(Baonghean) - Vào các ngày 7, 8 và 9 của tháng 2 âm lịch hàng năm, đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc lại hội tụ về thị xã Thái Hòa tham gia lễ hội Làng Vạc. Năm nay, Làng Vạc bước vào mùa lễ hội lần thứ 15 với niềm tự hào về cội nguồn dân tộc, tôn vinh các giá trị vật thể, phi vật thể của người Việt cổ, từ đó phát huy trong xây dựng cuộc sống mới.
Từ sáng sớm ngày 8/3, nhân dân khắp mọi miền tụ hội đông đủ về khu vực Làng Vạc, tham gia Lễ rước Vạc đồng và Trống đồng từ sân tổ chức lễ hội về đền thờ Làng Vạc để làm lễ đại tế. Theo nghi lễ, Ban Tổ chức lễ hội tiến hành lễ tế dâng hương tại điện thờ, tưởng nhớ công ơn dựng nước của các Vua Hùng và công ơn giữ nước của các bậc tiền nhân, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Ngày mồng 8 là ngày chính lễ nhưng Lễ hội Làng Vạc đã chính thức diễn ra từ sáng ngày mồng 7 với hoạt động cắm trại, triển khai các hoạt động thi đấu, giao lưu văn nghệ, thể thao.
Sau khi rước Vạc đồng 9 quai, Trống đồng cổ về đền thờ, Ban Tổ chức lễ hội trang trọng cử lễ với các mâm ngũ quả, các lễ vật, “hương đăng, trà tửu, kim ngân vàng bạc” dâng lên người Việt cổ và các Vua Hùng. Sự thành kính của thế hệ hôm nay thể hiện sự kế thừa, phát triển của con cháu giống nòi Lạc Hồng và mong muốn các bậc Vua Hùng, tiền nhân phù hộ, độ trì cho quốc thái, dân an. 15 năm qua, ông Vũ Công Hợi, ở xã Nghĩa Hòa, thành viên của Ban Quản lý đền thờ người Việt cổ ở Làng Vạc tham gia đầy đủ các lễ tế Vua Hùng.
Mặc dù đã thành thục với các bài tế nhưng mỗi khi nghe trống giục, chuông ngân, ông Hợi cùng các bậc cao niên tham gia lễ yết cảm thấy bồi hồi, xúc động. Còn ông Đinh Trọng Tuất, năm nay 81 tuổi, là bậc cao niên thuộc nhiều bài văn tế và có cung cách cúng tế hay được mời làm Trưởng ban lễ yết. Ông Tuất tâm sự: “Được mời tham gia lễ yết, tôi cảm thấy rất vinh dự. Hoạt động này góp phần cùng nhân dân trên địa bàn thị xã và bà con khắp mọi miền hiểu thêm những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc để cùng nhau gìn giữ, phát huy, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc…”.
Chứng kiến buổi lễ tế trang nghiêm, anh Nguyễn Trung, một người con của Thị xã Thái Hòa từ lâu, lao động, sinh sống ở Hà Nội, nay trở về tham gia Lễ hội Làng Vạc chia sẻ: “Phần lễ được tổ chức công phu, với những nét văn hóa tế lễ đặc sắc, làm cho chúng tôi cảm thấy được sự tôn nghiêm và biết ơn các Vua Hùng đã dày công dựng nước. Điều đó, thúc giục chúng tôi sống, lao động, học tập tốt hơn, góp sức xây dựng quê hương, đất nước”.
Ngay sau lễ tế các Vua Hùng và người Việt cổ, Thị ủy, UBND Thị xã Thái Hòa trọng thể tổ chức lễ khai mạc với các màn trống hội, cồng chiêng đặc sắc của đồng bào các dân tộc. Trong ngày lễ trọng đại, âm vang của cồng chiêng rộn rã, vui tươi như một lời chào trân trọng của nhân dân Thị xã Thái Hòa đối với khách mời thập phương. Trống hội và cồng chiêng cũng chính là nền âm nhạc chính được duy trì xuyên suốt trong Lễ hội Làng Vạc.
Ông Đinh Văn Thị - Phó Chủ tịch UBND thị xã phấn khởi cho biết: “Cứ mỗi mùa lễ hội, nhân dân Làng Vạc nói riêng cả Thị xã Thái Hòa thực sự vui mừng vì được đón nhân dân khắp mọi miền về dự hội. Nơi đây như hội tụ hào khí non sông của cha ông bao đời. Mọi người về đây trong dịp lễ hội sẽ cảm nhận được rõ ràng điều đó. Đặc biệt, từ năm 2008 đến nay, sau khi đền thờ người Việt cổ và các Vua Hùng hoàn thành, nhân dân về đây đã có địa điểm để tưởng nhớ công ơn cha ông hàng nghìn đời trước.
