(Baonghean) - Hôm nay ngồi nước chè với mấy ông bạn, một ông ra chiều lo lắng:
 
- Dạo này truyền thông các cậu bị "soi" ác thật, hết truyền hình đến báo điện tử, báo giấy "thi nhau" nộp phạt. Cậu phải cẩn thận kẻo "bút sa, gà chết"!
 
Mấy ông còn lại được thể hùa theo, nào là truyền thông nước ngoài thoáng như thế nào, tự do ngôn luận ở họ được tôn trọng ra làm sao. Chê bôi là thế nhưng mình biết thừa, ngày nào không được vào mấy trang báo mạng Việt Nam là các ông tướng ăn không ngon, ngủ không yên ngay. Tưởng thế nào!
Suy đi ngẫm lại, mình thấy người ta thường có hai cái dở: một là, không biết nhưng cứ nghĩ là biết. Nhiều người mở miệng ra là chê nước mình lạc hậu, rồi khen nước này nước kia, tung hô lên tận mây xanh. Có lần mình ngồi nghe một ông tán tụng nước Pháp kinh quá, bèn hỏi: “Chắc anh sống ở bên đấy lâu lắm nhỉ?".
 
Ông kia giật mình: "À không, tôi chưa đi Pháp bao giờ". Thế là cả người hỏi lẫn người trả lời đều... mất điện, người thì khó xử kẻ thì tẽn tò. Đấy là đang nói quan điểm rất chung của người mình về "tây-ta", còn riêng về truyền thông, mình nghĩ nhiều người nhận định còn phiến diện. Bởi vì truyền thông ở nước ngoài thoáng nhưng không dễ dãi. Thể hiện quan điểm của mình nhưng không được vu khống, bóp méo sự thật, và riêng ở điểm này thì hệ thống quản lý, kiểm soát của họ chặt chẽ vô cùng. Có nghĩa là, quyền lợi, tự do nhiều đi đôi với trách nhiệm nặng nề không kém. Từ đây mình xin nói luôn về cái dở thứ hai trong lối suy nghĩ thường thấy ở người mình: không tự giác cân đối giữa quyền và nghĩa vụ.
 
Có người nói truyền thông Việt Nam không "mở", mình cho là chưa đúng lắm. Theo mình thì truyền thông Việt Nam rất "mở", nhưng không đúng nơi, đúng lúc. Có nghĩa là có những cái không cần "mở" cũng "mở", thậm chí còn "mở" sai, "mở" vô tội vạ. Nói nào ngay, trên các phương tiện truyền thông không lúc nào thiếu những thông tin giật gân về người nổi tiếng này, ngôi sao nọ. Thôi thì từ chuyện bé như hôm nay cô A đeo cái đồng hồ gì, anh B uống cà phê ở đâu,... cho đến chuyện lớn như bà C làm mẹ đơn thân, ông D phá sản... đều được trưng lên, soi xét, mổ xẻ tỉ mỉ.
 
Tất nhiên thị hiếu độc giả thích những gì lạ và gây sốc, tất nhiên người nổi tiếng phải chấp nhận việc được (hay bị?) truyền thông và dư luận quan tâm quá đà, tất nhiên, tất nhiên và tất nhiên,... Bao nhiêu cái "tất nhiên" ấy là bấy nhiêu lý do biện minh cho sự soi mói thái quá, đến mức xâm phạm đời tư cá nhân người khác, thậm chí là vu khống, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm con người. Là do cơ chế quản lý của mình còn lỏng lẻo quá (thay vì khắt khe như một số người vẫn nhận định) hay do một bộ phận trong giới truyền thông xem nhẹ tự trọng nghề nghiệp, đi trái lại với tôn chỉ, mục đích ban đầu để chạy theo một cái gì khác?
 
Có lẽ cái mà truyền thông cần bây giờ không phải là một cơ chế "mở" hơn nữa, mà là tìm ra một vị trí thăng bằng giữa quyền lợi và nghĩa vụ, giữa tự do và giới hạn, giữa lý và tình. Nghĩa là, truyền thông có quyền được tìm hiểu, khai thác thông tin nhưng phải đảm bảo tính xác thực. Sự tự do ngôn luận phải dựa trên nền tảng tôn trọng và có ý thức xây dựng, đó mới là lúc sự thật, công lý thực sự có tình và có ích cho xã hội. Đừng lạm dụng, lợi dụng tiếng nói của truyền thông, để rồi phải đổi vai "giám sát" công lý và sự thật, như thế thì buồn lắm!
 
Hải Triều