(Baonghean) - Xưa nay, mỗi lúc bàn về phụ nữ, ta thường nghe nói: công - dung - ngôn - hạnh. Đây chính là khuôn phép, là lễ giáo mà xã hội đặt ra, xã hội đòi hỏi người phụ nữ xưa phải có. Một người phụ nữ được coi là “chuẩn” khi hội tu cả “tứ đức” trên. Vậy ngày nay, tứ đức có còn không? Nếu còn, thì có gì khác với ngày xưa?
 
Nói về “tứ đức”, không ít ý kiến cho rằng, chị em ngày nay không còn coi trọng nữa. Nó đã lạc hậu, là phong kiến, xung đột với những giá trị hiện đại. Người ta cũng không tiếc lời chê bai rằng, phụ nữ giờ còn không biết nấu ăn, giặt đồ bằng máy, ru con bằng đĩa, cho con ăn bằng… “ô sin” và thết đãi khách bằng món… nhà hàng. Sắc đẹp thì phụ nữ coi như là một phương tiện. Nhu cầu tắm trắng, nâng mũi, xăm môi, của chị em đẩy thẩm mỹ viện trở thành một nghề thời thượng, cuốn chị em vào “công cuộc” làm đẹp không hồi kết.
 
Còn với “ngôn”, không thiếu những nhận xét cho rằng, phụ nữ giờ đây nói năng nào khác đàn ông là mấy. Còn với “hạnh” thì sao? Những "hot girl", những “sống thử”, những clip nữ sinh đánh nhau, những nữ quái, thậm chí cả tướng cướp hay siêu lừa… mỗi ngày mật độ càng dày thêm trên mặt báo. Nhưng liệu tất thảy những nhận xét trên có đúng? Đã phản ánh đa diện và khách quan hay chưa? Nếu là vậy thì hà cớ gì mà chúng ta không lo ngại để đưa ra câu hỏi: công, dung, ngôn, hạnh ngày nay còn hay mất? 
 
Thiết nghĩ, chúng ta có quyền, có bổn phận tôn trọng, hơn thế là nâng niu những giá trị tinh thần quý báu mà cha ông để lại. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta áp đặt tất thảy vào một cách khiên cưỡng. Xã hội đã thay đổi, phái đẹp tất nhiên cũng không là ngoại lệ. Bê nguyên một người phụ nữ thuộc hàng “tam tòng tứ đức” xưa để đặt vào ngày hôm nay thì hỏi sao mà không bị lạc lõng. Thật khó để tưởng tượng đến hình ảnh một người phụ nữ tóc dài, răng đen, đầu chít khăn mỏ quạ, miệng bỏm bẻm nhai trầu, nói năng nhỏ nhẹ, đi đứng khép nép, lại làm việc miệt mài bên một dàn… máy vi tính! Vậy làm thế nào để một phụ nữ vừa hiện đại mà vẫn không mất đi những giá trị cốt lõi đầy tốt đẹp của tứ đức? Đây quả là một câu hỏi không hề dễ với chị em, và chắc chắn cũng không chỉ là trách nhiệm dành riêng cho phái nữ! 
 
Có người ví rằng, phụ nữ hiện đại như là đi trên dây, mà một bên là gia đình và bên còn lại là sự nghiệp. Chả thế mà nhiều năm nay Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam còn phát động hẳn cả một phong trào có tên “phụ nữ giỏi việc nước đảm việc nhà”. Chữ “công” giờ không chỉ là nữ công gia chánh nữa. Vai trò của người phụ nữ hiện đại trong gia đình là “giữ lửa” cho cuộc sống. Không ít trong số họ là người lao động giỏi giang, có công việc ổn định, có sự nghiệp riêng… Chữ công ngày nay góp phần bứt người phụ nữ ra khỏi sự lệ thuộc.
 
