Ngày cuối năm 2021, trong một chuyến “ngược nguồn” về một miền dân ca trung du Thanh Chương bên dòng Lam giang, Hội dân ca ví, giặm Sông Lam với hơn 50 thành viên có buổi sinh hoạt vô cùng ý nghĩa, khi họ cùng nhau hát lại những câu hát dân ca như “Thuyền và bến” hay “Xứ Nghệ quê mình” với điệu ví ngọt ngào da diết...
Nhiều anh chị em hội viên như được tìm về tuổi thơ với những đêm theo bà, mẹ đi hát ví, theo cha bơi thuyền trong ngày hội xuân. Chị Hoàng Vân - nghệ nhân ưu tú phường vải Vinh Tân (TP. Vinh) cho rằng, những buổi sinh hoạt như thế anh chị em hội viên được hát để thỏa đam mê, tự mình bồi đắp thêm tình yêu với dân ca mà thường nhật bộn bề nhiều khi đành “bỏ ngỏ”.
Về với Thanh Chương - về với âm hưởng ví phường vải xưa trước, nay ví giặm dường như ngày một thấm đẫm vào hoạt động người nông dân ở đây. Chị Ngân Hoa thành viên Hội dân ca ví, giặm Sông Lam nói rằng: Bình thường chúng tôi ngồi tráng bánh mướt để đi phiên chợ Rộ vẫn đố nhau ví câu này câu kia, đố đặt được lời mới hợp khung cảnh, “tức cảnh mà sinh tình” rồi cùng nhau đối đáp, vui lắm! Chị Hoa chia sẻ, lan tỏa tình yêu ví, giặm chính là cách chúng ta đưa ví giặm vào đời sống, để ví giặm tự chảy trong huyết quản của mỗi người.
Suốt gần một năm nay Hội dân ca ví, giặm sông Lam cứ thế miệt mài đi tìm sự đồng điệu giữa sân khấu và đời sống ở dòng chảy dân ca ví, giặm quê hương. Từ đó họ đưa những làn điệu dân ca dân dã như hò bơi thuyền, như ví đò đưa, như hát khuyên, hát tứ hoa vào các buổi sinh hoạt, hoặc các buổi dã ngoại, làm sống lại phần nào không gian ví, giặm thủa xa xưa.
Ấy nhưng, việc đang làm của họ mới chỉ là sự nỗ lực thắp lên tình yêu, niềm đam mê đối với người yêu, hiểu về vốn quý ví, giặm trong đời sống đương đại. Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Mạnh Cường - Chủ nhiệm Câu lạc bộ dân ca huyện Đô Lương, cho biết: Dù chúng tôi thành lập từ những năm 1994 của thế kỷ trước và đã có những đợt sinh hoạt rất tốt, từng đạt nhiều giải thưởng lớn, nhưng để nhân rộng và lan tỏa thì chúng tôi vẫn thấy mình chưa làm được nhiều. Cái sự lan tỏa của dân ca quả thực phải trở thành lẽ tự nhiên trong sinh hoạt, trong hoạt động thường nhật của người dân. Càng nhiều người hát được dân ca, thực hành đối đáp dân ca, nhiều buổi sinh hoạt trong các tổ liên gia thì cái sự lan tỏa mới đi đến đích.
Hẳn là vậy, bởi ngoài con người mang sứ mệnh lan tỏa thì cách tiếp cận dân ca cần có một không gian diễn xướng mới, nằm ngoài sân khấu, nằm ngoài tấm màn nhung và ánh sáng đèn màu. Không gian diễn xướng dân ca là yếu tố then chốt khiến dân ca được tôn vinh và thấm đẫm vào mỗi con người. Đó có thể là một điệu ví được xướng lên trên dòng Lam giang như của Câu lạc bộ dân ca ví, giặm Hưng Tân trình diễn vào mỗi dịp lễ hội; có thể là khung cảnh lều ví giặm được tổ chức vào những dịp kỷ niệm hoặc các ngày lễ lớn ở những địa dọc hai bên bãi bờ dòng Lam. Ông Nguyễn Trọng Tâm - Chủ nhiệm Câu lạc bộ dân ca ví, giặm Hưng Tân cho biết: Để có được một buổi diễn xướng chúng ta phải bài trí thành những tiết mục, những phần trình diễn đã được tập tành hẳn hoi, và người diễn dĩ nhiên đã nhuyễn rồi. Điều này tạo nên một sân khấu hay, đẹp mắt và chúng ta được nghe những bài đã quen, đã vào tai. Thế nhưng điều chúng ta cần là mỗi người dân đến nghe đều hát được, đều ví được, lúc đó chúng ta mới thành công.
Đó là điều trăn trở trong chặng hành trình “trả lại” di sản cho nhân dân, bằng lưu truyền cho thế hệ trẻ. NSND Trịnh Hồng Lựu có lần nói, chúng ta đang nỗ lực làm sang trọng hoặc sân khấu hóa hoặc nghệ thuật hóa dân ca, dĩ nhiên điều này rất cần. Nhưng điều chúng ta cần nhất vẫn là làm sao cho dân ca ngấm vào cuộc sống, trở thành lẽ tự nhiên để đi đâu chúng ta cũng được nghe văng vẳng đâu đây một câu hò, một điệu ví,...
Sân khấu hóa và làm sang trọng di sản là cách mà chúng ta bảo tồn và phát huy di sản, mang di sản đi khắp năm châu để nó được tiếp biến và hòa vào dòng chảy đương đại. Ấy thế mới có những vở kịch hát dân ca được vinh danh trên các bảng vàng của sân khấu truyền thống. Ấy thế mới có những nghệ sỹ hiến dâng trọn đời vì sự khuê các của một câu hát dân ca. Và trên sân khấu thảm đỏ kia chúng ta được gặp những bậc danh nhân với câu dân ca thủa nhỏ, chúng ta được thấy những dòng chảy cách mạng được chuyển tải bằng dân ca. Nhưng đó là “đặt nền móng từ những sự vay mượn của các loại hình khác, những lập lơ, hát khuyên là của chèo mà biến thành; để rồi từng bước một, vừa đi vừa xếp hàng, những vở ngắn, những vở dài và những vở có nút thắt kịch tính như “Cô gái Sông Lam” như “Lời Người lời của nước non” trở thành những “kinh điển” được lưu giữ bền lâu trong tâm trí người xem...”, nghệ sỹ Thanh Lưu - nguyên Trưởng đoàn Dân ca Nghệ Tĩnh cho biết.
Bước ra sân khấu là nhịp sống ngược xuôi hối hả, những nghệ sỹ, nghệ nhân cùng những người “ngoại đạo” mà có tình yêu cháy bỏng với làn điệu dân ca quê hương xứ sở, đang nỗ lực cố gắng thực hiện sứ mệnh của mình. Đó là sứ mệnh lan tỏa. Để rồi, họ lại tìm cách thức mới, cùng nhau ngồi lại và trò chuyện bằng dân ca, bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào vì một mong mỏi để cho dân ca được tự nhiên lan tỏa đến mỗi người, mọi không gian. “Bây giờ chúng ta nhất thiết phải ứng dụng công nghệ số 4.0 để dân ca đi vào từng ngõ ngách của đời sống với từng người từng thế hệ. Khó khăn đấy, nhưng chúng tôi là những người không còn trẻ mà đang khao khát sống thật trẻ sẽ làm điều này”, anh Nguyễn Thành Ngân - cán bộ Trung tâm Văn hóa huyện Hưng Nguyên, Chủ tịch Hội ví, giặm Sông Lam chia sẻ tâm huyết của mình như vậy.