với năm 2012; điện thương phẩm đạt 115,06 tỷ Kwh, tăng 9,1% so với năm 2012; tiền lãi năm 2013 chưa được công bố nhưng chắc chắn cao hơn năm 2012.
 
Thế nhưng, giá điện vẫn liên tục tăng bất kể kinh doanh lời hay lỗ. Năm 2010, giá bán điện bình quân 1.180 đồng/Kwh, năm 2011 tăng lên 1.282 đồng/Kwh, năm 2012 tăng lên 1.322 đồng/Kwh, năm 2013 tiếp tục tăng lên 1.508, 85/ Kwh và năm 2014 dự kiến tăng lên 1.533 đồng/ Kwh. Việc tăng giá điện không tuân theo quy luật giá cả trên thị trường mà căn cứ báo cáo tài chính của năm trước để tính toán giá điện cho năm sau. Với cơ chế đó, cứ ngành Điện báo cáo lỗ là Chính phủ cho tăng giá. Hiện nay, mặc dù ngành Điện kinh doanh có lãi lớn nhưng vẫn tăng giá điện bởi chủ trương của EVN là tăng giá điện để trả nợ. Tính đến nay ngành Điện lực còn khoản nợ trên 16.000 tỷ đồng, EVN đặt ra mục tiêu là trong 2 năm (2014 - 2015) trả hết khoản nợ trên cả gốc và lãi. Như vậy, giá thành điện mỗi năm phải gánh thêm 8.000 tỷ đồng nợ treo của EVN. Điều đáng nói là trong khoản nợ “khủng” đó, phần lớn do thua lỗ trong kinh doanh ngoài ngành như kinh doanh tài chính, bảo hiểm, chứng khoán, bất động sản... kể cả tiền xây biệt thự, sân golf cũng được đưa vào chi phí tính giá thành bán điện để trả nợ. Những sai phạm này đã được cơ quan kiểm toán và Thanh tra Chính phủ chỉ ra. Vậy tại sao EVN bắt người dân phải gánh cả phần làm ăn sai trái của mình, buộc khách hàng trả nợ thay. Với mục tiêu tăng giá điện đến khi trả hết nợ thì ngành điện lực đã đặt lên vai các doanh nghiệp và nhân dân một gánh nợ vô lý và bất công.
 
   Là ngành kinh doanh độc quyền, EVN được Chính phủ ưu ái trong việc tăng giá điện. Ngày 11/11/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2165/QĐ-TTg về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân các năm 2013 – 2015. Theo đó mức giá bán điện lẻ bình quân tối thiểu là 1.347 đồng/Kwh, tối đa là 1.835 đồng/Kwh, tính ra đến năm 2015 giá điện tăng tới 21,6%, trung bình mỗi năm tăng hơn 10%. Ngày 19/11/2012, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 69/QĐ-TTg quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Theo đó, từ ngày 10/1/2014, EVN được phép tự quyết tăng giá  điện bán lẻ bình quân từ 7% đến dưới 10% trong khung giá Chính phủ quy định.
 
Với cơ chế ưu ái đó, EVN không phải chịu một sự ràng buộc nào của biến động thị trường trong việc tăng giá điện, mọi tính toán để tăng giá điện đều nhằm đem lại lợi nhuận cho ngành Điện mà không tính toán đến lợi nhuận của các ngành sản xuất khác và đời sống của nhân dân. Theo các chuyên gia kinh tế thì giá điện của Việt Nam hiện nay không hề rẻ so với thu nhập bình quân của người dân. Còn đối với các ngành sản xuất khác thì liên tục tăng giá điện và giá xăng dầu là một trong những nguyên nhân đẩy doanh nghiệp đến chỗ làm ăn thua lỗ kéo dài, nhiều doanh nghiệp có nguy cơ phá sản.    
 
Kinh doanh có lãi đáng lẽ phải trích lợi nhuận đầu tư lại cho ngành Điện để giảm giá điện cho người tiêu thụ. Nhưng EVN đã dùng lợi nhuận để kinh doanh ngoài ngành, bị thua lỗ lại tăng giá điện để bắt khách hàng gánh nợ. Khi doanh nghiệp và nhân dân phải nai lưng gánh nợ cho ngành Điện thì thu nhập của cán bộ EVN mỗi tháng hàng chục triệu đồng. Điều vô lý đó chắc các cơ quan chức năng ở Trung ương đều biết nhưng tại sao vẫn không có giải pháp xử lý? Câu hỏi đó đang gây bức xúc trong dư luận.
 
Trần Hồng Cơ