Ở xã Nam Thành (Yên Thành) có nhiều dòng họ, nhưng dòng họ Phan Thế được cả xã tôn vinh là dòng họ có nhiều mặt tiêu biểu nhất.
Họ có 97 hộ nhưng làm ăn thành đạt xa quê 36 hộ, 125 người hưởng lương Nhà nước. Trong 2 cuộc kháng chiến, họ Phan Thế đã đóng góp cho Tổ quốc rất lớn. Họ có 1 cán bộ lão thành cách mạng (cụ Phan Thế Nghiện), 3 cán bộ tiền khởi nghĩa (cụ Phan Thế Hữu, cụ Phan Thế Thụ và cụ Phan Thế Dung). 6 người tham gia bộ đội chống Pháp (1 liệt sỹ), bộ đội chống Mỹ 28 người (2 liệt sỹ). Ngoài ra, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến 7 người. Người họ Phan Thế dòng dõi võ công (ông Tổ là Bái dương hầu Phan Vân, người có công ủng hộ nghĩa quân Lê Lợi thế kỷ 15).
Tính đến nay, họ Phan Thế đã có 57 người tốt nghiệp thạc sỹ, đại học và cao đẳng. Hai người vừa bảo vệ xong luận án tiến sỹ. Có những hộ như ông Phan Thế Y, vợ chồng đại học, sinh được 4 con, các cháu đều học trường chuyên Phan Bội Châu và hiện 3 con được cử đi học nước ngoài. Ông tộc trưởng Phan Thế Triết cũng 1/3 thời gian sống đi làm chuyên gia cho nước ngoài.
Ngay cả số hộ làm nông nghiệp, không theo con đường khoa cử học thuật cũng làm việc có hiệu quả, số hộ có thu nhập từ 40 triệu đồng trở lên 61 hộ. Riêng ông tộc trưởng, sau thời gian đi chuyên gia về nghỉ hưu, vẫn siêng năng chế biến nước mắm, nuôi gà công nghiệp, trồng hành, nghệ trong bao cát.
Hiện nay, nhà thờ đại tôn, 2 nhà thờ trung tôn họ Phan Thế đều khang trang nhất vùng, nhưng chủ yếu con cháu thành đạt xung phong đóng góp. Quỹ khuyến học lớn nhất xã (hàng chục triệu đồng). Ngày rằm tháng giêng tổ chức phát thưởng cho học sinh giỏi, năm Tân Mão vừa qua cả họ có tới 325 học sinh giỏi các cấp. Mới đây trong "sự cố sập mỏ đá lèn Cờ" một người trong dòng họ Phan Thế, làm ăn ở TP HCM đã gửi về khắc phục hậu quả hàng chục triệu đồng.