(Baonghean.vn) - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa có một “hành động” khiến dư luận cả nước và những ai quan tâm tới nền giáo dục nước nhà đều phải choáng váng. Vì chỉ mới hơn một tháng trước, Bộ đã ra lệnh tạm dừng tuyển sinh 207 ngành đào tạo bậc ĐH, CĐ không bảo đảm các điều kiện theo quy định, nay Bộ lại cho phép 62 trong số 207 ngành đã bị tạm dừng tiếp tục được tuyển sinh trong năm nay.
Quyết định quá chóng vánh và “tiền hậu bất nhất” đã khiến không ít người tự hỏi: đằng sau quyết định vội vã này là chuyện gì và ai đang nắm quyền điều khiển, chi phối “cuộc chơi” thắt rồi mở này?
Để làm rõ nghi vấn này, chúng ta đặt ra mấy khả năng dẫn đến hành động “trở cờ” của Bộ GD&ĐT. Khả năng thứ nhất giải tỏa những khiếu nại về đặc thù hoạt động của một số trường nghệ thuật khi bị ngừng tuyển sinh. Về vấn đề này, phía cơ quan chủ quản là Bộ GD&ĐT thì cho rằng việc nới lỏng và cho phép 62 ngành được tuyển sinh trở lại là do “Những ngành được phép tuyển sinh lại do những điều kiện đặc thù, một số ngành do trường báo cáo trước đó chưa chính xác, một số ngành do đã bổ sung được đội ngũ giảng viên theo quy định…”.
Như lời của ông Vụ trưởng Vụ ĐH Bộ GD&ĐT, khẳng định một số ngành thuộc khối văn hóa - nghệ thuật và ngôn ngữ, Bộ áp dụng giải pháp linh hoạt các điều kiện đặc thù để đảm bảo đủ số giảng viên cơ hữu theo yêu cầu trong giai đoạn quá độ 2014 - 2017. Nghĩa là đối với các trường nghệ thuật, Bộ cho phép tính giảng viên cơ hữu với giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ đúng ngành đã nghỉ hưu, có hợp đồng dài hạn, làm việc toàn phần với cơ sở đào tạo.
Chấp nhận các chuyên gia nước ngoài sang Việt Nam có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ giảng dạy dài hạn ngành ngôn ngữ. Thế nhưng, trong danh sách các trường được phép tuyển sinh trở lại có rất ít trường thuộc diện “đặc thù” theo như quy định của bộ. Vậy chắc chắn xảy ra hai trường hợp. Hoặc là ai đó đang mượn hai chữ “đặc thù” để ngụy biện cho hành vi khó hiểu này. Hoặc là chủ trương ưu tiên, châm chước cho các trường đặc thù đã bị lợi dụng theo kiểu “mượn gió bẻ măng”, dẫn đến đối tượng được ưu tiên thì ít mà thành phần ăn theo thì quá nhiều.
Khả năng thứ hai là Bộ GD&ĐT phải hành động như vậy là vì quyết định đưa ra trước đó là thiếu chính xác và vội vã. Và có thể nói là quan liêu, không phù hợp thực tế nên đành phải chấp nhận làm vậy để “chữa ngượng”. Nhiều khả năng là những số liệu mà Bộ GD&ĐT có trong tay về điều kiện tuyển sinh các môn học của các trường là nhầm lẫn và có nhiều sai sót. Vì nếu không có gì bất ổn thì sao lại phải ra thêm quyết định như là một dạng sửa sai như vậy?
Thế nhưng, khả năng này cũng đã bị chính ông Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT bác bỏ “Không đúng như vậy. Việc rà soát của Bộ bắt đầu từ tháng 3/2013 và kết thúc vào tháng 7/2013. Đến tháng 12/2013, Bộ mới tiến hành xử lý. Trong thời gian này, Bộ đã gọi điện tới các trường có vấn đề và đề nghị bổ sung thông tin và kiểm tra lại báo cáo để tránh sai sót. Tuy nhiên, những trường có ngành thuộc diện bị dừng tuyển sinh không có báo cáo gì bổ sung. Bộ đã căn cứ vào báo cáo của các trường để xử lý. Nếu số liệu không chính xác thì các trường phải chịu trách nhiệm về báo cáo của mình”.
Khả năng thứ ba là các trường đã kịp thời bổ sung đầy đủ các điều kiện theo quy định nên được “xem xét lại”. Nhưng như đánh giá của các chuyên gia thì khả năng này là không thể. Bởi trước đó, Bộ GD&ĐT đã cảnh báo từ rất lâu mà các trường vẫn không khắc phục, nên trong vòng một tháng mà giải quyết được hết là điều không tưởng và không thể. Nhất là về đội ngũ giáo viên cơ hữu. Cũng không loại trừ các trường “phù phép” số liệu cho đủ chuẩn. Nếu thế thì Bộ GD&ĐT phải tiến hành thanh tra, kiểm tra, xem xét kỹ lưỡng xem có đạt chuẩn theo quy định hay không rồi mới cho phép tuyển sinh trở lại hay không. Tại sao lại phải vội vã ra quyết định như vậy?
Từ đây suy ra, cả ba khả năng được coi là hợp lý và khách quan, lành mạnh dẫn đến những quyết định gây tranh cãi và cả nghi ngờ của Bộ GD&ĐT đều không hợp lý và không có sức thuyết phục. Vậy thì chỉ có một nguyên nhân cơ bản dễ lý giải và có sức thuyết phục nhất đối với nhiều người là: Bộ GD&ĐT ra quyết định tréo ngoe như vậy là vì lợi ích. Còn lợi ích của ai thì chắc mọi người đều rõ, không cần chỉ ra cụ thể ở đây. Như lời tiến sĩ Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH Bộ GD&ĐT thì quyết định cho tuyển sinh lại đối với 62 ngành đào tạo được xem là một cách “chữa ngượng” của bộ. Đây cũng là cơ hội để xuất hiện cơ chế xin - cho.
Mà đã xin thì có thể cho hoặc không cho. Mà đã cho thì có thể cho không nhưng cũng có thể là phải… có gì đó thì mới cho. Mà ở đây thì đã cho rồi và cho rất nhanh, rất nhiều. Khiến cho ai dù vô tư, trong sáng đến mấy cũng phải nghĩ đến việc có chuyện không minh bạch ở đây. Một vị giáo sư thì băn khoăn “Bộ GD&ĐT không tiến hành thanh tra, kiểm tra kỹ lưỡng mà cho phép tuyển sinh trở lại nhanh chóng là vì quyền lợi của sinh viên, lợi ích kinh tế của các trường hay vì lý do gì khác? Vấn đề này đặt ra nhiều câu hỏi mà chỉ người trong cuộc mới có câu trả lời”. Và nếu “người trong cuộc” là Bộ GD&ĐT không trả lời rành rẽ câu hỏi này trước công luận thì chắc chắn người ta sẽ nghĩ là, ở trong hai quyết định “tiền hậu bất nhất” này có chuyện khuấy đục nước để bắt cá.
Duy Hương