Lê Nguyễn Hồng Minh là con gái của hai nhà cách mạng tiền bối xuất sắc: Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai. Hồng Minh được sống những ngày đẹp nhất trên miền Bắc được giải phóng, đó là những lần được gặp Bác Hồ. Những lần đến thăm Bác, Người thường gọi Hồng Minh bằng cái tên âu yếm: bé Hồng Minh!
Ấy là lần cán bộ miền Nam tập kết (20-8-1954) đến Sầm Sơn - Thanh Hóa, Hồng Minh được bố trí ở với Bác Tôn Đức Thắng. Bác Hồ đã dặn đồng chí Lê Văn Lương, Ban Tổ chức TƯ xuống đón đoàn và tìm Hồng Minh. Khi xe đồng chí Cảnh, thư ký của Bác Tôn xuống, cùng đi có nhà báo Đào Duy Kỳ.
Đồng chí Đào Duy Kỳ mừng lắm, kéo Hồng Minh vào lòng giới thiệu với mọi người: "Đây là cháu Hồng Minh, con của chị Minh Khai và anh Lê Hồng Phong... Hồi ở Sài Gòn, lúc cách mạng Tháng Tám mới thành công, anh Dương Bạch Mai thường dẫn cháu tới tòa soạn Báo Dân Chúng chơi, lúc đó bọn tôi dẫn cháu đi mua một bộ đồ và một đôi giày, cả hai thứ cháu đều thích màu đỏ.
Hồng Minh đi cùng xe thư ký và vợ Bác Tôn, về khu vực nhà thương Đồn Thủy. Tại đây, Bác Tôn Đức Thắng, chú Lê Văn Lương, chú Trường Chinh, chú Hoàng Quốc Việt và nhiều người khác đang chờ đợi. Tối hôm đó, đồng chí Lê Văn Lương dẫn Bác Tôn gái và Hồng Minh sang gặp Bác Hồ. Trước đây, Hồng Minh thường nghe mọi người kể chuyện về Bác Hồ: "Bác giống như ông Tiên", nay được gặp Bác Hồ, thấy da Bác hồng hào, tóc và râu Bác bạc trắng đúng như ông Tiên...
Một hôm, khi đến gặp Bác Hồ, Hồng Minh cứ nghĩ: Vì Bác bận nên chắc rằng Bác sẽ không còn nhớ nữa, không ngờ, khi vừa đến Bác đã hỏi luôn: "Cháu là Hồng Minh à?... ".
Trong một bữa liên hoan tại Hà Nội, Hồng Minh sung sướng được gặp lại ông bà Dương Bạch Mai, là ba má nuôi. Ông bà Bạch Mai đã cho Hồng Minh biết: Mẹ Minh Khai đã đặt tên con gái là: Lê Nguyễn Hồng Minh. Từ đó bản lý lịch của Hồng Minh được bổ sung đầy đủ họ tên gồm bốn chữ, mang cả họ và tên ghép của cha và mẹ. Những ngày sống tại nhà thương Đồn Thủy, Hồng Minh luôn được mọi người chăm sóc. Một hôm, Bác Tôn đưa Hồng Minh đi dạo chơi, Bác nói : "Hồi ba cháu còn hoạt động, Bác và Bác Hồ hơn tuổi ba cháu nên cháu gọi bằng bác là đúng. Còn các chú khác nhỏ hơn tuổi ba cháu, cháu phải gọi bằng chú thì mới đúng...".
Sau khi hỏi Hồng Minh về tình hình học tập, khả năng và nguyện vọng, chú Trường Chinh đã giao cho thư ký làm thủ tục, đưa Hồng Minh sang học tại Trường Dục Tài, Quế Lâm, Trung Quốc. Tại đây, Hồng Minh được gặp người chú họ là đồng chí Lê Thiết Hùng và cậu Dung là em ruột của mẹ. Sau thời gian học ở Trung Quốc, Hồng Minh tiếp tục được Bác Hồ, Đảng và Nhà nước cho sang Liên Xô, học tại Thành phố Lêningát...
Đang kể chuyện, bỗng đồng chí Hồng Minh hạ thấp dọng xúc động nói: " Những ngày sống ở miền Bắc, tôi luôn được các bác, các chú Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Lê Duẩn... chăm sóc, đặc biệt là Bác Hồ. Nhiều lần tôi được Bác cho ăn cơm cùng và lần nào Bác cũng nhắc: "Bé phải ăn cho hết, nếu không ăn hết được, thì chỉ bỏ lại cơm thôi ". Khi nào gặp Bác, Bác cũng gọi tôi là "bé ". Năm 1964, tôi đang học ở Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, trước khi đi sơ tán, có chú bảo vệ đến nói nhỏ với tôi: "Đến cổng đỏ có người đón".
Tôi biết "đến cổng đỏ " tức là đến cổng vào nhà Bác. Tôi đến liền, được gặp Bác và ăn cơm cùng Bác: Ăn cơm xong, Bác bảo: "Đi sơ tán đời sống sẽ khó khăn hơn, bé phải cố gắng học tốt nhé...". Lúc tôi chào Bác, xin phép Bác ra về, Bác lại dặn tiếp: "Bé cố gắng nhé!". Trước khi ra khỏi cổng, anh Vũ Kỳ gọi tôi lại, đặt vào tay tôi cái gói và nói: "Bác cho Hồng Minh 200 đồng để ăn sáng ở nơi sơ tán". Số tiền lúc đó đối với tôi là to lắm. Cầm gói tiền, tôi rưng rưng, trong đời tôi, những ngày vui sướng nhất là những lần tôi được gặp Bác Hồ!".
Trương Quế Phương