(Baonghean) - Có những cuộc hội ngộ bất ngờ nhưng vô cùng xúc động, chan chứa ân tình. Cuộc hội ngộ và gặp gỡ giữa các phi công lừng danh của quân đội nhân dân Việt Nam và người dân xứ Dừa (xã Tường Sơn- Anh Sơn) là một cuộc như thế...

Cuối tháng Năm, một ngày đỉnh điểm của đợt nắng gắt. Có cảm giác rằng, cái nắng được những cơn gió hất lên làm cháy cả da người. Vậy mà khi hay tin Đoàn cựu chiến binh Anh hùng lực lượng vũ trang về thăm lại sân bay Dừa, nơi chiến trường ác liệt một thời họ từng gắn bó, người dân Tường Sơn không giấu được niềm háo hức, băng qua một quãng đường xa để ra sân bay cũ đón chào.
 
Với người dân xứ Dừa, đây là cơ hội được tận mắt nhìn thấy những phi công ưu tú của Quân đội nhân dân Việt Nam từng làm nên những huyền thoại, khiến những phi công sừng sỏ của Hoa Kỳ phải khiếp sợ như Phạm Tuân, Vũ Đình Rạng, Phạm Phú Thái và Hoàng Biểu. Và đây cũng là cơ hội để bà con hiểu rõ hơn về truyền thống quê hương, về những ngày dầm mình trong cảnh bom rơi, đạn nổ, những năm tháng khốc liệt trong cuộc đối đầu với Không lực Hoa Kỳ. 
 
images1174410_dsc_2a.jpgTrung tướng Phạm Tuân cùng đồng đội kể lại những kỷ niệm chiến đấu tại sân bay Dừa.
 
Chuyến xe chở Trung tướng Phạm Tuân - Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động, Anh hùng Liên Xô và các đồng đội đều là các tướng lĩnh, sỹ quan cấp cao của Quân đội ta về lại chiến trường xưa bữa ấy dường như đi nhanh hơn trong niềm háo hức, bồi hồi. Từ Thị trấn Anh Sơn ngược theo Quốc lộ 7A, đến địa bàn xã Tường Sơn, chiếc xe dẫn đường rẽ phải rồi thẳng tiến theo hướng sân bay Dừa. Một thoáng ngạc nhiên đến với tất cả những người lính năm nào: “Ngày trước, ngược Quốc lộ 7A rồi rẽ trái sẽ đến sân bay, sao bây giờ rẽ phải?”.
 
Thắc mắc này liền được giải đáp, rằng sau chiến tranh, đoạn quốc lộ đi qua sân bay được nắn chỉnh từ phía phải sang phía trái, như thế đường sẽ thẳng hơn và việc đi lại cũng được thuận tiện hơn. Nhưng có điều, đã 43 năm trôi qua, những chiến sỹ phi công năm xưa đã trải qua biết bao trận đánh, đi qua bao vùng đất, cất cánh và hạ cánh ở không biết bao nhiêu sân bay nhưng vẫn nhớ rất rõ những chi tiết nhỏ về sân bay Dừa. Chắc hẳn, mảnh đất này đã in dấu bao kỷ niệm? Dọc đường, cờ Tổ quốc tung bay trong gió, bà con đứng hai bên vẫy chào, những ánh mắt và nụ cười chứa chan niềm thân ái. 
 
Băng qua một eo núi, đoàn xe dừng trước một ngọn núi đá vôi cao vút. Ở đó, rất đông các cựu chiến binh và bà con xứ Dừa đang đứng chờ để được gặp vị anh hùng từng tiêu diệt “Pháo đài bay B-52”, một phi hành gia - Trung tướng Phạm Tuân. Những cái nắm tay thật chặt, những nụ cười thật tươi cùng những lời thăm hỏi nồng nàn tình cảm. Như thể mảnh đất này bao năm qua vẫn chờ những người lính ấy về lại. Người đầu tiên bước qua hàng rào cây để vào khu đất bà con nông dân đang canh tác là Trung tướng Phạm Tuân, tiếp đến là Trung tướng Phạm Phú Thái. Họ dừng ánh mắt rất lâu ở một vạt đất trồng sắn và quay sang nói với bà con như nói với chính mình: “Ngày xưa, ở đây chúng tôi dựng một chiếc lán để nghỉ ngơi sau những giờ phút chiến đấu ác liệt với kẻ thù. Có lúc, gió thổi mát rượi, ngủ lúc nào không hay...”.
 
