(Baonghean) - Việc đến tận ngày 22/4/2014 vẫn còn 59 hộ dân ở xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu chưa chịu bàn giao mặt bằng phục vụ Dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1A, bất chấp mọi nỗ lực của chính quyền sở tại không chỉ gây ra khó khăn là làm chậm tiến độ thực hiện dự án, mà còn để lại những âm hưởng buồn xen lẫn tiếc nuối cho tất cả những ai từng quen biết, từng gắn bó, hiểu rõ con người và vùng đất này.
Buồn là vì không ít người dân Quỳnh Văn hôm nay đã từng có một thời xả thân vì nghĩa lớn trong những năm 60-70 ở thế kỷ trước. Chỉ với mo cơm, quả cà và tấm lòng cộng sản cùng một tinh thần phơi phới đầy lãng mạn cách mạng với khát vọng cháy bỏng và quyết tâm cao cả “thay trời, đổi đất sắp đặt lại giang sơn”. Họ đã rất hăng hái tự nguyện bỏ lại những mảnh vườn, thửa ruộng màu mỡ dời nhà “lên rú” để góp phần tạo nên những cánh đồng thẳng cánh cò bay cho quê hương Quỳnh Lưu. Họ ra đi với hào khí đậm chất cương cường của người xứ Nghệ theo đúng kiểu “Người ra đi đầu không ngoảnh lại” chẳng gợn một chút băn khoăn, tiếc nuối.
Vì họ biết sự hy sinh đó là rất cần thiết để tạo ra một sự phát triển mới dài, rộng hơn và mạnh mẽ hơn cho quê nhà. Vậy mà hôm nay, cũng vẫn những con người đó, họ lại so đo, tính toán chi li rồi cự nự, đòi hỏi quyền lợi, tranh thua đủ điều với cán bộ chính quyền trong từng lời ăn, tiếng nói, trong từng tấc đất nhỏ nhoi. Dẫu trong sâu thẳm lòng mình, họ cũng biết được rằng sự đòi hỏi đó không hẳn đã là đúng đắn. Rồi đối chiếu lại với những hành vi đậm chất nghĩa hiệp của một thời, chắc hẳn họ cũng không khỏi ngượng ngùng, xấu hổ. Sở dĩ nói như vậy là vì, khi trò chuyện với những người của thời hào hùng xưa cũ đó, như ông Chi hội trưởng Hội CCB Hồ Văn Lục, khuôn mặt của ông vẫn ánh lên niềm tự hào bởi đã từng tự tay tháo dỡ từng thanh rui, viên ngói, cái cột, cái kèo… dời nhà lên đồi để mở mang thêm đồng ruộng mà không một chút đắn đo hay đòi hỏi được đền bù xứng đáng.
Còn nhắc chuyện hiện tại, ông lại đượm buồn và cả ngại ngùng. Một quá khứ đẹp rất đáng tự hào và rất đáng được tiếp nối, nhưng tiếc rằng… Với ông Lục, cùng với nỗi buồn còn có cả sự tiếc nuối. Một sự buồn tiếc nhân đôi bởi ông Lục là “bộ đội Cụ Hồ”. Đã từng có một thời ông luôn sẵn sàng hy sinh tính mạng mình để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Để cả dân tộc được sống trong hòa bình và no ấm. Chắc hẳn những ngày cầm súng lên đường chiến đấu, trong lòng ông và bao đồng đội chỉ có một mục đích là “giặc tan con lại sớm hôm cùng bầm” trên mảnh đất quê hương. Mà không hề gợn một chút suy nghĩ là cầm súng chiến đấu để được cái gì như là chức quyền, địa vị, tiền bạc. Đất nước hòa bình, ông trở về quê.
Cuộc sống dù không giàu có gì nhưng cũng là niềm mơ ước của không ít người. Sự hy sinh trong sáng, vô tư của việc dời nhà từ ruộng lên đồi hóa ra lại tạo cho ông có một chỗ ở cạnh Quốc lộ 1A với biết bao nhiêu thuận lợi “Nhất cận lộ, nhị cận giang”. Một vị trí mà hiện tại, không phải ai muốn là cũng có được, ngay cả trong mơ. Vậy mà, chỉ vì một chút lợi quyền không hẳn đã là của mình, ông nỡ làm xáo trộn cuộc sống. Làm mất đi sự yên ả, thanh bình trong làng xóm. Thứ mà ngày xưa ông sẵn sàng dùng tính mạng mình để đổi lấy. Buồn một nỗi, sự thay đổi gần như trái ngược hoàn toàn trong lòng của một số người dân Quỳnh Văn hôm nay không chỉ là do tác động của thời cuộc mà cụ thể là nền kinh tế thị trường với lối suy nghĩ: lợi nhuận trên hết mà còn tại bởi họ đã mất niềm tin vào những hành vi, việc làm thiếu minh bạch và công bằng của một số cán bộ chính quyền sở tại. Đã đành, việc gì cũng đều có căn nguyên sâu xa của nó. Cán bộ thừa hành nhiệm vụ làm sai hoàn toàn không đồng nghĩa là chính quyền không tốt. Phải tỉnh táo để phân biệt rõ điều đó để tránh những hành vi phản ứng thái quá.
Buồn hơn nữa là, trong số các hộ dân phản đối chuyện bàn giao mặt bằng, còn có không ít cán bộ, đảng viên, trong đó có cả xóm trưởng, xóm phó, chi hội trưởng hội cựu chiến binh, đại biểu Hội đồng nhân dân xã. Họ đã vì một chút quyền lợi không chính đáng, không hợp pháp mà nỡ lòng quên mất lời thề ngày “đứng dưới Đảng kỳ mắt rưng rưng lệ”. Đừng đổ lỗi cho một số người trong bộ máy công quyền hành xử không minh bạch để biện mình cho hành động đi ngược lại một chủ trương lớn, để che giấu mục đích chính là đòi tiền một cách vô lối theo kiểu “có một lại muốn có hai, có ba, có bốn lại nài có năm”. Không, không nên và không được làm thế. Người xứ Nghệ ta có câu nói rất hay “ai hư để một kẻ hư”. Cứ cho là có một số cán bộ làm sai trong công đoạn tính tiền đền bù. Nhưng ai sai, người đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Còn nếu ai cố tình bám vào cái sai, lợi dụng cái sai đó để bắt chẹt, để trục lợi cho chính mình thì người đó cũng chẳng đứng đắn, sạch sẽ, thơm tho gì hơn những người làm cái việc sai trái kia. Hơn nữa, hành xử không phải lối như vậy chính là đang đánh mất chính mình.
Cho nên, ai sai để một kẻ sai thôi. Đừng vì cái sai của người khác mà mình cũng sai theo để rồi đánh mất đi những gì cao quý, tốt đẹp vốn có của mình. Bởi một khi đã đánh mất mình rồi thì rất khó phục hồi lại được. Đừng vì bất cứ thứ gì mà đánh mất chính mình.
Duy Hương