(Baonghean) - Giá thành sản xuất lúa hiện nay của bà con nông dân làm ra khá cao do nhiều nguyên nhân như: Giá vật tư cao, giá ngày công lao động hiện nay tăng gấp 2 lần so với cách đây 3 năm. Trong khi đó giá lúa gạo thị trường tự do quá thấp và càng đầu tư thâm canh càng cao thì người sản xuất lúa gạo càng lỗ, do năng suất lúa có giới hạn nhất định.
 
Về giá trị thu được từ sản xuất lúa ở Nghệ An ngay trong vụ xuân năm 2015 này cho thấy: Tổng chi phí bà con nông dân đã bỏ ra để đầu tư cho 1 sào lúa từ tiền mua giống đến mua phân bón các loại; công lao động từ cày bừa làm đất, cấy, thu hoạch, chăm sóc, phòng chống sâu bệnh… gồm 11 loại chi phí, hết tất cả 1.452.000 đồng đối với những hộ gieo cấy các giống lúa lai và hết 1.316.500 đồng đối với các hộ gieo cấy các giống lúa thuần. Kết thúc thu hoạch vụ lúa xuân 2015, năng suất bình quân lúa lai đạt 325 kg/sào, giá bán tự do trên thị trường hiện tại 5.000 đồng/kg, doanh thu đạt 1.675.000 đồng, trừ chi phí sản xuất hết 1.452.000 đồng, lãi ròng thu được 223.000 đồng/sào (4.460.000 đồng/ha), tỷ lệ lãi 15,35%. Năng suất lúa thuần đạt bình quân 305 kg/sào giá bán trên thị trường tự do 6.000 đồng/kg, doanh thu 1.830.000 đồng, trừ chi phí sản xuất các loại, lãi ròng thu về được 513.500 đồng (10.270.000 đồng/ha), tỷ lệ lãi 39,00%, sản xuất lúa lai có năng suất cao hơn, nhưng do giá giống cao gấp 3 lần lúa thuần, đầu tư phân bón nhiều hơn và giá bán lại thấp thua lúa thuần có chất lượng khá hơn ít nhất 1.000 đồng/kg.
 
Để bà con nông dân trồng lúa có lãi ít nhất từ 30% trở lên theo khuyến cáo của Bộ NN&PTNT và nhiều kết quả nghiên cứu sản xuất theo mô hình “3 giảm, 3 tăng” (SRI) của Sở NN&PTNT Nghệ An trong 3 năm qua cho thấy người sản xuất lúa có thể thu được lãi nặng từ 30 - 50% trở lên không khó nếu biết giảm chi phí đầu tư không cần thiết để nâng cao hiệu quả sản xuất lúa đó là:
 
Giảm lượng phân đạm urê bón cho cây lúa: Trung bình hiện nay bà con nông dân trồng lúa đã bón tới 12 kg đạm urê/sào lúa (500m2); các kết quả nghiên cứu cho thấy cây lúa chỉ sử dụng được 48 - 52%, số còn lại hòa tan vào nước cây lúa không kịp sử dụng và sử dụng không hết đã bốc bay theo hơi nước vào không khí. Từ đây Bộ NN&PTNT và các nhà khoa học đề nghị bà con nông dân giảm bớt lượng phân đạm urê bón cho lúa từ 12 kg/sào xuống còn 9 - 10 kg đối với lúa vụ xuân và 7 - 8 kg đối với lúa hè thu - mùa.
 
Để phân đạm được sử dụng có hiệu quả thì trước khi gieo cấy, bón xong phân phải bừa lại một lần để vùi phân vào đất rồi mới cấy lúa lên. Các lần bón thúc sau đó, bón xong nên làm cỏ, sục bùn vùi phân lại sẽ làm tăng hiệu quả sử dụng phân của cây lúa. Nếu bà con nông dân thực hiện được như nói trên thì riêng phân đạm urê sẽ tiết kiệm được cho mỗi sào lúa từ 18.000 - 27.000 đồng đối với vụ lúa xuân và 36.000 - 45.000 đồng đối với vụ lúa hè thu - mùa.
 
