(Baonghean) - Thoạt đầu,  ngày 1/6  được các nước lấy làm ngày biểu dương lực lượng đấu tranh chống các thế lực gây chiến tranh để bảo vệ hạnh phúc cho các bà mẹ và trẻ em trên toàn thế giới. Về sau, ngày này đã  trở thành ngày của trẻ em. Ở nước ta, ngày 1/6 được tổ chức hàng năm và trở thành ngày hội chăm sóc, bồi dưỡng thế hệ măng non cho Tổ quốc. 
 
Thế nhưng, chăm sóc và bồi dưỡng thế hệ măng non nước nhà theo cách như thế nào cho đúng, cho tốt để xứng đáng là những chủ nhân tương lai của đất nước lại là điều không dễ dàng chút nào. Vì cái cách chăm sóc, giáo dục lứa tuổi thiếu niên và nhi đồng ở ta đang có nhiều bất ổn. Cái bất ổn thấy rõ nhất là cung cách nuôi dạy trẻ em ở ta là vẫn theo kiểu truyền thống “cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy”. Vì cứ nghĩ rằng con trẻ chưa biết suy nghĩ thấu đáo, nên các bậc làm cha, làm mẹ tự cho mình cái quyền tự quyết định thay cho con cái trong đủ mọi việc. 
 
Từ chuyện ăn gì, mặc như thế nào, học hành ở đâu, ra làm sao?… Nghĩa là bao cấp toàn diện từ hành động cho đến lời nói, cách sống, lối suy nghĩ… mà không quan tâm con mình nghĩ gì, muốn gì. Kết quả là khiến cho trẻ em nước ta tuy ngoan ngoãn, học giỏi nhưng lại rất thụ động trong cuộc sống. 
 
images1172864_choi_x_ch_du_m_i___x__nam_t_n.jpgChơi “xích đu” tự chế. Ảnh: T.C
Bất ổn thứ hai là cách giáo dục, rèn luyện trẻ em của nhà trường và gia đình chúng ta. Chẳng biết tự khi nào, trẻ em ở ta không được nghỉ hè trọn vẹn 3 tháng. Cứ mỗi mùa hè về, các gia đình ở phố thị lại quay cuồng “đối phó” với mùa hè của con cái; làm sao để “chúng nó” có “hoạt động” thật bổ ích trong thời gian nghỉ hè, nào là kế hoạch học thêm học nếm, sinh hoạt ngoại khóa, câu lạc bộ… và không hề hiếm những gia đình, làm “biến mất” kỳ nghỉ hè của các em bằng những sinh hoạt ngoại khóa kiểu “got talent” như học đàn, học vẽ, học võ, học hùng biện làm lãnh đạo trẻ… 
 
Dường như các bậc làm cha, làm mẹ nào cũng đều nghĩ con mình thiên bẩm có tài nên cần phải được khơi dậy, phải được phát huy thành thần đồng. Bất chấp con cái mình có được như thế và có muốn như thế hay không. Dường như người lớn đang áp đặt những tham vọng của chính mình vào các em, muốn biến các em thành một thứ vũ khí, một tiêu chí để tranh đoạt, phân định hơn thua với đời. Bởi thế, có những ông bố, bà mẹ sôi lên ầm ầm vì thấy bạn học của con có điểm số cao hơn, tìm hiểu bằng được xem bạn ấy được đi học thêm ở đâu để cho con cũng đi học thêm với quyết tâm “thua trời một vạn không thèm thua bạn một ly”. 
 
Gia đình đã vậy, nhà trường cũng không kém phần đua tranh theo kiểu đó, nên mới có chuyện dạy trước, dạy thêm, dạy tủ để các em có điểm số cao làm rạng danh thầy, cô và nhà trường. Dẫn đến cả nước lạm phát học sinh giỏi. Tổng kết cuối năm, có không ít nơi, cả lớp có 45 em thì có tới 40 em là học sinh giỏi và xuất sắc toàn diện. Phụ huynh hoan hỉ, thầy cô hoan hỉ. Nhà trường được vinh danh. Nào ai biết, các em đã phải cực nhọc “học, học nữa, học mãi” học không ngừng nghỉ. Không có thời gian vui chơi, giải trí đúng với lứa tuổi. Các em phải sống như một cái máy. Không còn là chính mình. Về nhà thì phải răm rắp nghe theo, làm theo lời cha mẹ. Đến trường thì phải răm rắp nghe theo, làm theo lời thầy cô.
 
Dường như cái cách chăm sóc, giáo dục trẻ em ở ta đang không thật sự vì các em, mà đang phục vụ cho những toan tính của người lớn thì đúng hơn. Đó có lẽ là một trong những lý do cơ bản khiến cho người ta quyết định chọn chủ đề cho tháng hành động vì trẻ em năm nay là “Lắng nghe trẻ em nói”. Lắng nghe trẻ nói để biết trẻ muốn gì mà đưa ra những hành động phù hợp và bổ ích cho các em. Lắng nghe để mà đồng cảm, sẻ chia tránh áp đặt trong mọi việc. Có thế, trẻ mới tự tin sống, tự tin trưởng thành và tự tin làm chủ đất nước trong tương lai. Chăm sóc, giáo dục trẻ phải lấy sẻ chia thay cho áp đặt.
 
Duy Hương