Trao đổi với hãng tin CNN, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif khẳng định Mỹ có một “chứng bệnh”, đó là nước này bị nghiện các biện pháp trừng phạt. Một số đòn trừng phạt kinh tế của Mỹ, vốn bị đình chỉ theo thỏa thuận mang tên Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA) năm 2015 để đổi lấy việc Iran kiềm chế chương trình hạt nhân, hiện đã có hiệu lực trở lại khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đơn phương rút khỏi thỏa thuận trên. Nhưng kể cả trước đó, theo ông Zarif, bàn tay của Washington cũng “ngứa ngáy” muốn giáng cho Tehran những đòn phạt về kinh tế.
“Ngay cả trong thời chính quyền Obama nước Mỹ cũng nhấn mạnh hơn vào việc duy trì các đòn trừng phạt mà họ chưa dỡ bỏ thay vì thực thi các nghĩa vụ của họ về các đòn trừng phạt đã dỡ bỏ”, ông Zarif nói với phóng viên hãng CNN.
Sau đó, nhà ngoại giao này trầm ngâm cho rằng việc ủng hộ thỏa thuận trên có lẽ ngay từ đầu đã là một sai lầm từ phía Iran, do niềm tin tha thiết rằng Mỹ đã nhận thức rõ tác động của các biện pháp trừng phạt đối với Iran.
Ông Zarif phát biểu: “Đó có lẽ là một trong các sai lầm. Nhưng vấn đề là chúng tôi cảm thấy nước Mỹ đã hiểu rằng với Iran, các biện pháp trừng phạt quả thực gây ra khó khăn về kinh tế, nhưng không đem lại những hệ quả chính trị mà họ muốn dùng chúng để tạo thành. Tôi nghĩ người Mỹ đã học được bài học đó. Thật đáng tiếc, tôi đã sai”.
Ngoại trưởng Iran trả lời phỏng vấn nhân dịp kỷ niệm 65 năm cuộc đảo chính tại Iran do Mỹ lên kế hoạch năm 1953. Chỉ vài ngày trước lễ kỷ niệm này, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã công bố việc thành lập Nhóm Hành động Iran để chống lại “hành vi nham hiểm” của chính phủ Iran, bị nhiều người cho là động thái thể hiện ý đồ tái diễn màn thay đổi chế độ hơn 6 thập niên trước.
“Không bao giờ tái diễn”, ông Zarif đã viết trên Twitter, đính kèm những bức ảnh tư liệu về cảnh tượng hỗn loạn trên đường phố khi ấy, được cho là do sự xúi giục của CIA.