(Baonghean) - Trong lúc Nga đang phải chật vật vượt qua cú sốc lớn do sự sụt giảm tồi tệ nhất của đồng Ruble trong nhiều năm trở lại đây, Trung Quốc đã thể hiện “cử chỉ đẹp” khi đưa ra lời đề nghị muốn giúp Nga thoát khỏi khủng hoảng. Dù mới chỉ là đề xuất và vẫn chưa có xác nhận từ phía Nga, nhưng động thái của Trung Quốc một lần nữa cho thấy “thời kỳ vàng” trong quan hệ Nga - Trung thông qua tinh thần “đồng cam cộng khổ” giữa những “người anh em lớn”, bất chấp những nhận định của giới phân tích về sự thiếu hụt niềm tin chiến lược trong mối quan hệ này.
“Nga có năng lực, sự từng trải và sáng suốt để vượt qua những khó khăn hiện nay. Nếu phía Nga cần, chúng tôi sẽ cung cấp sự giúp đỡ cần thiết trong khả năng của mình” – đây là tuyên bố mà Ngoại trưởng Trung Quốc – ông Vương Nghị đưa ra trong một sự kiện mới đây tại Thái Lan. Một trong những cách giúp đỡ mà Trung Quốc muốn đưa ra cho Nga ở thời điểm đầy khó khăn này là hai bên tăng cường giao dịch thương mại không dùng đồng USD thông qua việc mở rộng thỏa thuận hoán đổi tiền tệ được hai nước ký kết hồi tháng 10. Theo thỏa thuận này, Nga sẽ dùng đồng Ruble để đổi lấy Nhân dân tệ và trả lại sau đó bằng Nhân dân tệ. Như vậy, Nga có thể bảo vệ tỷ giá đồng Ruble mà không phải sử dụng đến dự trữ ngoại hối – cách mà Nga đang thực hiện hiện nay.
Lời đề nghị của Trung Quốc được đưa ra trong thời điểm Nga đang chật vật giữ giá đồng Ruble sau cú sụt giảm tồi tệ nhất hôm 16/12 – một ngày được giới tài chính gọi là “Ngày thứ ba” đen tối. Khi đó, đồng Ruble đã giảm từ mức 57,5 Ruble xuống 64,45 Ruble đổi được 1 USD. Cuộc họp khẩn cấp ngay trong đêm hôm đó với quyết định tăng lãi suất cơ bản từ 10,5% lên thành 17%/năm cũng không ngăn nổi tình trạng mất kiểm soát của đồng Ruble khi đồng nội tệ Nga liên tục trồi sụt, có lúc lên tới 80 Ruble đổi 1 USD. Nhiều chuyên gia kinh tế đã đưa ra những nhận định rất bi quan về tình trạng của Nga hiện nay khi cho rằng, nước này đang rơi vào một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn diện. Hiện nay, Nga đang áp dụng những biện pháp quyết liệt để cứu đồng Ruble như đổ thêm 70 tỷ USD trong kho dự trữ ngoại hối ra thị trường, đồng thời yêu cầu các công ty tư nhân và người dân ngừng tích trữ USD. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy đồng Ruble đã lấy lại được niềm tin trên thị trường.
Các chuyên gia đã phân tích rất nhiều nguyên nhân đã đẩy nền kinh tế Nga vào tình cảnh hiện nay, như sự giảm giá chóng mặt của dầu thô trên thị trường thế giới, cơ cấu kinh tế mất cân đối, tình trạng dễ tổn thương của nền kinh tế khi vay nợ nước ngoài quá nhiều… Và tất cả những yếu tố này đồng loạt phát huy tác động tiêu cực khi được “kích hoạt” bởi các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp dụng với Nga. Khi mà Nga và phương Tây còn chưa thể tìm ra lời giải cho vấn đề Ukraine – nguồn cơn của các lệnh trừng phạt mà hai bên áp đặt cho nhau, các vấn đề của nền kinh tế Nga sẽ khó có thể giải quyết trong ngắn hạn. Chính vì vậy mà người ta tin rằng, Trung Quốc sẽ là “cứu cánh” cho Nga trong giai đoạn hết sức khó khăn này. Theo giới phân tích, việc Nga và Trung Quốc mở rộng các hoạt động giao dịch không dùng đồng USD sẽ giúp ổn định đồng Ruble thông qua việc tăng tính thanh khoản cho đồng tiền này. Phương thức giải cứu đồng Ruble mà phía Trung Quốc đề xuất đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ thị trường tài chính khi chỉ trong vòng 1 ngày, đồng Ruble đã tăng giá trở lại được 3%.
Một điều dễ nhận thấy là việc “đứng cùng phe” trong hàng loạt diễn biến quốc tế “nóng” gần đây là nền tảng quan trọng cho mối quan hệ mật thiết giữa Nga và Trung Quốc thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, đã không ít lần người ta đặt câu hỏi về vấn đề “niềm tin chiến lược” giữa hai cường quốc này – yếu tố khiến mối quan hệ Nga – Trung khó có thể nâng tầm thành một liên minh vững chắc. Chính vì vậy, đằng sau lời đề nghị của Trung Quốc lần này, dư luận rất quan tâm là tại sao Trung Quốc lại tỏ ra nhiệt thành với Nga đến vậy? Xét về mặt vị thế quốc tế, việc Trung Quốc “đưa tay” cho Nga vào đúng thời điểm nước này gặp khó khăn sẽ giúp Trung Quốc xây dựng hình ảnh một đối tác đáng tin cậy, một người bạn sẵn sàng “có nạn cùng chia”. Điều này sẽ góp phần thực hiện mục tiêu mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã từng đề cập là “tăng cường vị thế quốc gia với tư cách nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới”.
Về mặt kinh tế, việc cứu đồng Ruble cũng đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ mở rộng ảnh hưởng đồng Nhân dân tệ ra toàn cầu như một nguồn tiền ngoại tệ dự trữ thay thế cho đồng USD. Ngoài Nga, hiện Trung Quốc đã ký thỏa thuận hoán đổi tương tự với gần 30 quốc gia khác, và Trung Quốc rất cần những giao dịch hoán đổi như với đồng Ruble của Nga để biến những thỏa thuận trên giấy này thành thực chất. Ngoài ra, việc ủng hộ đồng Ruble còn giúp Trung Quốc tránh những thiệt hại gián tiếp. Bởi vì, khi đồng Ruble mất giá và giá dầu giảm, Nga sẽ không thực hiện được các cam kết trong hợp đồng năng lượng với Trung Quốc là nhập khẩu hàng hóa và xe ô tô của Trung Quốc. Nếu tính đến hiệu ứng domino, đồng Ruble mất giá có thể gây ra một cơn hoảng loạn lan sang các nước khác, và kết cục là sự tháo chạy các dòng vốn khỏi các thị trường mới nổi, trong đó có Trung Quốc.
Như vậy có thể thấy, việc Trung Quốc “cứu Nga” thực chất cũng là “tự cứu mình”. Nếu giao dịch đồng Ruble – Nhân dân tệ được hai bên thực hiện thành công, những gì mà Trung Quốc đạt được sẽ không đo đếm được bằng những con số lời – lỗ. Và câu chuyện này một lần nữa minh chứng cho nhận định của giới phân tích: quan hệ Nga – Trung không chỉ mang tính lợi ích mà còn có tính thời điểm, và đó cũng chính là “điểm yếu” của một mối quan hệ đối tác lâu dài.
Thúy Ngọc