(Baonghean) -  Thứ Ba, ngày 23/12, theo một bản báo cáo đáng báo động của Liên Hợp quốc, gần 300 di sản văn hóa tại Syria đã bị phá hủy, hư hỏng hoặc bị cướp phá, nhất là tại các khu vực như Aleppo và Palmyra trong vòng 3 năm xảy ra chiến tranh. 
 
images1107201_8.jpgẢnh chụp Thành phố cổ Aleppo hôm 21/11/2011. Ảnh: Bộ Ngoại giao Mỹ, Digital Globe
 
Thứ Ba, Viện Đào tạo và Nghiên cứu của Liên Hợp quốc (UNITAR) cho biết, “Các khu vực như Aleppo, Damascus, Krak des Chevaliers, Rakka và Palmyra là những nơi bị phá hủy nặng nề nhất”. Đặc biệt là tại khu vực Aleppo, nơi con người đã sinh sống từ 7.000 năm nay và có nhiều di tích lịch sử của nhân loại.
 
UNITAR đã đánh giá 18 khu vực và phát hiện khoảng 290 địa điểm bị ảnh hưởng trực tiếp từ các cuộc giao tranh. Trong số đó, có 24 địa điểm bị phá hủy hoàn toàn, 104 địa điểm bị tàn phá nặng nề, 84 địa điểm hư hại và 77 địa điểm còn có thể phục hồi được. Được biết, trong số 18 khu vực được đánh giá thì có 6 khu vực được xem như là Di sản thế giới của UNESCO gồm: các khu đô thị cổ ở Aleppo, Bosra và Damascus, các thành phố chết ở miền Bắc Syria, Krak des Chevaliers và Palmyra.
 
Tại Aleppo, thủ đô kinh tế cũ của Syria đã bị các cuộc giao tranh giữa chính quyền và quân nổi dậy tàn phá nặng nề. Theo những hình ảnh vệ tinh, ngọn tháp Seljuk của Nhà thờ Hồi giáo Umaayyad được xây dựng từ thế kỷ XI bởi Triều đại Arab Caliphate và khách sạn Carlton nổi tiếng đã bị phá hủy. Những gì còn sót lại của các công trình nổi tiếng trên chỉ là những hố bom khổng lồ.
 
Tại Palmyra, nơi nổi tiếng với những di tích như những con đường với các hàng cột theo kiến trúc La Mã, những tòa lăng tẩm nằm trong thung lũng cũng không thoát khỏi số phận bị chiến tranh phá hủy. Nhiều bức ảnh mà UNITAR đưa ra cho thấy nhiều ngôi mộ cổ tại Palmyra đã bị hư hỏng nặng nề.
 
Tại Rome, một cuộc triển lãm mang tên “Syria, lộng lẫy và thảm kịch” đã được tổ chức suốt mùa Hè vừa qua nhằm nâng cao ý thức của người dân Italia cũng như người dân trên thế giới về thực trạng bị phá hủy của các di sản văn hóa tại Syria và của nhiều nơi khác trên thế giới. Cuộc triển lãm còn cho người xem thấy được sự phá hủy nghiêm trọng những bức tượng Phật khổng lồ ở Afghanistan vào hồi tháng 3/2001, hay như vụ cướp tại Bảo tàng Khảo cổ học ở Baghdad hồi tháng 4/2003.
 
Chiến tranh tại Syria và nhiều nơi trên thế giới vẫn đang diễn ra, kéo theo đó là hàng loạt các di tích lịch sử mang ý nghĩa quan trọng đối với nhân loại bị phá hủy. Không chỉ phá hủy đi các di tích, nhiều kẻ còn cướp và đem bán các cổ vật để lấy tiền tài trợ cho các cuộc chiến. Tại Iraq, các chiến binh thánh chiến Hồi giáo cực đoan IS đã đem bán và phá hủy nhiều pho tượng thần, nhà thờ, những di sản không chỉ của riêng người Kitô, người Do Thái, mà còn cả của người Hồi giáo.
 
Chu Thanh 
Theo LeMonde 23/12