Chữ “dung” cũng đã khác xưa nhiều, ai đó từng nói “không có người phụ nữ xấu, chỉ có người phụ nữ không biết làm đẹp”. Việc làm đẹp của phụ nữ như là một bổn phận với chính bản thân, với gia đình và cả xã hội. Thật buồn, thật vô nghĩa nếu xã hội thiếu đi những người phụ nữ đẹp. Công bằng mà nói phụ nữ ngày nay có điều kiện để làm đẹp hơn xưa rất nhiều, họ có quyền, thậm chí có trách nhiệm hưởng thụ điều đó. Nếu ở góc độ lành mạnh thì coi sắc đẹp như một phương tiện để giúp chị em tự tin thì có gì là không phải? Chúng ta đang thừa nhận và cũng nên không chỉ thừa nhận mà ủng hộ cho cái đẹp hiện đại. Cái đẹp cũng tùy vào cá nhân, vùng miền, hoàn cảnh, thời điểm. Nào đâu đẹp cứ nhất thiết phải là “mắt bồ câu, lông mày lá liễu”, “thắt đáy lưng ong”…
 
Phụ nữ có quyền lựa chọn cho mình một vẻ đẹp thùy mị dịu dàng, cũng có thể kiêu sa hay quý phái, hoặc như một vẻ đẹp khoẻ khoắn, năng động, thậm chí… “bốc lửa”. Miễn là nó phù hợp với tính cách, điều kiện, môi trường sống và công việc của từng người… đẹp.
 
Còn với chữ “ngôn”, liệu rằng câu: “Chim khôn kêu tiếng rảnh rang, người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe” vẫn còn phù hợp trong mọi hoàn cảnh? Phụ nữ ngày nay đảm đương nhiều công việc, họ có thể là nhà báo, có thể là luật sư, họ có thể là cảnh sát hình sự, có thể là chủ doanh nghiệp thậm chí có thể là chính khách. Bởi vậy những e lệ, những nhỏ nhẹ, những dịu dàng chúm chím biết đâu lại thành yếu thế. Nên chăng, ngoài cái dịu dàng ấy còn cần có thêm sự mạch lạc trong ngôn từ, sự quyết đoán trong diễn đạt, sự đầy đủ trong thông tin thậm chí dí dỏm hài hước trong ứng xử. Cái quan trọng nhất là xác định được đang nói với ai, nói về cái gì, nói cho mục đích nào để lựa chọn “ngôn” phù hợp mà vẫn giữ được sự tinh tế của phụ nữ.
 
Cuối cùng là chữ hạnh, ở đâu, thời đại nào thì người ta vẫn luôn luôn coi trọng phẩm hạnh của phụ nữ. Phẩm hạnh suy cho cùng cũng là thước đo văn hóa, bản lĩnh, quan niệm sống của con người nói chung và phụ nữ nói riêng. Không xã hội nào chấp nhận, cũng chả có người đàn ông nào mong muốn một người phụ nữ sống buông thả, không chăm lo gia đình, không yêu thương chồng con, không biết hy sinh, thiếu lòng chung thủy cả. Họ chờ đợi và mong muốn cuộc đời mình gặp được những người phụ nữ biết coi trọng bản thân, giàu lòng vị tha, nhân ái, biết sống cho mọi người… Tuy nhiên, như thế không có nghĩa là phụ nữ buộc phải nhốt mình vào những khuôn phép cổ. Phụ nữ ngày nay biết chịu áp lực và sẵn sàng đối mặt với thử thách. Phụ nữ hoàn toàn có thể giao lưa bạn bè, tham gia các hoạt động xã hội. Không ít chị em vẫn “tung tăng” trong các câu lạc bộ khiêu vũ, võ thuật… mà có lẽ không phải vì như thế sẽ làm họ đánh mất phẩm hạnh của mình. 
 
Tóm lại, “công, dung, ngôn, hạnh” là những giá trị chuẩn mực mà cha ông ta đã đúc kết và ưu ái dành riêng cho phụ nữ. Nó chưa bao giờ mất đi, nó mãi mãi còn được tôn trọng. Trong xã hội hiện đại, với phụ nữ hiện đại, “công, dung, ngôn, hạnh” đang còn đó, nó vẫn là thước đo giá trị bên cạnh mỗi chúng ta.
 
Nguyễn Khắc An