(Baonghean) - Không thể chậm trễ hơn khi mỗi phút trôi qua là mạng sống của hàng trăm cháu bé mong manh hơn, cận kề hơn với cái chết! Dịch sởi?
 
Tại buổi họp báo ngày 18/4/2014, về thông tin phòng, chống dịch sởi, ông Nguyễn Thanh Long – Thứ trưởng Bộ Y tế đã phát ngôn: “Công bố hay không công bố không có nghĩa là không có dịch, mà thực tế dịch đã và đang diễn ra và các hoạt động phòng, chống dịch đang được triển khai một cách quyết liệt, đúng các quy định”.
 
Thật buồn bởi ngay trong cái thời điểm dầu sôi lửa bỏng này, lại phải thấy những người có trách nhiệm vẫn đang còn tranh luận về câu chữ. Tất nhiên, dư luận hoàn toàn có lý (và cả có tình nữa) khi đặt câu hỏi vậy cái giá trị của “công bố” nó nằm ở đâu? Nó giá trị đến mức nào mà phải khư khư “chưa công bố”? Theo nghĩa thông thường của từ điển thì “công bố là thông báo cho mọi người biết”. Vậy tại sao có dịch lại “không thông báo cho mọi người biết”?  Hy vọng cho những âu lo về bệnh thành tích len lên tận Bộ khi ai đó sợ bị “mất điểm” trước WHO (Tổ chức Y tế thế giới), hay vì để nhất thiết hoàn thành cái chương trình mục tiêu xóa bệnh sởi vào năm nào đó, đều không phải là sự thật. Tuy nhiên, giả sử điều không mong muốn ấy là sự thực thì quả đáng buồn, đáng lo ngại. Không có gì quan trọng hơn sự sống của con người.
 
Mấy ngày nay, trên các trang mạng xã hội, những diễn đàn, những topic được “chuyền tay” nhau với một tốc độ lan truyền chóng mặt mà nội dung xoay quanh việc tình hình dịch sởi và cách phòng tránh! Không khó để nhận thấy “hàm lượng” hoang mang trong những diễn đàn này. Phải chăng, người dân đang tự cứu mình trước một thực trạng bản thân họ tự thấy không thể im lặng? Vẫn là một cách giải thích nghe quen quen kiểu như “chúng tôi đang làm hết sức mình”. Có thể không cần thiết phải nghi ngờ về điều ấy, nhưng làm hết sức mà lại không đúng cách thì sao? Cái “cách” ở đây không đơn giản là một phác đồ điều trị của các lương y, mà là sự vào cuộc của cả xã hội. Câu nói quá quen thuộc có lẽ  ai trong chúng ta cũng ít nhất đã một lần phát ngôn, đó là “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.
 
Hơn 100 trẻ mắc sởi đã chấp nhận rời bệnh viện trên tay bố mẹ khi tim đã ngừng đập! Mất mát này quá lớn, quá thương xót và có phần oan uống cho những đứa trẻ vô tội. Nhưng cái quan trọng gấp ngàn lần, là hàng triệu trẻ em đang trong tình trạng “bệnh nhân tiềm năng”, thậm chí “chết tiềm năng”! Họ cần cứu, cứu ngay, cứu bằng cách… phòng! Điều này hoàn toàn trùng khớp với Khoản 1, Điều 4 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, “Lấy phòng bệnh là chính, trong đó thông tin, giáo dục, truyền thông, giám sát bệnh truyền nhiễm là biện pháp chủ yếu. Kết hợp các biện pháp chuyên môn kỹ thuật y tế với các biện pháp xã hội, hành chính trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm”. Người dân mộc mạc họ đã và đang hiểu một cách giản đơn: “không công bố” dịch thì hoặc là không có dịch hoặc là giấu dịch! Có lẽ cũng cần lưu ý, điều 38 luật này, bởi nó quy định “mọi trường hợp có dịch đều phải được công bố”. Vậy mà có vị lãnh đạo ở thành phố nọ cho rằng, công bố hay không công bố không phải là quan trọng! 
 
Thôi thì, nếu vì một lý do quá nhạy cảm nào đó với cái chữ “công bố”,  xin hãy vui lòng thay nó bằng một từ khác có giá trị truyền thông tương tự, rồi dõng dạc loan báo cho bàn dân thiên hạ đại ý rằng: “Tại thời điểm này, trên lãnh thổ Việt Nam đang có dịch sởi bùng phát. Tình hình sởi diễn biến hết sức phức tạp, lây lan rất nhanh trên hầu hết các tỉnh thành, nhất là nhiễm chéo tại các bệnh viện lớn... Khuyến cáo cấp bách của Bộ Y tế là… hoặc hành động của chúng ta ngay lúc này là…”.
 
Còn không thì, với tinh thần minh bạch, đề nghị Bộ cứ “lật ngửa” cái “ba rem” điều kiện công bố ra cho dân khỏi thắc mắc. Thú thực, không ai muốn nói nhiều về điều này, nhưng chỉ hôm qua thôi, lại thêm những đứa trẻ tử vong ngay trong bệnh viện và cũng ngay sau khi Bộ trưởng đến thăm?!
 
Anh Đào