Rồi tướng Thái chỉ tay lên một vách đá, nơi vẫn còn lỗ chỗ những vết nứt bong ra: “Có lần, không nhớ rõ là ngày nào, tôi vừa hạ cánh và đưa máy bay chiến đấu vào hang để cất giấu, địch bám theo và bắn một quả tên lửa không đối đất, cách mép hang hơn 10m”. Mọi người cùng tiến đến cửa hang, nơi từng được bịt kín, nay trổ một khoảng nhỏ đủ để một người bước qua. Trước cửa hang đá lạnh lẽo im lìm, dường như đã “ngủ” bao năm qua, ngày hôm nay bỗng như sống lại với bao kỷ niệm, bao chiến tích.
 
Trên những gương mặt dạn dày trận mạc của những con người bao phen đi qua cái lằn ranh mong manh của sự sống và cái chết, với những đôi mắt từng rực lửa nhìn về phía quân thù, hôm nay chợt rưng rưng. Những đôi tay tràn đầy sức mạnh ngày xưa, chợt lần tìm trên từng phiến đá, như muốn chạm vào cả một quá khứ gần gũi, yêu thương. Nơi này, 43 năm về trước, những chiến đấu cơ MIG-21 thân yêu của họ thường xuất kích để bất ngờ chặn đánh địch và hạ cánh an toàn khi đã hoàn thành nhiệm vụ trên bầu trời. 
 
Trung tướng Phạm Tuân và các đồng đội vào thăm hang Lèn Thung, nơi từng nghỉ ngơi và cất giấu máy bay chiến đấu.
Bước qua cửa hang là một không gian khác hẳn, ánh sáng ít lọt vào và không khí mát rượi. Hang có chiều dài khoảng 80m, thành hang và nền hang được gia cố bằng bê tông phẳng lỳ, có thể cất giấu 4 - 5 chiếc máy bay chiến đấu. Trung tướng Phạm Tuân và các đồng đội đi một vòng quanh. Họ đang tìm về các vị trí mình từng cất giấu “người bạn chiến đấu” xưa kia. Những ký ức cứ thế ùa về...: “Kính thưa bà con xã Tường Sơn, anh em chúng tôi vô cùng xúc động, vì tình cảm quân dân luôn thắm thiết và không bao giờ phai. Đã 43 năm trôi qua, chúng tôi luôn ghi nhớ ơn nghĩa của bà con đã cưu mang, giúp đỡ trong những năm tháng khó khăn, ác liệt. Mảnh đất này từng gắn bó với anh em chúng tôi thời trai trẻ, lúc mới chỉ mười tám, đôi mươi, là nơi khởi nguồn của những chiến công huyền thoại. Hôm nay về đây, anh em chúng tôi không có thời gian đến từng gia đình để thăm hỏi, cảm ơn...”.
 
Bằng tất cả tình cảm trào dâng, Trung tướng Phạm Tuân đã nói với bà con Tường Sơn ngay khi ông bước ra khỏi cửa hang đá. Trước khi rời sân bay, nét mặt Trung tướng Phạm Phú Thái đầy vẻ quyến luyến, ông tự lái xe chạy theo dọc đường băng năm xưa, nơi từng cất cánh và hạ trong những trận đối đầu với không lực Hoa Kỳ. Đường băng năm xưa giờ đã thành đường dân sinh, thành nơi canh tác ngô lúa, cảnh vật đã thay đổi nhiều, vị anh hùng phi công đang dõi theo những đổi thay để lần tìm về ký ức...
 
Không hẹn mà gặp, tại hội trường xã, bà con nhân dân đã tập trung đông đúc để được nghe Trung tướng Phạm Tuân và các anh hùng phi công kể về những kỷ niệm năm xưa. Khi đoàn phi công bước vào, mọi người đồng loạt đứng lên vỗ tay chào, có những chị bước lại ôm chầm lấy những người anh hùng phi công, nước mắt nhạt nhòa. Ngày xưa, khi các chị còn bé, bước đi còn lẫm chẫm, các chú bộ đội không quân đến chơi thường bế bồng, cưng nựng. Giờ các chú bộ đội đã trên dưới 70, các chị cũng đã xấp xỉ 50, đầu đã 2 thứ tóc nhưng bao kỷ niệm và ân nghĩa năm xưa chẳng bao giờ phai mờ...
 