Giảm lượng giống gieo cấy từ 1,5 - 2 kg/sào đối với lúa cấy xuống còn 1 - 1,2 kg thóc giống và từ 2,5 - 3 kg thóc giống đối với lúa gieo sạ, xuống còn 2 - 2,5 kg. Theo khuyến cáo của Bộ NN & PTNT, của Sở NN & PTNT Nghệ An chỉ nên gieo cấy lúa ở mật độ từ 32 - 35 khóm/m2 đối với ruộng đất tốt và 38 - 40 khóm/m2 đối với ruộng đất kém màu; như vậy, bình quân 1 sào lúa chỉ cần 0,7 - 0,8 kg thóc giống để gieo cấy là đủ. Nếu bà con nông dân chúng ta thực hiện được như trên thì sẽ tiết kiệm được về giống lúa cho mỗi sào cấy từ 0,5 - 1,0 kg thóc giống, tương đương với số tiền từ 15.000 - 30.000 đồng đối với các giống lúa thuần và 45.000 - 90.0000 đồng đối với các giống lúa lai.
 
Giảm lượng nước tưới bằng cách áp dụng phương pháp tưới nông - lộ - phơi thay cho việc tưới nước tự do, tưới nước ngập thường xuyên. Qua kết quả nghiên cứu và tính toán có cơ sở khoa học, thì phương pháp tưới nước nông - lộ - phơi tiết kiệm được 1.995m3 nước/ha so với tưới nước ngập thường xuyên. Cụ thể giảm lượng nước tưới vào ruộng giai đoạn lúa đẻ nhánh giảm được 450 m3/ha, khi lúa đứng cái làm đòng giảm 1.011 m3/ha, khi lúa trổ bông - phơi mao 224 m3/ha, khi lúa chắc xanh - chín giảm 311 m3/ha. Những lần giảm lượng nước tưới không phải để ruộng khô nẻ, mà chỉ nên để nước ở mức độ đủ ẩm, liền bùn là tốt nhất.
 
Giảm lượng thuốc phòng chống các loại sâu bệnh. Đây là loại chi phí khá tốn kém nhất của bà con nông dân ta hiện nay. Có thể nói không có giống lúa nào, không có vụ lúa nào mà không có sâu bệnh gây hại. Vấn đề cốt lõi là phải thường xuyên thăm đồng, kiểm tra cụ thể từng ruộng lúa để phát hiện sớm cây lúa đã bị loại sâu bệnh gì thì phải phòng trừ ngay theo phương pháp 4 đúng: phát hiện đúng loại sâu, bệnh đang gây hại, sử dụng đúng loại thuốc phòng trừ, phun thuốc phòng trừ đúng lúc, phun đúng kỹ thuật và phun đúng liều lượng thuốc pha với nước. Nếu làm đúng công tác phòng, chống sâu bệnh thì chỉ cần phát hiện sớm, phun thuốc chỉ cần 1 lần (theo phương pháp 4 đúng) sẽ tiêu diệt được các loại sâu bệnh và tiết kiệm được trung bình mỗi sào ruộng trong 1 vụ sản xuất từ 35.000 - 40.000 đồng là chắc chắn và lại hạn chế được ô nhiễm môi trường do thuốc phòng, chống sâu bệnh gây ra.
 
Nếu bà con nông dân chúng ta thực hiện tốt quy trình sản xuất thâm canh từ việc gieo cấy hạt giống có thất lượng tốt, có phẩm chất cấy gạo ngon, gieo cấy đảm bảo đúng thời vụ, chăm sóc phòng trừ sâu bệnh tốt thì không những đạt được 3 tăng: tăng năng suất, tăng hiệu quả sản xuất và tăng chất lượng sản phẩm. Đồng thời còn tiết kiệm được chi phí đầu tư không cần thiết vào sản xuất lúa như đã nói ở trên khoảng từ 90.000 - 110.000 đồng/sào (1.800.000 - 2.200.000 đồng/ha/vụ) và như vậy sẽ làm tăng giá trị thu nhập của người nông dân trồng lúa lên 38% lãi ròng đối với gieo cấy các giống lúa lai và xấp xỉ 50% đối với các hộ nông dân gieo cấy các giống lúa thuần chất lượng khá.
 
Doãn Trí Tuệ