(Baonghean) - Tết năm nay được nghỉ sớm và nghỉ nhiều vì có thêm ngày thứ Bảy và Chủ nhật cận kề ngay trước ngày nghỉ Tết. Cứ nghĩ, được nghỉ lâu thế thì chắc đến ngày đi làm trở lại, công sở sẽ không có cảnh uể oải và đìu hiu như mọi năm, nhưng không, các cơ quan, đơn vị những ngày đầu năm vẫn vắng ngắt, vắng ngơ.
Không khí làm việc trễ nải, còn không khí Tết vẫn đậm đặc lắm. Đậm đặc từ những cái bắt tay nhiều hơn thường lệ và để rồi hết buổi sáng là coi như hết ngày làm việc. Phòng này, ban nọ lại rồng rắn đến nhà nhau hay kéo nhau ra quán để… chúc mừng năm mới đã đến được một tuần nay. Đây là một thực trạng mà năm nào, sau Tết Nguyên đán cũng đều diễn ra. Còn nhớ, cách đây chưa lâu, trước tình trạng công chức, viên chức nhà nước la cà quán xá trong giờ làm việc, nhiều địa phương đã tổ chức các đoàn kiểm tra rồi huy động cánh báo chí vác máy quay phục sẵn các nhà hàng, quán cà phê để có căn cứ xử lý. Phong trào rầm rộ lắm, nhưng chỉ được một thời gian ngắn, mọi việc lại đâu vào đấy. Chuyện lãng phí thời gian làm việc trước và sau Tết đã được nói nhiều, bàn nhiều, nhưng rồi cũng chìm dần trong im lặng đến khó hiểu của tất cả mọi người khiến việc vui Xuân, hưởng Tết ngày đang có biểu hiện quá đà.
Sự quá đà trong việc hưởng Tết, vui Xuân còn thể hiện ở nhiều phương diện khác của cuộc sống hôm nay. Rõ nhất là lễ hội. Cả nước ta tính sơ sơ mỗi năm có hơn ba nghìn lễ hội có tầm cỡ, còn dạng hội làng nho nhỏ thì không kể xiết. Cứ sau ba ngày Tết là trống dong, cờ mở. Khắp nơi cờ phướn bay phấp phới, các trò chơi cũ, mới được bày ra người người, nhà nhà hào hứng vào cuộc. Cứ càng đi xa càng thích và càng thấy… thiêng. Mỗi lần khai hội thể nào cũng phải có đủ cán bộ lãnh đạo địa phương rồi đại diện các ban, ngành tham dự. Công việc đình đốn cả lại.
Hội này kết thúc, hội khác lại mở ra, ít nhất phải hết tháng 3 âm lịch mới tạm vãn. Mà tháng 3 âm lịch là tháng Tư dương, ngót nửa năm rồi! Đó là mới chỉ nói về mặt thời gian và công việc, còn về bạc tiền chi phí cho các hoạt động đó thì có lẽ phải bằng thu ngân sách cả năm của hàng mấy tỉnh có thu nhập vào loại khá của cả nước. Số tiền đó, dùng để đầu tư cho sản xuất, kinh doanh chắc sẽ sinh lợi được rất nhiều. Có lẽ vì thế mà trước đây, nước Nhật cũng ăn Tết âm như ta, nhưng sau khi nhận thấy các nước phương Tây ăn tết dương công việc bị đình đốn lại một vài tuần vì đối tác còn bận nghỉ Tết. Tiếp đến, chính người Nhật cũng nghỉ Tết âm một hai tuần, vậy là mỗi năm, chỉ riêng việc nghỉ ăn Tết của cả hai phía đã làm đình đốn sản xuất, kinh doanh mất cả tháng trời.
Tốn kém và lãng phí quá nên người ta mới quyết định ăn Tết dương theo người Tây để tiết kiệm thời gian và tiền bạc. Người ta giàu mà còn tính toán kỹ lưỡng vậy. Và cũng vì tính toán kỹ lưỡng vậy nên mới giàu. Còn ta, cứ thoải mái nên tự cổ chí kim, chưa bao giờ là nước giàu cả. Có lẽ, đã đến lúc phải nhìn nhận và xem xét một cách nghiêm túc vấn đề nhập hai Tết vào làm một cho đỡ lãng phí tiền bạc và thời gian. Còn trước khi thực hiện được việc đó, thì cũng nên tự mình phanh lại, đừng nên quá đà. Việc này nên bắt đầu từ trong các cơ quan nhà nước để tạo sự lan tỏa ra ngoài xã hội. Bắt đầu từ người đứng đầu trong các cơ quan, đơn vị lan tỏa tới đội ngũ công chức, viên chức trong cả nước. Cũng như trong một gia đình vậy. Mồng Ba, mồng Bốn Tết cha đã dắt bò, vác cày ra ruộng thì con cái sao dám ngồi ở nhà uống rượu, đánh bạc, chơi đu.
Tóm lại, trong bất cứ việc gì cũng không nên quá đà chứ không chỉ trong việc đón Tết, vui Xuân.
Duy Hương