(Baonghean) - Ví, giặm xứ Nghệ ta đã trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại - một danh hiệu cao quý tầm cỡ toàn cầu. Nhưng để người hát dân ca và Dân ca ví, giặm tự sống được trong xã hội hiện đại sôi động với nhiều loại hình giải trí tiên tiến phù hợp với mọi lứa tuổi quả là điều không dễ dàng.
Muốn sống được, trước hết phải có đất để diễn và phải có người trả tiền để xem, nghe hát dân ca. Vậy, hiện nay, đất diễn của dân ca ở đâu và ai là người trả tiền cho người hát. Nhớ thuở còn HTX nông nghiệp, mỗi xã ở trên đất Nghệ-Tĩnh có một đội văn nghệ chuyên hát dân ca và diễn các vở kịch dân ca phục vụ các kỳ cuộc hội nghị, đại hội, hội diễn cấp huyện, cấp tỉnh và các dịp lễ, Tết. Người hát dân ca, chẳng ai xa ngái mà chính là những người yêu thích dân ca, có chất giọng tốt trong làng, trong xóm.
Ngày ra đồng cày cuốc, tối lên sân khấu. Người dân được xem miễn phí, ai hảo tâm thì đóng góp chút ít bồi dưỡng cho các “nghệ sỹ nông dân”. Còn thù lao của đội văn nghệ được HTX trả bằng công điểm. Tính ra thóc, mỗi vụ được mấy chục cân. Hồi đó, mấy chục cân thóc là một khoản cát-sê khá lớn. Vì thiếu đói, thóc có giá hơn vàng. Nhờ đó, tuy thiếu thốn, đói nghèo nhưng dân ca vẫn vang mãi trong các xóm làng thuở ấy. Người hát dân ca sống được, một phần nhờ công làm ruộng, một phần nhờ sự hỗ trợ từ HTX.
Ngày nay, hình thức “nuôi dưỡng” dân ca và người hát dân ca kiểu đó không còn nữa. Và nếu còn thì cũng khó lòng mà trụ được vì nhu cầu cuộc sống hôm nay đã khác xưa, cao hơn xưa rất nhiều. Nhưng từ cách làm xưa, có thể vận dụng được cho hôm nay. Đó là coi dân ca như là một phương tiện tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước dưới dạng các làn điệu dân ca, các vở kịch dân ca ngắn. Điều này, chúng ta đã làm được như các vở kịch dân ca cổ vũ trồng lúa lai hay chung sức đồng lòng xây nhà tình nghĩa ở một số địa phương trong thời gian qua. Đó là đất diễn cho dân ca. Và kinh phí dành cho công tác tuyên truyền mà địa phương nào cũng có, đương nhiên là có phần dành cho loại hình tuyên truyền đặc thù này. Như vậy, người hát dân ca đồng thời là tuyên truyền viên. Ngân sách địa phương nên dành một phần để chi trả cho họ.
Cách thứ hai, mà như nhiều người kỳ vọng là đưa Dân ca ví, giặm trở thành một loại hình du lịch văn hóa đặc sắc riêng có của vùng đất Nghệ -Tĩnh. Khách du lịch đến vùng đất xứ Nghệ, ngày đi tham quan, tối đến nghe hát ví, giặm. Dân ca vừa có đất diễn vừa có kinh phí để sinh tồn. Nhưng nói thẳng là hướng đi này chỉ thực hiện được ở một vài nơi là tụ điểm du lịch chứ không thể phổ cập rộng khắp được. Trong khi đó, dân ca đòi hỏi phải có cuộc sống rộng rãi trong dân.
Cho nên, để Dân ca ví, giặm tồn tại và phát triển, để người hát dân ca sống được với nghề thì phải có cách làm linh hoạt. Kinh phí để duy trì, bảo tồn và phát triển dân ca, không thể trông chờ vào một nguồn mà từ nhiều nguồn. Mỗi nguồn một ít góp lại sẽ thành nhiều. Nguồn thứ nhất là ngân sách các địa phương dưới dạng kinh phí tuyên truyền. Nguồn thứ hai là từ hoạt động du lịch. Nguồn thứ ba, bằng xã hội hóa từ sự đóng góp của các nhà hảo tâm, doanh nghiệp và người dân trong, ngoài tỉnh. Dân ta luôn nặng lòng với lời ăn, tiếng nói của quê cha, đất tổ. Dân ca là tiếng lòng của họ. Vì gánh nặng mưu sinh mà đôi khi phải đứt lòng, đứt ruột gác qua một bên. Nếu có cách, hướng đi phù hợp, hiệu quả và thật lòng lo cho dân ca thì lo gì mà dân không ủng hộ.
Vì thế, phải tạo nguồn kinh phí ổn định cộng với sự thật tâm, nhiệt thành của mọi người, nhất là các cơ quan chủ quản với ví, với giặm thì dân ca mới từng bước tự lực, tự cường được. Kinh phí, chính là cú hích cần thiết, cần có trước nhất cho dân ca phát triển.
Duy Hương