(Baonghean) - Đến Mỹ Sơn - Đô Lương, tìm về Truông Bồn - địa danh nơi 13 liệt sỹ TNXP đã anh dũng hy sinh; Máu của họ đã hòa vào đất, để Truông Bồn bất tử không chỉ với thời gian mà còn trong lòng mỗi người con đất Việt...
Vọng mãi khúc tráng ca
Tháng Sáu, nắng chang chang, mặc cho gió Lào bỏng rát, từng đoàn người vẫn hành hương về với Khu di tích lịch sử Truông Bồn. Mỗi người tìm về đây với một tâm trạng khác nhau, có người từng đóng quân tại Mỹ Sơn - nay trở lại để tìm đồng đội cũ, có người là sinh viên đại học về Truông Bồn để tìm hiểu mảnh đất, con người nơi đây đã sống, chiến đấu như thế nào suốt quãng thời gian khói lửa ấy... và còn có những người thân của chính các liệt sỹ đang yên nghỉ nơi đây, hàng ngày họ thường xuyên đến, chăm sóc, chuyện trò với các con cho vơi nỗi buồn thương.
Men theo những bậc tam cấp lên khu tưởng niệm 13 liệt sỹ Thanh niên xung phong Truông Bồn, từng dòng người như lắng lòng để nghe thuyết minh viên Nguyễn Thị Quỳnh Nga nhắc nhớ lại “khúc tráng ca Truông Bồn” ngày ấy...
Với vị trí địa lý quan trọng nối với địa bàn miền Tây Nghệ An, cùng với địa hình hiểm trở nên con đường qua Truông Bồn (Mỹ Sơn - Đô Lương) luôn giữ được vẻ kín đáo, an toàn, là nơi có địa thế chiến lược để trú chân, ẩn náu. Dự báo được âm mưu của đế quốc Mỹ, ngay từ đầu năm 1964, Trung ương Đảng và Chính phủ đã bí mật chỉ đạo xây dựng tuyến đường chiến lược 15A. Cung đường “độc đạo” này là nơi kết nối các huyết mạch giao thông trên tuyến đường chiến lược 15A chi viện sức người, sức của từ hậu phương lớn miền Bắc cho tiến tuyến lớn miền Nam. Ngay từ khi xây dựng, chúng ta đã xác định đây là cung đường chiến lược sống còn, điểm nút giao thông đặc biệt quan trọng để chi viện cho chiến trường miền Nam khi Quốc lộ 1A, Quốc lộ 7, đường xe lửa, đường sông, đường biển bị địch phong toả.
Phát hiện được vị trí chiến lược của Truông Bồn, từ năm 1964 - 1968, đế quốc Mỹ đã trút xuống Truông Bồn gần 20 ngàn quả bom các loại và hàng chục ngàn quả tên lửa, tàn phá 211 làng dọc tuyến đường, sát hại hàng trăm người dân xã Mỹ Sơn, Nhân Sơn; phá hủy hàng trăm xe ô tô và hàng trăm khẩu pháo của bộ đội ta; hàng nghìn cán bộ, chiến sỹ bộ đội, TNXP, công nhân ngành Giao thông, dân quân tự vệ bị thương; 1.240 cán bộ, chiến sỹ đã dũng cảm chiến đấu và hy sinh. Trong đó, điều mãi khắc khoải, nhói đau những người ở lại là trận bom dữ dội sáng 31/10/1968 đã cướp đi sinh mạng của 13 chiến sỹ TNXP Đại đội 317 khi các chị, các anh đang làm nhiệm vụ nối liền mạch máu giao thông chuẩn bị cho đoàn xe quân sự vượt qua Truông Bồn vào Nam trước khi trời sáng....
Kể đến đây, giọng thuyết minh viên như nghẹn lại, một không gian như đặc quánh mùi thuốc súng của cái ngày định mệnh ấy như vẫn còn ngay đây, ngay nơi các anh, các chị đã yên nghỉ ngàn thu... Bởi sau ngày tìm kiếm chỉ duy nhất chị Trần Thị Thông còn sống sót. 11 cô gái và 2 chàng trai đã vĩnh viễn nằm lại với lòng đất Truông Bồn. Cũng từ đây, tuổi xuân của các chị, các anh đã tắt lặng, bao ước mơ, hoài bão của các chị, các anh cũng đã không được thực hiện.
Có sự mất mát nào lớn hơn, có nỗi đau nào đau hơn khi những người cha, những người mẹ mất con mà hình hài không còn nguyên vẹn! Nỗi đau ấy người cha của anh hùng liệt sỹ Hoàng Kim Giao đã gửi qua mấy vần thơ: “Nước mắt chảy ngược vào - càng cào xé tâm can/Giá khóc được thành lời/Chắc cha đã đỡ đau như thế...: Đau, vì thương con ra đi - khi còn quá trẻ/Càng đau hơn - khi biết con ra đi không được vẹn toàn/Như hình hài cha mẹ đã cho con”...
