"Chúng ta tin tưởng, Lễ hội Làng Sen sẽ là một Lễ hội Văn hoá Hồ Chí Minh, vừa dung dị thiêng liêng như những Lễ hội cổ truyền, vừa mang tính chất những ngày hội lớn của toàn dân tộc, trong đó có sự chiếu sáng của Tư tưởng Bác Hồ và công cuộc đổi mới của đất nước..."
(Trích Báo cáo tổng kết 30 năm Lễ hội Làng Sen)
1. Vào dịp sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1981, tỉnh Nghệ - Tĩnh long trọng tổ chức Liên hoan ca khúc chính trị hát về Bác Hồ. Thấy đây là một sinh hoạt văn hoá chính trị giàu ý nghĩa và có triển vọng, được nhiều tầng lớp nhân dân và cán bộ hưởng ứng, sang năm sau, Liên hoan ca khúc chính trị hát về Bác Hồ được nâng cấp thành Liên hoan Tiếng hát Làng Sen, tổ chức hàng năm trong tỉnh và 5 năm một lần toàn quốc.
Dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Bác (2001), Bộ Văn hoá - Thông tin phối hợp với tỉnh Nghệ An tổng kết 20 năm Tiếng hát Làng Sen và quyết định chuyển đổi Liên hoan Tiếng hát Làng Sen thành Lễ hội Làng Sen. Đây được xem là những cột mốc đáng nhớ trong quá trình hình thành, phát triển của một lễ hội. Như vậy, trong số những nội dung quan trọng tạo nên bản sắc, dấu ấn, linh hồn của Lễ hội Làng Sen mỗi năm, không thể thiếu vắng Liên hoan Tiếng hát Làng Sen.
Trải qua 30 năm hình thành, phát triển, để Lễ hội Làng Sen có được diện mạo như hôm nay, hẳn sẽ có nhiều nhân vật, nhiều hồi ức kỷ niệm, nhiều thành công và cả những bài học cần được giãi bày, đúc kết cho những Lễ hội tiếp theo vui hơn, hoành tráng hơn, nhiều ý nghĩa giáo dục và tiết kiệm hơn; đồng thời có sự kết hợp tốt hơn giữa hai yếu tố văn hoá lễ hội và tài nguyên du lịch...? Đây sẽ là những vấn đề đặt ra trong nhiều báo cáo đọc tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia về 30 năm Lễ hội Làng Sen.
2. Sau Liên hoan Tiếng hát Làng Sen vào 2 ngày 23, 24/5/2011 và Giao lưu Liên hoan Tiếng hát Làng Sen toàn quốc tối 25/5/2011 tại Quảng trường Hồ Chí Minh, trong buổi sáng ngày 26/5/2011 tại Thành phố Vinh, diễn ra Hội thảo khoa học "30 năm Lễ hội Làng Sen với việc bảo tồn và phát huy Di sản Văn hoá Hồ Chí Minh".
Báo cáo tham luận tại Hội thảo, PGS-TS. Bùi Đình Phong xem Lễ hội Làng Sen là một lễ hội văn hoá. Bởi vậy, qua lễ hội này cần giới thiệu những vẻ đẹp của văn hoá Hồng - Lam, một trong những vùng văn hoá lớn của đất nước.
Tuy vậy, đặc trưng rõ nhất và đậm nhất của Lễ hội phải là sự bày tỏ lòng thành kính, biết ơn sâu sắc của mọi tầng lớn nhân dân đối với lãnh tụ Hồ Chí Minh; qua đó giáo dục lòng yêu nước, lý tưởng và đạo đức cách mạng, bản lĩnh chính trị, nhân cách văn hoá của Người cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, nhất là với thanh thiếu niên, nhi đồng. PGS.Ninh Viết Giao đi sâu tìm hiểu những yếu tố tâm linh, tín ngưỡng trong Lễ hội Làng Sen. Ông thấy người xưa rất giỏi khi xây dựng những không gian lễ hội, trong đó, bên cạnh tấp nập những người sống luôn "mơ hồ, lơ lửng, chập chờn, ẩn hiện những linh hồn con người của thế giới bên kia để ban phúc lành".
Từ đó tác giả tham luận đề xuất nên xây dựng Đền thờ Bác Hồ ở Kim Liên, nên tập trung nghiên cứu, tổ chức phần lễ sao cho nghiêm túc, cẩn trọng như nghi thức những đền quốc tế ngày trước. Có tạo được không gian thiêng thì việc tôn vinh Bác mới ăn sâu trong lòng nhân dân. Có như thế, theo PGS. Ninh Viết Giao, người hành hương về Lễ hội mới ngày càng đông hơn.
Tới đây, tôi chợt nhớ một ý kiến của GS-TS. Ngô Đức Thịnh về một đặc trưng mang tính bản chất của Lễ hội cổ truyền: "Phải luôn nhớ rằng Lễ hội thuộc phạm trù cái thiêng, cái biểu tượng, vượt lên trên thế giới trần tục, thực tại. Nếu biến lễ hội thành cái trần tục thì lễ hội với đúng nghĩa của nó sẽ không còn nữa." Cùng bàn về yếu tố tâm linh, tính thiêng của Lễ hội Làng Sen, nhạc sỹ Hồ Hữu Thới nhìn nhận sâu hơn vấn đề "Lễ hội Làng Sen trong tâm thức người Việt". Ông Đặng Khắc Thắng thì góp "Một cách hiểu về tính thiêng trong Lễ hội Làng Sen". Nhà báo Trần Hồng Cơ đi vào "Nhận diện bản sắc văn hoá Làng Sen", điều mà trước đây cơ bản chúng ta chỉ mới tìm hiểu trong tâm thức chứ chưa phải trong hiện thực.
