Có nhiều dấu hiệu cho thấy tranh chấp thương mại này là một phần trong ý đồ của Washington nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc trong việc giành quyền lực lớn hơn.
Trong khi Bắc Kinh sẵn sàng tiếp tục đối thoại với Washington, khi nước này phái Thứ trưởng Thương mại Vương Thụ Văn tới Mỹ đàm phán trong tháng này, thì sự lạc quan ban đầu về việc tìm ra một giải pháp nhanh chóng đã thay thế bởi một quyết tâm mạnh mẽ hơn.
Giới quan sát nhận định, ông Vương Thụ Văn khó có thể đạt được đột phá ngoài việc mở đường cho các cuộc đàm phán tiếp theo. Một cựu quan chức thương mại Trung Quốc cho biết: “Hiện, Tổng thống Trump rất tự tin và Trung Quốc không nên tỏ ra nhún nhường. Bắc Kinh cần phải tỏ ra tự tin và kiên định, chống lại các thách thức tối đa của Tổng thống Trump. Việc nhượng bộ quá nhiều trong giai đoạn đầu sẽ chỉ khiến Tổng thống Trump thêm khiêu khích”.
Tờ People’s Daily ngày 10/8 đăng bài xã luận, cho biết chính quyền Tổng thống Trump tiếp tục cách tiếp cận “can dự cộng răn đe” Trung Quốc, hy vọng tái định hình đáng kể sự phát triển của Trung Quốc theo quan điểm của Mỹ.
Tờ này nhận định: “Sự rà soát các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ cho thấy chính phủ của Tổng thống Trump đầy mâu thuẫn, có thái độ nước đôi và thất thường. Tuy nhiên, lý lẽ đằng sau đó lại khá rõ ràng, Washington không có ý định thu hẹp thâm hụt thương mại, mà muốn kiềm chế Trung Quốc trong các lĩnh vực rộng lớn hơn”. Một bài bình luận khác đăng trên tờ People’s Daily hôm 12/8 cho rằng, Mỹ đang tìm kiếm quyền bá chủ và Trung Quốc cần quyết tâm đấu tranh.
Chuyên gia Trung Quốc Cheng Li tại Viện Brookings ở Washington cho rằng, cùng với vấn đề thương mại, một danh sách dài an ninh và các tranh chấp khác với Mỹ đã đẩy Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào thế tiến thoái lưỡng nan. Chuyên gia này nói: “Nếu chỉ trên mặt trận kinh tế và thương mại, giới lãnh đạo Trung Quốc sẽ sẵn sàng thỏa hiệp”.
Cả chuyên gia Cheng Li và cựu đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Stapleton Roy đều nhận xét, trong khi không có bằng chứng cho thấy vị thế toàn quyền của ông Tập Cận Bình bị đe dọa, bất chấp các chỉ trích gia tăng liên quan tới cách tiếp cận của Chủ tịch Tập với Mỹ, nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể đối mặt với sức ép chưa từng có trong cuộc họp ở Bắc Đới Hà.
Theo ông Roy, các thách thức này bao gồm “sự đối đầu với Mỹ và sự chống cự tại Trung Quốc đối với đường hướng mà đảng Cộng sản Trung Quốc nỗ lực đi theo nhằm khôi phục hoàn toàn sự kiểm soát của đảng đối với mọi thứ”.