(Baonghean) - Trong cuộc gặp gỡ các nhà văn đầu năm 2014 tại Huế, nữ nhà văn Hà Khánh Linh giơ cao một cuốn sách của mình vừa được Nhà xuất bản Văn học ấn hành và nói: “Các bạn chú ý, đây là cuốn tiểu thuyết mới của Linh. Cuốn thứ 3 trong bộ tiểu thuyết gồm 3 phần: Người kinh đô, Lửa kinh đô, Những dấu chân của mẹ. Nhưng thật buồn và thât đau khổ cho Linh, trong cuốn sách này, tất cả các chữ “vô” đều bị biên tập viên của nhà xuất bản coi là tiếng địa phương, nên chữa thành chữ “vào”, biến cuốn sách trở thành một tập hợp những câu viết vô nghĩa, ngô nghê và ngớ ngẩn, rất đáng xấu hổ!”.
Các nhà văn có mặt trong buổi gặp gỡ liền mở cuốn sách mới in, còn thơm mùi mực của nhà văn Hà Khánh Linh ra xem. Tất cả các nhà văn đều từ trạng thái ngạc nhiên, chuyển thành bất bình trước sự tắc trách và những sai phạm vô lối, ngoài sức tưởng tượng của Nhà xuất bản Văn học. Ngay lập tức, nhà văn Ngô Minh gõ vào máy tính bài viết có đầu đề “Vô & vào, biên tập viên của nhà xuất bản không có chữ!”. Và cũng ngay lập tức, bài báo được bắn lên mạng và gửi thẳng đến trang web của nhà xuất bản văn học. Trong bài báo, nhà văn Ngô Minh nêu hàng loạt những câu viết có chữ “vô” bị biên tập viên của nhà xuất bản văn học chữa thành chữ “vào” hết sức ngớ ngẩn trong cuốn sách này. Cụ thể là: vô tình, bị chữa thành vào tình, vô cùng, thành vào cùng, vô phương thành vào phương, vô học thành vào học, vô đạo thành vào đạo, vô lễ thành vào lễ… Nói chung là tất cả các chữ vô định, vô chủ, vô duyên, vô khối, vô lý, vô tích sự, họa vô đơn chí… đều bị biên tập viên biến thành chữ vào cả! Từ đó mà cuốn sách trở thành một tập hợp những câu nói ngớ ngẩn, vô nghĩa, vô lý, vô văn chương và cả vô văn hóa nữa! Chẳng hạn như câu “Anh vô cùng biết ơn em” thì hóa thành anh vào cùng biết ơn em. Câu “mong bạn được bình an vô sự” thì lại thành ra “mong bạn vào sự”… Nếu cứ đổi chữ vô thành chữ “vào” thì có khi lời mắng nhiếc như “vô học”, “vô đạo” lại trở thành lời sai bảo “vào học” hoặc lời khen ngợi, chứng nhận cho việc làm tốt là đã “vào đạo”…
Đọc bài báo của nhà văn Ngô Minh ta thấy thái độ phê bình của tác giả là rất triệt để, thậm chí, nhà văn không giấu nổi sự bất bình. Ngay từ đầu đề, tác giả bài báo đã không ngần ngại khi nói thẳng “biên tập viên nhà xuất bản không có chữ”. Hơn thế, một vài tờ báo còn in là “không biết chữ” để nhấn mạnh thêm sự yếu kém của NXB. Với thái độ phê bình gay gắt như vậy của các nhà văn, ta thử xem họ tiếp thu thế nào?
Rất bất ngờ, sau khi bài báo xuất hiện chỉ vài tiếng đồng hồ, nhà văn Hà Khánh Linh đã nhận được lời xin lỗi của nhà xuất bản văn học và nhà văn Ngô Minh đã nhận được công văn chân thành tiếp nhận phê bình và cám ơn tác giả bài báo. Nội dung công văn của NXB như sau:
“ Nhà XBVH, số 9/XBVH
Hà Nội ngày 22 tháng 01 năm 2014
Kính gửi: Nhà văn Ngô Minh.
Vừa qua, trên blog của nhà văn có đăng bài viết “Biên tập viên NXB không biết chữ”, đề cập đến những lỗi ngờ nghệch trong việc biên tập cuốn tiểu thuyết Những dấu chân của mẹ, tác giả Hà Khánh Linh, Nhà xuất bản Văn học xuất bản năm 2013. Cụ thể là, toàn bộ chữ “vô” trong cuốn sách bị chữa thành chữ “vào”.
Trước hết, NXB chân thành cám ơn ông về những góp ý, phê bình hết sức kịp thời đối với những ấn phẩm của chúng tôi. Sau khi rà soát, kiểm tra lại bản bông và quy trình biên tập cuốn sách, NXB thấy những lỗi in ấn ông nêu ra đều đúng sự thực và đây là lỗi kỹ thuật từ phía bộ phận chế bản. Nhà xuất bản Văn học đã có văn bản xin lỗi nhà văn Hà Khánh Linh về sai sót này. Hiện tại, NXB đã cho dừng phát hành và thu hồi cuốn sách “Những dấu chân của mẹ”. Trong thời gian tới, NXB sẽ tiến hành sửa chữa và in lại cuốn sách này để đổi cho những khách hàng đã mua phải bản in bị sai sót. Một lần nữa, nhà xuất bản văn học xin chân thành cám ơn nhà văn Ngô Minh đã có những ý kiến phê bình, góp ý hết sức quý báu giúp NXB kịp thời phát hiện sai sót, góp phần nâng cao chất lượng sách văn học để phục vụ bạn đọc ngày một tốt hơn”.
Như vậy, qua câu chuyện này, ta thấy trong ứng xử văn hóa thì, văn hóa tiếp thu phê bình, nên có sự độc lập tương đối với văn hóa phê bình. Người phê bình có thể nóng nảy, có thể giận dữ, có thể phạm khuyết tật về thái độ phê bình. Cái đó thuộc về văn hóa phê bình, ta sẽ bàn sau. Nhưng người tiếp thu phê bình thì nên căn cứ vào nội dung phê bình, góp ý của người phê bình mà có thái độ thực sự cầu thị, nhìn thẳng vào khuyết điểm của mình để quyết tâm sửa chữa. Người được phê bình không nên để tâm thắc mắc quá nhiều vào thái độ của người phê bình và nhất là không nên nói những lời đãi bôi, hoa mỹ, khoát nước theo mưa cho xong chuyện mà thiếu cái thực tâm sửa chữa sai sót, khuyết điểm của mình.
Nhà văn Ngô Minh có thể đã không kìm nén giận dữ và đã dùng những lời lẽ khá nặng nề để phê bình Nhà xuất bản Văn học. Nhưng không vì thế mà Nhà xuất bản Văn học không chân thành tiếp thu để sửa chữa khuyết điểm của mình một cách chân thành, triệt để và rất đến nơi, đến chốn. Câu chuyện tiếp thu phê bình của lãnh đạo nhà xuất bản văn học là một biểu hiện về văn hóa tiếp thu phê bình rất đáng cho chúng ta cùng suy ngẫm.
Thạch Quỳ