Bức ảnh được gửi về từ tàu thăm dò Mặt Trăng được phóng vào không gian hồi đầu tháng 1. Những hình ảnh này sau đó đã được chuyển thành hình ảnh 360 độ do Phó Giáo sư Vật lý và Hóa học Thomas Appéré thực hiện giúp người xem có thể quan sát được như trên.
Những hình ảnh trên được chụp bởi Yutu 2, một con robot có bánh xe nhỏ, sau khi con tàu đổ bộ xuống Mặt Trăng để thực hiện các phân tích. Và đã được cơ quan vũ trụ Trung Quốc (CNSA) công bố hôm thứ Sáu.
Theo ông Li Chunlai, người điều khiển hệ thống ứng dụng mặt đất của con tàu Chang’e-4, các miệng hố gần Yutu 2: rộng 20 m, sâu 4 m sẽ là thách thức đối với các kỹ sư.
Về phần Chang’e-4, Yutu 2 và vệ tinh Queqiao chịu trách nhiệm gửi thông tin về Trái Đất “đang ở trạng thái ổn định và tất cả các chương trình đang diễn ra theo kế hoạch”, CNSA cho biết. Nhiệm vụ hiện tại là “tiếp cận giai đoạn khám phá khoa học”.
Được trang bị những thiết bị Trung Quốc, Đức và Thụy Điển, con tàu Chang’e-4 sẽ tiến hành các nghiên cứu về môi trường Mặt Trăng, bức xạ vũ trụ và sự tương tác giữa gió Mặt Trời và bề mặt Mặt Trăng. Các nhà khoa học tin rằng, mặt tối của Mặt Trăng là một khu vực quan trọng để tìm hiểu về cấu trúc bên trong và sự phát triển nhiệt độ của Mặt Trăng.