(Baonghean) - Trong hai cuộc kháng chiến cứu quốc, đình chợ Xâm không chỉ là địa điểm sinh hoạt, hội họp của Chi bộ độc lập làng Kim Khê Trung mà còn là nơi tiễn đưa con em Nghi Hoa (Nghi Lộc) lên đường nhập ngũ; nơi diễn ra các kỳ lễ hội của người dân trong vùng. Hiện nay, người dân Nghi Hoa đang nỗ lực bảo tồn, khôi phục đình Chợ Xâm, các trò chơi dân gian gắn liền với lễ hội truyền thống... đáp ứng nhu cầu đời sống tâm linh và văn hóa tinh thần của người dân.
Ký ức đình xưa
Theo trí nhớ của ông Đặng Văn Điền (75 tuổi) ở xóm Hoa Trung, đình Chợ Xâm ngày đó to lắm, nằm trên một gò đất cao bằng phẳng ở phía Đông của làng. Đình có hai nhà thượng điện và hạ điện. Thượng điện gồm một gian hai hồi, cấu trúc kiểu tứ trụ, có 4 cột gỗ lim cao 2,78m, đường kính 0,70m, mái đình lợp ngói âm dương, trên đỉnh đắp nổi hình lưỡng long triều nguyệt, trước cổng có tắc môn. Xung quanh đình được xây một dãy tường; trên đó đắp các con vật như ngựa, voi và những người lính cầm gươm đứng gác. Hai bên cổng có hai cột nanh cao 3,5m, trên đắp nổi hình đoá sen. Giữa sân đình có một cây đa cổ thụ, càng tôn cao vẻ uy nghi cổ kính của đình.
Bên cạnh đình về phía Nam có giếng Chùa - đây là giếng được xây từ thời Pháp, nước trong, mát và ngọt vô cùng. Ngày hè nóng bức, người dân đi làm ruộng về, ghé qua đình ngồi hóng mát dưới gốc cây đa, không quên múc gàu nước giếng uống giải nhiệt. Giếng Chùa cung cấp nước cho cả vùng Kim Khê Trung ngày đó (gồm 3 xã Nghi Hoa, Nghi Thuận và Nghi Long). Cùng với đình, giếng Chùa, còn có một nhà phật ở phía Tây - nơi thờ Khổng Tử và Mạnh Tử, một thiên đài thờ thần Nông dựng giữa trời. Không chỉ là chốn tâm linh của người dân trong vùng tìm về ngày Rằm, mồng Một hàng tháng, ngày ăn chay trường tịch mà ở đình hàng năm còn tổ chức rất nhiều các lễ hội truyền thống của làng như Lễ Thượng nguyên vào ngày 7 tháng Giêng, Lễ Trung nguyên ngày Rằm tháng Bảy, Hạ nguyên vào Rằm tháng Chạp, cùng với đó là nhiều trò chơi truyền thống như đánh cờ, vật, chơi cù, diễn tuồng, hát bội... thu hút đông đảo người dân trong vùng, trong tổng tham gia.
Điều mà người dân vùng Kim Khê Trung ngày đó tự hào nhất bởi đình Chợ Xâm đã được những người yêu cách mạng chọn làm trung tâm liên lạc, hội họp, in ấn, cất giấu tài liệu của Đảng trong cao trào cách mạng 1930 - 1931. Là nơi thành lập Chi bộ tổng Kim Nguyên, nơi 300 nông dân tập trung kéo đi phối hợp với các tổng Đặng Xá, Vân Trình, Thượng Xá lên huyện lỵ đòi giảm sưu thuế, chia ruộng công điền cho dân cày nghèo, nơi có cây đa cổ thụ mà giặc Pháp đã xử bắn 19 chiến sỹ cách mạng… Cũng chính nơi đây, đêm đêm dưới ánh đèn dầu lạc với những dụng cụ in ấn thô sơ, hàng trăm tờ truyền đơn về tin đấu tranh, chỉ thị nghị quyết của Đảng được phát hành. Khi tài liệu chưa kịp chuyển đi thì được cất giấu trong bệ thờ và đồ tế khí. Đình Chợ Xâm đã gắn liền với nhiều sự kiện trong lịch sử đấu tranh anh dũng của nhân dân Nghi Hoa, nhất là thời kỳ Xô viết Nghệ Tĩnh 1930 - 1931. Với ý nghĩa đó, đình Chợ Xâm được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia năm 1998.