Một số đề nghị của ông đáng chú ý, để lễ hội Làng Sen quê Bác có được bản sắc văn hoá riêng. Đấy là bản sắc văn hoá của chính Làng Sen quê Bác; đấy là bản sắc văn hoá độc đáo của xứ Nghệ; và cuối cùng Lễ hội Làng Sen phải tập hợp được chương trình biểu diễn nghệ thuật của các địa phương trong cả nước.
Theo ông Trần Hồng Cơ, nếu đủ khả năng phát triển, nâng tầm Lễ hội Làng Sen thì tên gọi đầy đủ phải là Lễ hội Văn hoá Việt Nam - Hồ Chí Minh! Gần gũi với vấn đề vừa nêu, nhà nghiên cứu sử học Chu Trọng Huyến đề xuất việc "Kế thừa, tiếp thu có chọn lọc những giá trị văn hoá trong Lễ hội Làng Sen". Hội thảo cũng quan tâm tới một số khía cạnh quan trọng khác nữa, như "Một số ý kiến về quản lý và tổ chức Liên hoan Tiếng hát Làng Sen - Lễ hội Làng Sen" (Trần Minh Chính - Cục Văn hoá cơ sở); "Phát huy giá trị Di sản văn hoá Hồ Chí Minh trong Lễ hội Làng Sen tại Khu Di tích Kim Liên" (Nguyễn Bá Hoè - Khu Di tích Kim Liên); "Lễ hội Làng Sen trong đời sống tinh thần của người dân Nam Đàn" (Thái Văn Nông - Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn); "Góp phần ổn định và nâng cao lễ thức Lễ hội Làng Sen" (Đỗ Thị Nụ - Sở VHTT - DL Nghệ An); "Âm hưởng dân ca Việt Nam trong Lễ hội Làng Sen" (Nhạc sỹ Lê Hàm - Hội Văn nghệ Dân gian Nghệ An). Câu chuyện "Lễ hội Làng Sen với phát triển Du lịch Nghệ An" của Trần Đình Hà (Sở VH TT - DL Nghệ An) cũng không kém phần hấp dẫn...
Thời gian 30 năm của Lễ hội Làng Sen đã chứng tỏ một tầm nhìn, một hướng đi đúng (Tạ Quang Tâm), tuy vậy Lễ hội đang còn những vấn đề cần quan tâm (Đoàn Văn Nam). Báo cáo đề dẫn tại hội thảo của ông Cao Đăng Vĩnh- Giám đốc Sở VH - TT - DL tỉnh cũng đã nêu 9 vấn đề đề nghị các đại biểu, các nhà khoa học trao đổi và tiếp tục suy nghĩ. Đó là tên gọi, chủ đề, nội dung chính của Lễ hội? Thời gian, không gian, loại hình tổ chức Lễ hội? Vấn đề xã hội hoá Lễ hội, kịch bản Lễ hội... ?
Một hội thảo khoa học dù cố gắng mấy cũng không thể trả lời một cách rành rẽ tất cả những thắc mắc vừa nêu, và sẽ còn tiếp tục đặt ra nữa. Mặc dầu vậy, với những giá trị và hiệu quả lớn, Lễ hội Làng Sen còn được tiếp tục củng cố, hoàn thiện và phát triển để thực sự trở thành một hoạt động văn hoá có ý nghĩa sáng tạo, có ích và thiết thực góp phần làm cho giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh lan toả, thấm sâu, trường tồn cùng dân tộc. Với ý nghĩ đó, PGS-TS. Đỗ Văn Trụ (Hội Di sản Văn hoá VN) khẳng định, Liên hoan Tiếng hát Làng Sen có đủ cơ sở lý luận và thực tiễn để chúng ta đề nghị Đảng và Nhà nước công nhận đây là Quốc Lễ, trong thời gian sớm nhất!
Từ Liên hoan Tiếng hát Làng Sen tới Lễ hội Làng Sen, có thể nói đã có một bước chuyển đổi về chất của hai loại hình hoạt động văn hoá. Trong dịp kỷ niệm 115 năm ngày sinh Bác Hồ và Lễ hội Làng Sen toàn quốc, năm 2005, đồng chí Nguyễn Khoa Điềm (Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tư tưởng -Văn hoá Trung ương, Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin) đã nêu mấy suy nghĩ tâm đắc của mình. Ông đề nghị cần ghi nhận Lễ hội Làng Sen và Liên hoan Tiếng hát Làng Sen là những sáng tạo lớn của Nghệ An; đồng thời mong muốn Lễ hội Làng Sen phải ngày càng xứng đáng hơn nữa là Lễ hội tôn vinh Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân Văn hoá kiệt xuất - Hồ Chí Minh. |