(Baonghean) - Mô hình cánh đồng lớn khởi phát từ đồng bằng sông Cửu Long cách đây chừng 3 năm và lan tỏa ra các địa phương khác. Tuy nhiên, cho đến nay, cánh đồng lớn (CĐL) vẫn chưa thật sự là mô hình lý tưởng trong sản xuất nông nghiệp. Không ít nông dân vẫn nghi ngờ tính hiệu quả của mô hình này.
 
Sự nghi ngờ đó hoàn toàn có cơ sở từ thực tế. Bởi sau một thời gian thực hiện thí điểm sản xuất theo mô hình CĐL ở một số tỉnh phía Nam, phát lộ một thực tế rất bất hợp lý là người được lợi lớn nhất từ CĐL không phải là nông dân - chủ thể của đồng ruộng mà là các doanh nghiệp. Người ta đã thống kê được mấy cái lợi của doanh nghiệp từ CĐL như sau: Lợi thứ nhất, các công ty kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng lợi nhuận do bán được nhiều sản phẩm cho nông dân. Lợi thứ hai, bán lúa giống cho nông dân với giá cao. Lợi thứ ba, do được sản xuất từ giống xác nhận nên chất lượng lúa gạo rất cao, doanh nghiệp bán gạo cho khách hàng với giá cao hơn giá gạo hàng hóa cùng loại thông thường trên thị trường. Lợi thứ tư, doanh nghiệp mua trực tiếp từ nông dân với giá thấp lại không phải tốn chi phí trung gian. Nghĩa là họ mua tận gốc, bán tận ngọn nên thu lãi lớn. Lợi nhuận phát sinh từ việc giảm chi phí trung gian và tăng chất lượng lúa gạo công ty hưởng trọn, nông dân không được đồng nào cả.
 
Thế nên, việc triển khai xây dựng các CĐL chưa tạo được sự đồng thuận cao trong nông dân. Ngay từ đầu đã bộc lộ sự mất cân đối giữa đầu vào, đầu ra và thu nhập của từng nhóm người khi tham gia vào công cuộc này nên tính ổn định và bền vững không cao. Luôn luôn tiềm tàng khả năng vỡ cấu trúc CĐL để quay trở lại với phương thức sản xuất nhỏ lẻ, manh mún như trước đó. Cho nên, phần lớn nông dân vẫn nghi ngại chưa tham gia vào mô hình sản xuất mới này. Bên cạnh đó, trình độ, năng lực cũng như sự tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật để cho ra sản phẩm chất lượng cao trên CĐL của nông dân chưa cao, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng sản phẩm nói riêng và của mô hình CĐL nói chung.
 
Theo ông Tổng Thư ký, Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, qua hơn 3 năm triển khai mô hình CĐL ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long đến nay cho thấy, mô hình đã phát triển ra toàn quốc và không chỉ ở cây lúa mà còn được thực hiện ở nhiều loại cây trồng khác. Tuy nhiên, khó khăn và thách thức lớn nhất là các doanh nghiệp tiêu thụ xuất khẩu chưa tích cực tham gia ở đầu ra sản phẩm và còn ngại khó. Tỷ lệ tiêu thụ các mặt hàng nông sản như lúa gạo, cà phê, thủy sản, rau màu, cây ăn trái của nông dân còn rất thấp. Nông dân sản xuất nhỏ lẻ, chưa quen với cách liên kết sản xuất, cơ sở hạ tầng còn hạn chế, một số địa phương triển khai còn nhiều bất cập...
 
Do vậy, muốn xây dựng thành công CĐL thì người nông dân và những cơ quan, tổ chức có trách nhiệm trong công cuộc này cần phải tạo ra thế chủ động cho mình. Không phụ thuộc quá nhiều vào doanh nghiệp như thời gian qua. Không phó mặc cả đầu vào lẫn đầu ra cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp không xấu, nhưng đã là kinh doanh thì luôn lấy lợi nhuận làm đầu, càng cao càng tốt nên phần lợi của nông dân thấp xuống là điều đương nhiên. Nông dân và những người có nghĩa vụ, trách nhiệm đồng hành cùng họ trong việc xây dựng CĐL cần chủ động, tích cực đàm phán, lựa chọn nhà cung cấp đầu vào với giá cả hợp lý.
 
Cái gì có thể tự túc được như sản xuất lúa giống thì cố gắng tự lo. Việc tiêu thụ sản phẩm cũng nên chủ động tìm kiếm đầu ra như ký kết với các ban quản lý các chợ lớn trong và ngoài tỉnh, các siêu thị, nhà hàng, khách sạn lớn… Nghĩa là phải đa dạng hóa đầu ra cho nông sản. Không phó mặc cho doanh nghiệp mà tự mình cũng phải tham gia tích cực vào khâu tiêu thụ sản phẩm. Để giúp nông dân có đầu ra, giá cả ổn định với mức lãi chấp nhận được. Đương nhiên, để làm được điều đó thì sản phẩm làm ra phải đạt chuẩn cả về chất lượng và mẫu mã. Nếu không làm được những điều đó thì CĐL sẽ không bao giờ “lớn” được vì nó chỉ tăng thêm lợi nhuận cho doanh nghiệp chứ không phải cho nông dân. Mà như thế thì chẳng có gì khác biệt về thu nhập giữa người nông dân tham gia cánh đồng mẫu lớn với người không tham gia.
 
Tóm lại, để xây dựng thành công CĐL thì cần có một tư duy lớn.
 
Duy Hương