(Baonghean) - Trong thủ tục đám cưới của người Thái, người Khơ mú không thể thiếu những chiếc đệm và gối. Đó là của hồi môn, cũng là quà ra mắt của nàng dâu mới về nhà chồng. Vì vậy, tại nhiều bản vùng cao có một nghề tồn tại bao đời nay: nghề làm đệm và gối cưới...

Trong tiềm thức của nhiều người vùng cao, có hình bóng những ngàn lau. Hoa lau thường nở vào mùa thu, mùa đông, kéo dài suốt thời kỳ lúa chín. Mùa hoa lau trắng bạc khắp những quả núi thấp, thế giới riêng của lau trắng và cỏ. Hoa lau nhẹ, xốp được người vùng cao dùng để nhồi đệm, gối cưới. Mùa thu, tranh thủ ngày rỗi, đàn bà con gái lên đồi hái lau về phơi khô chuẩn bị làm gối, đệm. Vừa để có cái dùng vào mùa đông, vừa để dành khi cần cho con gái trong nhà khi về nhà chồng.
image_5177440.jpgĐem gối cho nàng dâu tại một đám cưới ở Lượng Minh (Tương Dương).
 
Con gái mới lớn lên tuổi 14, 15 đã bắt đầu biết hò hẹn, cuối năm đã biết lên đồi tìm hái hoa lau về nhồi gối, nhồi đệm cho chị, hoặc cô, dì trong dòng tộc sắp về nhà chồng. Đó cũng là bài tập đầu tiên để rồi một vài năm nữa thôi, chính họ sẽ tự nhồi những chiếc gối, chiếc đệm về làm quà biếu bố mẹ chồng, cho ông bà mối - người mà cặp vợ chồng mới sẽ coi như cha mẹ đẻ. Đó cũng là quà biếu ra mắt của nàng dâu lần đầu lên nhà những người trong dòng họ.
 
Trong đám cưới, khi về nhà chồng, nàng dâu mới sẽ được mang theo những món hồi môn. Ngoài chăn chiếu, trang sức, không thể thiếu một vài đôi gối, đôi đệm. Những thứ này được cha mẹ cô gái chuẩn bị rất kỹ, thậm chí trước khi cưới cả nhiều năm trời. Ai không làm được gối, đệm cho con gái đi làm dâu phải bỏ tiền mua. Vì vậy, từ nhiều năm nay những đồ “hồi môn” này đã thành một thứ hàng hóa được bán tại các chợ huyện vùng cao. Cũng có những phụ nữ trong bản chịu khó tranh thủ lúc nông nhàn làm gối, đệm để bán cho những nhà sắp có đám cưới. Làm gối, đệm cưới đem bán trong cộng đồng thành một thứ nghề phụ gọi là kiếm thêm tiền trang trải chi tiêu hàng ngày.
 
Bản Yên Thành và Trung Thành (xã Lục Dạ - Con Cuông), lâu nay người ta quen gọi là làng nghề dệt thổ cẩm Yên Thành. Từ hơn 10 năm nay, trong ngôi làng mà người Thái chiếm đa số này, ngoài làm ruộng nước còn làm nghề dệt vải, thêu váy, áo, thêu khăn được khôi phục lại. Thế nhưng, nghề làm gối và đệm cưới theo kiểu truyền thống của người Thái thì chỉ còn ít người làm. Nhiều bà mẹ làm ra những sản phẩm này cốt chỉ để dành cho con gái khi về nhà chồng khỏi phải bỏ tiền mua; cứ tranh thủ  làm để từ khi con gái đến tuổi cập kê, đến ngày về nhà chồng, có 8 đến 12 đôi đệm để về làm quà cho dòng họ nhà chồng là được. Một số ít người gọi là còn làm nghề cũng chỉ làm theo đơn đặt hàng của những gian hàng ngoài chợ huyện.
 