Nếu như những năm đầu, số lượng du khách về còn ít thì những mùa lễ hội gần đây, lượng du khách tập trung về rất đông, điều đó động viên nhân dân Làng Vạc tiếp tục gìn giữ, kế thừa những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc”. Lịch sử của dân tộc trải qua nhiều thời đại và những cái đọng lại của các giá trị văn hóa chính là mạch nguồn nuôi dưỡng, phát huy trong tương lai.
Nếu như phần lễ mang đậm nét tâm linh để các thế hệ con cháu nhớ về cội nguồn, tri ân các bậc tiền bối trong dựng xây đất nước thì phần hội của Lễ hội Làng Vạc diễn ra sôi nổi, hào hứng với những cuộc giao lưu văn hóa, trò chơi dân gian đặc sắc. Kế thừa kinh nghiệm 14 mùa lễ hội trước, năm nay, Ban Tổ chức lễ hội tổ chức xen kẽ các hoạt động văn hóa như: Thi cồng chiêng, văn nghệ, người đẹp lễ hội, thi giọng hát hay, múa dân tộc thiểu số. Cùng đó là các trò chơi đu nhún, bịt mắt đập niêu, thi vật tự do, đẩy gậy, đi cà kheo, thi đấu bóng chuyền, kéo co, ném còn, cờ thẻ, chọi gà.
Những hoạt động này mang đậm những đặc trưng văn hóa dân tộc và vùng của đồng bào Tây Bắc xứ Nghệ. Được mời tham gia trò chơi đu, chị Nguyễn Thị Hiền đến từ huyện Quỳ Hợp có vẻ hào hứng, vừa ngần ngại, nhưng khi đã thắt dây an toàn, cùng với sự hỗ trợ của Ban Tổ chức, chị được bay lên không trung thích thú. Sau khi tham gia, chị Hiền chia sẻ: “Quả thực, mới đầu tôi cũng thấy hơi sợ nhưng khi ở trên đu, được bay trong không trung thật là lý thú…”.
Sân lễ hội đối diện với Đền thờ Làng Vạc luôn sôi nổi với tiếng hò reo cổ vũ khi rất nhiều chị em tham gia trò chơi đẩy gậy, kéo co, đánh bóng chuyền. Năm nay, ngày chính hội Làng Vạc vào mồng 8 tháng 2 âm lịch trùng với ngày Quốc tế phụ nữ mồng 8 tháng 3 nên càng thu hút đông đảo chị em khắp mọi miền tham gia các trò chơi truyền thống. “Tham gia các hoạt động này nhiều năm rồi nhưng cứ mỗi mùa lễ hội, chúng tôi lại thấy hồi hộp. Không khí của lễ hội đem đến cho chúng tôi những niềm tự hào về cội nguồn dân tộc và những niềm vui, niềm động viên to lớn…” - Chị Lê Thị Quỳnh Trang, phường Quang Tiến - Thị xã Thái Hòa chia sẻ.
Vừa tích cực đôn đốc các bộ phận tổ chức trò chơi cho nhân dân và du khách, ông Tô Thanh Sơn - Trưởng phòng Văn hóa, thể thao Thị xã Thái Hòa cho biết: “Qua tích lũy kinh nghiệm các mùa lễ hội trước, năm nay chúng tôi chuẩn bị chu đáo để cho mỗi du khách về với Làng Vạc, về với TX. Thái Hòa cảm thấy mãn nguyện. Đặc biệt là nhân dân TX. Thái Hòa luôn phấn khởi đón chào đồng bào khắp mọi miền với những tiết mục văn hóa, văn nghệ đặc sắc và trổ tài hết mình với các môn thể thao, trò chơi dân gian.
Từ những hoạt động của lễ hội nhân dân Thị xã Thái Hòa tích cực phát huy những giá trị văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, đồng thời nâng cấp, phát triển phù hợp với thực tế hiện nay…”. Vì thế, Lễ hội Làng Vạc đã đem lại những giá trị hiện thực được thừa kế từ hàng nghìn năm của dân tộc. Điều đó, làm lan tỏa những nét văn hóa trong cộng đồng hôm nay và mai sau.
Trải qua 15 lần tổ chức, Lễ hội Làng Vạc đã trở thành một nét văn hóa đặc sắc. Đây cũng là dịp để nhân dân Phủ Quỳ và du khách thập phương trở về với cội nguồn tâm linh, về với nòi giống Lạc Hồng, vui xuân trẩy hội và thỏa mãn nhu cầu thưởng thức những giá trị văn hóa mà cha ông ta để lại. Lễ hội cũng là dịp để đồng bào các dân tộc trên đất Phủ Quỳ hội tụ, thể hiện tinh thần đoàn kết cộng đồng, giáo dục ý thức bảo vệ giữ gìn di tích, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa lịch sử truyền thống, góp sức xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp, văn minh.
Nguyên Sơn - Sỹ Minh