Truông Bồn mãi xanh
Truông Bồn hôm nay đã trở thành khu di tích lịch sử có quy mô hoành tráng trên diện tích 217.327m2 với 21 hạng mục chính. Đây là dự án được UBND tỉnh, Bộ Giao thông Vận tải, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và nhiều cơ quan, đơn vị, tập thể, cá nhân trong và ngoài nước đã đầu tư, quyên góp, ủng hộ xây dựng, tôn tạo. Sau 3 năm triển khai (tháng 10/2012) đến nay dự án đã hoàn thành và bàn giao 8 hạng mục. Theo tiến độ dự án thì cuối 2015 sẽ hoàn chỉnh 21 hạng mục. Hàng ngày, khu di tích lịch sử đặc biệt này đã đón và phục vụ khoảng 1.000 lượt khách đến dâng hương, dâng hoa. Nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã chọn Truông Bồn để tổ chức lễ kết nạp đoàn viên mới cho học sinh. Nhiều bạn trẻ cũng đã đến Truông Bồn dâng hương, dâng hoa trước khi làm lễ cưới. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, Khu di tích lịch sử Truông Bồn thường xuyên đón, phục vụ các hoạt động về nguồn, thăm lại chiến trường xưa...
Trong dòng người về với Truông Bồn những ngày tháng 5 lịch sử, chúng tôi được gặp, được nghe những tâm sự, trăn trở đối với Khu di tích lịch sử Truông Bồn. Đó là CCB Nguyễn Văn Rẫm (quận Lê Chân - TP. Hải Phòng) - từng đóng quân tại Mỹ Sơn - Đô Lương, ông rất xúc động bởi đây là lần đầu tiên sau mấy chục năm ông mới có dịp trở lại Mỹ Sơn - mảnh đất một thời khói lửa đã gắn bó với ông biết bao kỷ niệm.
Con đường 15A nay đã được mở rộng, hai bên đường nhà cửa san sát, hàng quán mọc lên nhiều hơn, một nhịp sống phố thị đang dần hiện hữu nơi đây như khỏa lấp những đau thương mất mát do chiến tranh ác liệt gây ra. Và điều làm ông ấm lòng nhất đó là Truông Bồn nay đã trở thành Khu di tích lịch sử đặc biệt, được đầu tư quy hoạch thành một không gian linh thiêng, hoành tráng, vừa có ý nghĩa giáo dục lịch sử sâu sắc, vừa trở thành điểm du lịch về nguồn mà bất cứ ai về Nghệ An đều phải đến để tưởng nhớ, ngưỡng vọng.
Lịch sử mãi ghi tên các anh, các chị, để hôm nay về với Truông Bồn, nhiều bạn trẻ đã không giấu nổi niềm tự hào với mong muốn sẽ sống thật ý nghĩa như thế hệ các anh, các chị đã từng sống. Đó là tâm sự của em Nguyễn Thị Thu Phương (học sinh Trường THCS Nam Thanh, Nam Đàn). Bởi hôm nay các em có một cuộc sống đủ đầy, được cắp sách tới trường, được nghe những âm thanh nhẹ nhàng, bình yên của mỗi buổi sớm mai, được hát vang bài ca về Tổ quốc yêu thương... mà không hề biết tới tiếng gầm gào của bom, đạn, của máy bay Mỹ, không hề biết đến tiếng gào khóc cố tìm kiếm người thân trong đống đổ nát sau một đợt càn quét... Và em mong muốn rằng Khu di tích lịch sử Truông Bồn không chỉ là địa chỉ đỏ của thế hệ trẻ, mà nơi đây sẽ là nơi các em tìm về để báo công, để tổ chức những hoạt động của Đoàn Thanh niên như làm lễ kết nạp đoàn viên, trao phần thưởng cho học sinh giỏi, học sinh nghèo, là nơi tổ chức các hoạt động ngoại khóa về môn Lịch sử...
Đến thời điểm này, tuy các hạng mục của dự án chưa hoàn chỉnh, thế nhưng hàng ngày Khu di tích lịch sử Truông Bồn đã đón tiếp hàng ngàn lượt khách. Chị Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Tổ trưởng tổ thuyết minh cho biết: Dù làm việc vất vả nhưng bọn em không hề thấy mệt, mà thấy rất vui, rất tự hào vì mình đã góp phần làm “sống lại không khí của Truông Bồn huyền thoại” giúp cho các đoàn đại biểu, nhân dân hiểu được ý nghĩa bất tử của Truông Bồn.
Ông Chu Vĩnh Hiệp, Giám đốc Khu di tích lịch sử Truông Bồn cho biết: Sau khi dự án hoàn chỉnh, Truông Bồn sẽ là nơi phục vụ thăm viếng và giải trí. Đến với Truông Bồn, du khách sẽ được xem những thước phim tư liệu sống động nhất về Truông Bồn qua các hình ảnh, sa bàn điện tử... thăm quan khu tượng đài biểu tượng cho sự hy sinh oanh liệt của 1.240 liệt sỹ trên cung đường huyền thoại, thắp hương tưởng niệm 13 liệt sỹ tại Nhà tưởng niệm... Cùng với hoạt động tri ân, Khu di tích sẽ tổ chức các hoạt động ngoại khóa như trao phần thưởng cho học sinh giỏi, làm lễ kết nạp Đoàn, tổ chức cho các cặp vợ chồng trẻ dâng hương tưởng niệm trước ngày cưới...
Chia tay Truông Bồn trong nắng vàng rực rỡ, một màu xanh tươi mát tràn đầy sức sống ở Khu di tích lịch sử Truông Bồn đang dần hiện hữu bởi những hàng cây cổ thụ do các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tỉnh Nghệ An và các ngành… trồng lưu niệm. Những hàng cây, những tấm lòng tri ân đó góp phần làm nên một Truông Bồn mãi xanh ...
Thanh Thủy