Ở làng nghề thổ cẩm Yên Thành, chúng tôi gặp chị Quang Thị Lan còn làm nghề khâu gối, đệm cưới truyền thống của người Thái. Chỉ học hết lớp 2 nên chị quanh quẩn với ruộng nương, vườn tược. Từ khi phong trào dệt thổ cẩm trong bản được khôi phục, chị thường bán đệm, gối cưới của người Thái theo đơn đặt hàng. Cứ khoảng 2 tháng một lần, chị lại nhập cho các ki ốt ngoài chợ huyện. Chị cho biết, sở dĩ cứ 2 tháng mới xong được một chuyến hàng là bởi làm đệm, gối cưới đòi hỏi sự kì công bởi để khâu xong một chiếc đệm phải mất cả tuần, thường là làm vào ban đêm. Mới nghỉ tay việc đồng áng, cơm nước giặt giũ lại ngồi vào khâu gối, đệm cho đến quá nửa đêm mới đi ngủ.
 
Sau khi khâu lại đến công đoạn nhồi hoa lau vào đệm. Công đoạn này tốn ít thời gian hơn, nhưng cũng đòi hỏi người làm phải khéo léo, đều tay khi nhồi hoa lau. Chiếc đệm và gối truyền thống của người Thái vùng cao có kết cấu như một chiếc túi nhiều ngăn. Nếu nhồi không đều, nằm sẽ chỗ mềm chỗ cứng, dễ gây đau lưng, lại kém thẩm mỹ. Làm gối có phần dễ hơn đệm. Kỳ thực, chiếc gối như chiếc đệm thu nhỏ. Có loại 6 ngăn, loại 9 ngăn. Sau khi khâu và nhồi hoa lau, chiếc gối được phong kín bằng những mảnh vải hình vuông với màu sắc khác nhau cũng là để trang trí cho chiếc gối thêm đẹp. Chị Lan cho biết, để làm được một chiếc gối cũng phải mất từ 1 đến 2 đêm mới xong một cặp,vì gối cũng như đệm khi đem về làm quà cho nhà chồng đều phải có cặp có đôi. Người ta không tặng một chiếc lẻ bao giờ.
 
Năm nay chị Lan đã 40 tuổi, con gái cũng đã đến tuổi lấy chồng. Đã vài ba lần nó đòi lấy chồng, nhưng chị ngăn hãy khoan để mẹ làm xong gối đệm đã. Đến giờ thì chị đã chuẩn bị xong gối, đệm cho con gái về nhà chồng. Chị bảo, mình mà chuẩn bị được gối đệm rồi coi như xong một phần trách nhiệm với con cái. Đây cũng sẽ là một niềm tự hào bởi chính tay mình lo cho con, không phải bỏ tiền ra mua ngoài chợ. Với lại, nếu bỏ tiền mua cũng phải tốn hàng triệu đồng chứ chẳng ít ỏi gì. 
 
Dẫu vẫn còn giữ tục cưới truyền thống, phần nhiều các bậc cha mẹ người Thái vẫn ưa thích đi mua gối đệm ngoài chợ cho con về nhà chồng, chí ít cũng chỉ là để gìn giữ phong tục cưới xin từ xưa truyền lại. Dân bản ngày nay cũng đã biết chuộng đệm Hàn Quốc, gối đầm. Căn buồng ngủ của người vùng cao ngày nay cũng hiện đại chẳng kém cạnh so với người miền xuôi. Gối đệm kiểu ngày xưa được tặng đem về cũng chỉ để cất vào buồng vào tủ làm “kỷ niệm”. 
 
Có lẽ một điều khiến nghề khâu gối, đệm cưới của những phụ nữ vùng cao vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay là bởi phong tục cưới truyền thống vẫn được dân bản gìn giữ. Những tặng vật đó, chỉ mang yếu tố tinh thần. Về giá trị sử dụng thì những sản phẩm thô sơ ấy chẳng thể cạnh tranh được với các sản phẩm công nghiệp vừa bền vừa đẹp ngày nay. Chính tục cưới đã lưu giữ lại một nghề truyền thống. Khi về các chợ huyện vùng cao chúng ta vẫn bắt gặp những gian hàng bán gối đệm, là những sản phẩm chỉ có thể làm bằng tay chưa hề có sự can thiệp của máy may công nghiệp. Điều đó cho thấy, không chỉ những làng nghề thổ cẩm lớn mà tại những bản vùng xa vẫn còn đó những người lặng lẽ giữ nghề làm gối đệm cưới!
 
Bài, ảnh: Hữu Vi