(Baonghean) - Tại Hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư đầu Xuân Giáp Ngọ vừa rồi, có ý kiến so sánh Nghệ An với Bình Dương, là hai tỉnh vốn dĩ đều nghèo như nhau, nhưng Bình Dương đã thu hút đầu tư mạnh mẽ để trở thành tỉnh giàu, còn Nghệ An cũng trải thảm đỏ thu hút đầu tư nhưng mãi vẫn là tỉnh nghèo. Từ đó có người đặt câu hỏi: Bao giờ Nghệ An theo kịp Bình Dương?
 
So sánh như vậy hơi khập khiễng. Về tiềm năng phát triển kinh tế thì điểm xuất phát của Bình Dương và Nghệ An cơ bản giống nhau. Nhưng vị trí Bình Dương nằm sát TP. Hồ Chí Minh là cực tăng trưởng lớn nhất của cả nước, và gần Bình Dương đều có những tỉnh giàu. Còn Nghệ An được gọi là trung tâm của vùng Bắc Trung bộ, nhưng cả miền Trung đều là những tỉnh nghèo. Rồi Nghệ An là tỉnh lớn nhưng các huyện đều nghèo. Có người nói Nghệ An là “trung tâm vùng nghèo”, nên thu hút đầu tư sẽ khó khăn hơn, quá trình phấn đấu để trở thành tỉnh giàu cũng gian nan vất vả hơn Bình Dương là điều dễ hiểu. Nói điều này không phải để cán bộ, nhân dân Nghệ An nhụt chí mà phải thấy trách nhiệm lớn lao của mình là nỗ lực phấn đấu trở thành một tỉnh giàu thúc đẩy một vùng nghèo phát triển.
 
Nghệ An có lợi thế là quê hương cách mạng, vùng đất hiếu học nên con người Nghệ An thông minh tài giỏi và có dũng khí. Nhưng sống ở “trung tâm vùng nghèo”, kinh tế chưa phát triển nên con người Nghệ An thiếu năng động trong kinh tế thị trường, đây là trở ngại lớn của Nghệ An  trên con đường  phát triển. Thế nên, Nghệ An cần phát huy tinh thần tự lực tự cường, khai thác mọi tiềm năng, nhất là tiềm năng con người, để trở thành một tỉnh giàu mạnh trong khu vực. Chìa khóa “vàng” để giải quyết vấn đề này chính là Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về phát triển Nghệ An đến năm 2020. 
 
Như thế vấn đề đặt ra là: Không nên băn khoăn với câu hỏi bao giờ Nghệ An theo kịp Bình Dương, mà phải đặt ra câu hỏi: Bằng cách nào để Nghệ An vượt lên chính mình?
 
Trần Hồng Cơ