(Baonghean.vn) - Hồi bé đi học làm gì biết ý nghĩa của ngày 30/4. Chỉ nhớ một cách máy móc rằng đó là ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và để tưởng niệm sự kiện lịch sử đó, ngày này đã trở thành một ngày lễ trọng đại của dân tộc. Đối với trẻ con, cứ được nghỉ học là thích thôi chứ cũng không nghĩ ngợi sâu xa. Hay nói đúng hơn, đấy là đối với trẻ con sinh ra và lớn lên trong thời bình. 
 
image_9852167.jpgBác Hồ nói chuyện với Đại đoàn quân Tiên phong tại đền Giếng ngày 19/9/1954 (huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ). Ảnh: S.T
Sau này lớn lên, có dịp đi xa, thậm chí là rất rất xa, ở tận phía bên kia quả địa cầu, mới thấy thấm thía thế nào là chia ly, tiễn biệt, thế nào là hoài nhớ gia đình, quê hương. Để thấy rằng, một cách hết sức tự nhiên, người ta luôn gắn kết với cội nguồn, với những người thân yêu của mình bằng mối dây tình cảm đã thành bản năng, máu thịt. Tuy nhiên, mối ràng buộc, gắn bó đó không phải lúc nào cũng hiển hiện mà tồn tại âm ỉ như mạch suối nguồn, bền bỉ chảy trong trái tim và dòng máu của mỗi người Việt Nam “máu đỏ da vàng”. 
 
Trải qua những thăng trầm lịch sử, đi qua cuộc đời của nhiều thế hệ người Việt Nam, tình yêu nước và tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái có nhiều dịp trỗi dậy, khơi dậy nguồn sức mạnh vô hạn của dân tộc. Đó là  bọc trứng của mẹ Âu Cơ, là trăm người con xuống biển lên non cùng nhau góp sức xây dựng cơ ngơi đất nước. Đó là khi tại Hội nghị Diên Hồng, mấy trăm bô lão đại diện cho toàn dân, toàn quân đồng thanh khẳng định tinh thần quyết chiến bảo vệ chủ quyền non sông trước giặc Nguyên - đạo quân hung bạo mà vó ngựa giày xéo cả một vùng lãnh thổ trải qua mấy châu lục.
 
Đó là khi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cùng nhau bền bỉ đi qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống lại kẻ thù mạnh nhất hành tinh, giành lại tự do, độc lập cho Tổ quốc. Bác Hồ - biểu tượng của thời đại và của dân tộc - cũng chính là một chứng nhân vô cùng vĩ đại cho tinh thần yêu nước của người Việt Nam ta. Ra đi từ thuở thiếu thời cũng chỉ vì đau đáu nỗi niềm người dân mất nước, Người đã bôn ba khắp năm châu bốn biển để rồi trở về đem lý tưởng cách mạng, soi sáng cho dân tộc, đất nước bước ra khỏi cảnh tăm tối, lầm than. 
 
Thế nào là yêu nước? Đó là một câu hỏi hết sức trừu tượng và khó trả lời. Bởi để định nghĩa bằng ngôn từ thì chắc gì đã biểu đạt hết được, nhưng nếu trả lời bằng hành động thì thật dễ, bởi yêu nước là một “phương trình” có vô số nghiệm. Người chiến sỹ chiến đấu bảo vệ từng tấc đất, tấc biển quê hương; người trí thức học tập, nghiên cứu tìm ra những tiến bộ khoa học mới; người con viễn xứ chấp nhận cảnh tha phương để rồi có một ngày đem vinh quang trở về quê cha đất tổ;… tất cả đều là yêu nước. Hoặc đơn giản nhất, một em bé biết yêu cha mẹ, ông bà và những người xung quanh mình, cũng chính là yêu nước. Tình yêu thương đồng loại chính là thứ tình cảm nguyên thuỷ nhất, là mối dây chắc chắn nhất kết nối ta với đất nước. Bởi đất nước là gì nếu không phải là mái nhà chung của những người cùng mang danh xưng dân tộc? Như vậy, nói cách khác, đoàn kết chính là yêu nước. 
 
Bài học đoàn kết không hề mới, nhưng giá trị của nó chưa bao giờ cũ. Trong thời bình, chúng ta càng phải thường xuyên tự nhắc nhở, “ôn luyện” bài học quý báu này. Khi đất nước ở trong những tháng ngày tăm tối nhất, lý tưởng của toàn dân ta chỉ có một: đó là làm sao giành lại được đất nước vẹn toàn. Những tháng năm bom đạn đi xa, có lúc nào đó ta chợt lãng quên, chợt xao nhãng với cái gọi là lý tưởng chung, mải mê đeo đuổi những mục tiêu của riêng mình. Nhưng hãy nhớ rằng, dù con đường riêng đó có dẫn ta đến đâu chăng nữa, hãy đặt cội nguồn, đất nước và những người thân yêu ở đâu đó trên con đường của mình, mà tốt nhất là hãy chọn đó chính là điểm đến, là nơi ta dừng chân sau những tháng ngày rong ruổi. Để luôn biết ta là ai, nơi nào khai sinh ra ta và cũng là nơi ta thuộc về? Đừng sống như hòn đá cuội vô danh trên con đường vô định mà hãy sống như viên gạch xây nên bức tường lớn: yêu thương và đoàn kết chính là chìa khoá của sức mạnh dân tộc, mở ra cánh cửa tương lai.
 
Thục Anh