Mở đầu buổi giao lưu, thay mặt những người lính phi công từng tham gia chiến đấu và công tác ở sân bay Dừa, Trung tướng Phạm Tuân cảm ơn những tình cảm nồng ấm và chân thành của người dân xã Tường Sơn. Chính những tình cảm ấy đã trở thành động lực trong những chuyến cất cánh chiến đấu năm xưa và chuyến trở về thăm lại chiến trường xưa hôm nay. Sau hơn 40 năm, mảnh đất Tường Sơn đã làm nên những đổi thay ngoạn mục với những con đường rải nhựa phẳng lì, nhà cửa khang trang, xóm làng trù phù, đồng bãi mênh mông, những cánh rừng xanh tươi hùng vỹ, quê hương đã thực sự đổi mới. Điều đó, có được là nhờ người dân Tường Sơn đã biết phát huy nội lực, phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng của cha anh, phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ nhau trong suốt những năm qua.
 
Trung tướng Phạm Tuân còn nói rằng: Bà con xứ Dừa yên tâm và tự hào vì so với nhiều vùng đất khác, Tường Sơn đã có những bước tiến xa trên con đường xây dựng quê hương. Nhiều đồng đội của ông đã vô cùng tiếc nuối vì không thu xếp để về thăm lại chiến trường xưa, và chắc hẳn họ sẽ rất đỗi vui mừng khi biết được tin mảnh đất này đã thực sự hồi sinh, tình cảm con người xứ Dừa vẫn nồng ấm, tình nghĩa quân dân vẫn thắm đượm như thuở nào. 
 
Tiếp lời Trung tướng Phạm Tuân, Trung tướng Phạm Phú Thái chia sẻ rằng, cách đây tròn 1 tuần, đang điều trị ở bệnh viện, nhận được điện của Trung tướng Phạm Tuân “rủ” về sân bay Dừa thăm lại chiến trường xưa, không một giây suy nghĩ, ông lập tức nhận lời, mặc cho vợ con, bạn bè ra sức can ngăn. Bởi với ông, chiến trường Dừa có một sức cuốn hút vô cùng lớn, nó gắn bó với một thời thanh niên, trai trẻ. Là người từng giữ cương vị Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không - Không quân, Tướng Thái đã giúp bà con Tường Sơn hình dung được quá trình hình thành, vị trí, vai trò của sân bay Dừa trong những năm đánh Mỹ.
 
Cùng với một số sân bay dã chiến khác ở các tỉnh miền Trung như Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, sân bay Dừa hoạt động trong khoảng thời gian 1964-1972. Vai trò chính là nơi xuất kích bất ngờ của các loại máy may chiến đấu để đánh chặn máy bay địch đánh phá miền Bắc và rải bom ở tuyến đường Trường Sơn hòng ngăn cản sự chi viện cho chiến trường miền Nam. Để sân bay Dừa hoạt động, người dân Tường Sơn lúc bấy giờ đã nhường đất, nhường nhà, đóng góp công sức để làm đường băng cho máy bay chiến đấu của ta cất và hạ cánh. Không quân Mỹ đánh phá ác liệt, bà con xứ Dừa ra sức đùm bọc, chia sẻ những khó khăn, vất vả và hiểm nguy với những người lính Không quân. Chính tại đây, Đội dân quân tự vệ bảo vệ sân bay đã ra đời để chia lửa với bộ đội. Và không ít gia đình, xóm làng rơi vào cảnh tang thương bởi bom đan kẻ thù dội xuống...
 
Đại tá Vũ Đình Rạng, người có mặt từ những ngày đầu xây dựng sân bay Dừa (1964) và gắn bó nhiều nhất với mảnh đất này cũng có những lời chia sẻ chân thành và xúc động. Ông được biết đến là phi công đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam bắn và loại khỏi vòng chiến đấu “Pháo đài bay B-52” của Mỹ. Và điều đáng nói đây là chiến công ấy gắn bó với mảnh đất Tường Sơn, bởi chiếc MIG-21 của ông hôm ấy xuất kích tại sân bay Dừa. Vào đêm 20/11/1971, nhận được lệnh cất cánh đánh chặn tốp B-52, được sự dẫn đường của Sở chỉ huy mặt đất, Vũ Đình Rạng tiếp cận được tốp máy bay địch và bắn 2 quả tên lửa vào 2 chiếc B-52 ở cự ly gần nhất. Và 1 trong 2 “pháo đài bay” B52 đã bị loại khỏi vòng chiến đấu.
 
Còn bao câu chuyện muốn được chia sẻ, bao dòng tâm tình muốn được gửi trao, bao kỷ niệm còn vương vấn nhưng đáng tiếc thời gian quá ngắn ngủi, những người lính phi công đành hẹn dịp sau. Một lần nữa, niềm xúc động và quyến luyến lại trở về trong phút chia tay. Dù sao, chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ nhận thấy tấm lòng son sắt, thủy chung trong tình nghĩa quân dân, nền tảng của sức mạnh làm nên mọi chiến thắng. 
 
Công Kiên