Nỗ lực bảo tồn
Chiều hè tháng 6, theo chân anh Đặng Văn Tâm - cán bộ văn hóa xã thăm lại ngôi đình xưa. Đình giờ đây nằm giữa trung tâm làng Hoa Đông, cạnh nhà văn hóa làng nên ngày ngày có nhiều người qua lại. Điều đáng mừng là năm 1994, thể theo nguyện vọng của nhân dân, xã đã phục dựng lại nhà thượng điện - nơi thờ cúng, tín ngưỡng của người dân mỗi dịp lễ, Tết hay ngày Rằm, mồng Một. Cách một đoạn không xa, giếng Chùa vẫn nguyên vẹn, nước vẫn trong, mát và hàng ngày người dân trong làng Hoa Trung vẫn ra đây gánh nước về dùng. Nhất là những ngày đại hạn như thế này, giếng Chùa là nguồn cung cấp nước chính cho hàng trăm hộ dân quanh vùng. Đáng mừng hơn nữa là xung quanh đình, những hàng cây xanh với đủ chủng loại được người dân xã nhà chăm sóc, bảo vệ. Anh Tâm cho biết: Để trả lại màu xanh cho đình, hàng năm, cứ vào ngày Tết trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” các đoàn thể và nhân dân trong xã lại cùng nhau về đây trồng thêm cây xanh, vừa tạo bóng mát vừa làm đẹp thêm cảnh quan cho đình.
Sau khi được công nhận Di tích Lịch sử cấp Quốc gia, đình đã được Nhà nước trùng tu, tôn tạo lại một số hạng mục phần nào đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của nhân dân. Cụ Nguyễn Quốc Văn (người trông coi di tích) cho biết: Ngày Rằm, mồng Một hàng tháng nhân dân đến thắp hương đông lắm. Ngày 27/7 hàng năm các cháu thanh, thiếu niên lại đến để tìm hiểu lịch sử của đình. Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh cũng đã tổ chức trưng bày, triển lãm giới thiệu những hình ảnh liên quan đến cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh để nhân dân hiểu thêm giá trị của di tích.
Điều mà người dân Nghi Hoa trăn trở đó là nhà thánh nơi thờ Khổng Tử, Mạnh Tử chưa được phục dựng. Đình chỉ còn lại thượng điện; chưa khôi phục được những nét sinh hoạt văn hóa tâm linh xưa của vùng như lễ hội, trò chơi truyền thống, hát bội… Bà Trần Thị Tý (56 tuổi, xóm Hoa Đông) cho rằng: Người dân thiết tha lắm, vì cả Nghi Hoa chỉ có duy nhất một cụm di tích đình Chợ Xâm này. Đi khắp nơi, địa phương nào người ta cũng khôi phục, cũng trùng tu, tôn tạo lại di tích để nhắc nhớ cội nguồn, để cho lớp trẻ hiểu được truyền thống của làng, của xã. Bà con mong muốn chính quyền xã phải vào cuộc quyết liệt hơn, trăn trở hơn. Làm thế nào để phục dựng lại hạ điện, nhà chùa, cây đa… để nơi đây trở thành địa điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân. Là nơi diễn ra các hoạt động ngoại khóa về lịch sử cho các cháu thiếu niên, nhi đồng.
Tâm nguyện của bà Tý cũng là tâm nguyện của nhiều người dân Nghi Hoa. Tuy nhiên, cách làm như thế nào cho hợp lý để phát huy giá trị di tích đình Chợ Xâm đã được chính quyền xã Nghi Hoa trăn trở với những định hướng dài hơi. Đó là thời gian tới, tăng cường tuyên truyền để người dân, đoàn thể hưởng ứng hơn nữa phong trào trồng cây xanh tại di tích, nhất là phải trồng lại cây đa - chứng tích lịch sử quan trọng trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh của vùng Kim Khê Trung. Chọn một ngày - có thể là ngày 19 chiến sỹ cách mạng bị giặc Pháp xử bắn làm ngày chính lễ của cụm di tích đình Chợ Xâm để tổ chức tưởng niệm, tri ân… Từng bước khôi phục các hạng mục của đình như nhà thánh, nhà hạ điện, sân chính… Giao cho cán bộ văn hóa xã, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội CCB và các đoàn thể khác khôi phục lại các trò chơi dân gian, lễ hội truyền thống… để nơi đây trở thành điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân Nghi Hoa nói riêng, người dân Kim Khê Trung nói chung.
Thanh Thủy