Giới chuyên gia nhận định với sức công phá tương đương 100 triệu tấn thuốc nổ TNT của ngư lôi Poseidon, Mỹ sẽ phải ngăn chặn vũ khí này bằng mọi giá nếu nổ ra xung đột với Nga trong tương lai, theo Popular Mechanics.
"Nga đã thử nghiệm ngư lôi Poseidon và đang chế tạo tàu ngầm để triển khai chúng. Đây là mục tiêu đầy thách thức với hải quân Mỹ, bởi nó có tốc độ cao và lặn sâu hơn tàu ngầm thông thường. Tuy nhiên, nhiều khả năng Poseidon sẽ có độ ồn đủ lớn để các cảm biến thủy âm có thể phát hiện", chuyên gia quốc phòng H.I. Sutton nhận định.
Theo chuyên gia này, để có thể vô hiệu hóa Poseidon, Mỹ cần xây dựng mạng lưới trạm trinh sát thủy âm cố định dưới lòng biển và thả từ máy bay săn ngầm. Chúng có nhiệm vụ phát hiện dấu hiệu Poseidon đang hoạt động, như tiếng ồn động cơ hoặc bọt khí từ hệ thống đẩy ngư lôi. Mỗi trạm trinh sát cần được trang bị ngư lôi dẫn đường, sẵn sàng phóng đi để đánh chặn ngư lôi Nga.
Uy lực của Poseidon buộc hải quân Mỹ áp dụng nhiều biện pháp khác nhau để bảo đảm khả năng diệt mục tiêu. Ngay khi phát hiện siêu vũ khí này của Nga được phóng đi, tàu ngầm lớp Virginia trực chiến cũng phải phóng đầu đạn siêu vượt âm phóng để đánh chặn.
Được trang bị động cơ hạt nhân, Poseidon có thể tấn công mục tiêu từ khoảng cách hàng nghìn km ở độ sâu hơn một km, đạt tốc độ khoảng 110-130 km/h. Washington và các đồng minh có thể sẽ cần phát triển ngư lôi thế hệ mới, mang theo nhiều ngư lôi cỡ nhỏ để tăng tỷ lệ đánh trúng đích.
Giải pháp cuối cùng để đối phó Poseidon là bám theo tàu ngầm mang loại ngư lôi này. Khi được biên chế vào năm 2027, siêu ngư lôi Nga có thể được trang bị trên các tàu ngầm tấn công Đề án 949A Antey. Mỹ sẽ gặp nhiều khó khăn để vô hiệu hóa chúng, nhất là khi loại tàu ngầm này có thể tung đòn đánh từ dưới lớp băng dày ở Bắc Cực. Vũ khí phù hợp nhất cho nhiệm vụ này sẽ là ba chiếc lớp Seawolf, những tàu ngầm đắt đỏ nhất trong biên chế Mỹ.
"Ngư lôi Poseidon không phải là vũ khí vô hình, nó có thể bị ngăn chặn nếu Mỹ phát triển được các công nghệ phù hợp", chuyên gia Sutton nhận định.