(Baonghean) - Sáng nào mấy ông hàng xóm của mình cũng ngồi "bàn tròn" đàm phán, chủ đề là các tin nóng thời sự quốc tế báo vừa đưa. Mỗi ông cầm một tờ, cắm cúi đọc rồi chuyền tay nhau thành vòng tròn. Khi báo đi hết lượt cũng là lúc "vòng đàm phán" bắt đầu, ông nào ông nấy thi nhau phân tích, dự đoán. Có khi còn cãi nhau, đập bàn, đập ghế ầm ĩ, làm cả xóm chạy ra tưởng có chuyện gì, hihi!
 
Theo quan sát của mình thì hầu như ai cũng thích "uống nước chè, nói chuyện quốc tế". Nghe qua thì có vẻ chẳng ăn nhập gì với nhau: bên thuần Việt - bên "nhập ngoại". Chắc các ông chuyên gia chính trị nước ngoài có nằm mơ cũng không ngờ được những chuyện to đùng như Nhà nước IS hay khủng hoảng Ukraina lại có thể được bàn luận bên bàn... nước chè.
 
Thực ra mình nghĩ, cũng không phải là khập khiễng lắm, vì những chuyện dù ở ta hay ở tây, lớn hay bé, chung quy cũng là chuyện của con người cả thôi. Mà những chuyện giữa các nhà chính trị hàng đầu của thế giới, đừng nghĩ đấy là do ông này ghét ông kia, ông kia lại quý ông nọ. Thực ra bản chất mối quan hệ giữa các ông ấy là mối quan hệ giữa lợi ích của các quốc gia, tức là của nhân dân họ.
 
Thời sự quốc tế hoá ra cũng không phải là cái gì ghê gớm, to tát lắm. Chính tính đại trà, phổ thông của thông tin cho phép mang đến tính thời sự. Trong thời kỳ hội nhập, nhu cầu về thông tin quốc tế của con người là điều tất yếu. Tuy nhiên, thông tin rộng và sâu đến mức độ nào, còn tuỳ vào nhu cầu và tầm hiểu biết của từng đối tượng. Như vậy, truyền thông cần phải xác định đối tượng mà mình nhắm đến để truyền tải thông tin là ai, từ đó có sự sàng lọc, giản lược đi hay đào sâu thêm vấn đề để đáp ứng nhu cầu thông tin của người đọc một cách vừa đủ.
 
Làm thế nào để đánh giá, nhận định được nhu cầu thông tin của người đọc? Vấn đề của những người chuyên tìm hiểu, nghiên cứu về thời sự quốc tế (hay bất kỳ vấn đề gì khác) là đôi khi, chính sự hiểu biết quá đỗi chuyên sâu lại là hàng rào ngăn cách họ với quần chúng phổ thông. Đó là lý do vì sao cần có sự đa dạng, phân cấp trong thông tin - đồng nghĩa với việc đa dạng đội ngũ nhân lực. Trong đó, cộng tác viên là lực lượng có thể phát huy tốt ở khâu nắm bắt nhu cầu thông tin của người đọc. Đồng thời, cũng chính cách tiếp cận và hiểu vấn đề không chuyên sâu của họ cho phép truyền tải thông tin theo phương thức giản tiện hơn, dễ tiếp thu hơn đối với người đọc. Tất nhiên, cần có sự định hướng và điều chỉnh của những tầm nhìn rộng và sâu hơn, nhưng tóm lại vẫn phải gói gọn vấn đề trong tầm nhìn của bạn đọc đại trà.
 
"Uống nước chè, nói chuyện quốc tế" cũng giống như nhìn ra khoảng trời rộng từ một góc sân. Đó là hệ quả tất yếu của thời đại hội nhập, bởi dòng chảy của tri thức, thông tin hay của cải không thể nào đi thẳng mãi, mà phải chia ra thành các nhánh nhỏ. Vấn đề là phải làm sao để sự phân nhánh đó là vừa đủ, không quá nhỏ giọt cũng không quá ồ ạt. Làm sao để từ mỗi góc sân nhỏ của mình, nhìn thấy khoảng trời đủ lớn để khao khát vươn lên chứ đừng khiến người ta choáng ngợp.
 
Hải Triều