Lý Nhật Quang - một danh tướng, danh thần, có tài kinh bang tế thế triều Lý. Ông là con thứ 8 của vua Lý Thái Tổ, đã gắn bó cả cuộc đời mình ở mảnh đất xứ Nghệ và để lại đây một sự nghiệp vĩ đại.

Khi ông làm Tri châu Nghệ An đã được vua Lý Thái Tông phong là Uy Minh Vương. Khi ông mất đã có trên 40 đền, đình ở xứ Nghệ thờ ông là Thành Hoàng làng. Ở Đền Quả, nơi thờ chính ông còn có bức hoành phi, ghi 4 đại tự: "Nam Thiên Thánh tích" (Trời Nam lưu tích Thánh).

763194_small_56125.jpgĐền thờ Tam tòa Lý Nhật Quang, xã Nghi Công Bắc

Triều Lý sau khi thay thế triều Tiền Lê, vua Lý Thái Tổ, năm Thuận Thiên thứ 1 (1010) đã quyết định dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về thành Đại La và đổi tên gọi kinh đô là Thăng Long. Vua Lý Thái Tổ đã chăm lo việc củng cố vương quyền, giữ yên vùng biên trấn, xây dựng nhà nước Đại Việt vững mạnh. Nhà vua đã trực tiếp cầm quân vào tận Châu Hoan, Châu Diễn để dẹp loạn. Sử ghi, vào năm Thuận Thiên thứ 3 (1012): Vua thân đi đánh Diễn Châu... Năm Thiên Thành thứ 4 (1031): Vua thân đi đánh Châu Hoan.

Nhà vua đã cử một người Hoàng thân tin cậy là Lý Nhật Quang để trấn trị Châu Hoan, Châu Diễn và đổi tên cho vùng đất này là Nghệ An. Sách Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú viết về Nghệ An như sau: Buổi đầu nhà Lý đổi Hoan Châu làm trại, đời Thái Tông, năm Thiên Thành thứ 3 (1030) đổi gọi là Nghệ An...

Hành dinh của Châu Hoan, hay phủ lị của Nghệ An triều Lý được đặt ở xã Bạch Đường (nay thuộc huyện Đô Lương). Bạch Đường nằm về phía tả ngạn sông Lam, dài khoảng 4 km theo đường liên hương, từ thôn Miếu Đường xuôi về chợ Lường (nay là các xã Ngọc, Lam, Bồi, cho đến thị trấn Đô Lương). Phủ lị Bạch Đường cách biển Đông khoảng 35km, cách thành phố Vinh ngày nay khoảng trên 60 km theo đường chim bay. Phủ lị Bạch Đường cũng nằm trên con đường Thượng đạo (từ Thanh Hoá vào qua các huyện Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Đô Lương, Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn...).

Khi được cử làm Tri châu Nghệ An, Lý Nhật Quang đã cho xây dựng nhiều kho trại, đồn luỹ để tích trữ lương thực, vũ khí phục vụ cho việc bảo vệ vững chắc biên cương phía tây và phía nam nước Đại Việt. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: Vua đi đánh Chiêm Thành, thắng lợi trở về: Giáp Thân, (Minh Đạo) năm thứ 3 (1044)... tháng 8 đem quân về.

Đến hành dinh Nghệ An, gọi Uy Minh hầu Nhật Quang đến uý lạo rồi trao cho tiết việt trấn thủ châu ấy, gia phong tước vương. Trước đây vua uỷ cho Uy Minh thu tô hàng năm ở Nghệ An và sai lập trại Bà Hoà khiến cho (trấn ấy) được vững chắc, lại đặt điếm canh các nơi cất chứa lương thực đầy đủ, cái gì cũng vừa ý vua, cho nên được tước phong như thế.

Qua đoạn sử ký trên, ta biết Lý Nhật Quang được cử làm trấn thủ Nghệ An từ trước năm 1044 đã có công lớn xây dựng Nghệ An thành một vùng đất vững chắc với nhiều kho bãi, đồn luỹ, nên được vua ban phong từ tước hầu lên tước vương. Vua đã chính thức trao cho Lý Nhật Quang chức Trấn thủ châu Nghệ An. Khi trao Tiết việt, tức Uy Minh được quyền thay mặt vua hành xử mọi việc ở vùng biên trấn Nghệ An, có thể tiền trảm hậu tấu (chém trước tâu sau)...

Vì Lý Nhật Quang có công chiêu dân, lập ra các làng mới ở vùng đất Nghi Lộc, nên ông cũng được thờ làm Thành Hoàng làng ở đền Tam Tòa xã Nghi Công Bắc, dưới chân núi Đại Huệ. Đây là một trong mười tám ngôi linh thiêng nhất thờ Lý Nhật Quang ở xứ Nghệ và được thể hiện qua đôi câu đối cổ ghi tại đây:
Lý triều tứ bách tải dĩ lai đường đường đế trụ;
Hoan quận thập bát từ chi nhất, trạc trạc vương linh.
Tạm dịch nghĩa:
Triều Lý bốn trăm năm đến nay vẫn lừng danh trụ Đế;
Châu Hoan mười tám đền đứng đầu đều hiển hách linh Vương.

Lý Nhật Quang đã ra công chiêu dân xây dựng vùng đất 2 xã: Hải Đô, Nguyệt Tỉnh; 7 làng: Đa Phúc, Lô Tường, Phương Lại, Truyền Thôn, Nguyệt Tỉnh, Xuân Hòa, Kiều Mộc (nay thuộc xã Nghi Công Bắc và Nghi Công Nam) thành một căn cứ hỗ trợ cho lỵ phủ tại Bạch Ngọc.

Sắc phong Tam tòa thượng đẳng thần (Lý Nhật Quang) của triều vua Thành Thái

Căn cứ này còn gọi là Trại Nhà Bà (dân gọi là Bãi Nhà Bà, có thể là đặt tên theo tên Bà Bụt đã từng hỗ trợ cho Lý Nhật Quang, khi xây dựng lỵ sở Bạch Đường và trong cả chặng đường sự nghiệp xây dựng phát triển châu Nghệ An của ông?), là một trong những vùng đất rộng lớn, có rừng cây rậm rạp dưới chân dãy núi Đại Huệ rất thuận lợi cho việc xây dựng căn cứ ém quân, bảo vệ phía đông nam của lỵ sở Bạch Đường qua đường Gia An - Truông Sỏi. Từ căn cứ này có thể đưa quân ứng cứu nhanh cho mặt bể Cửa Lò, Cửa Hội, Cửa Vạn và trung tâm đô hội bến cảng Xuân Giang, kho trại Vĩnh Phong (Vinh).

Để bảo vệ căn cứ thêm vững chắc, Lý Nhật Quang đã chiêu dân lập ra bảy làng ở vùng này, nên sau khi ông mất được lập đền thờ ở đây. Đền rất linh thiêng, nên được các triều phong Thần tới Thượng Thượng đẳng và Đại Vương. Thần vị: Tam Tòa hữu quốc lịch triều sắc phong Uy Minh Vương trác vĩ Thượng Thượng đẳng Đại Vương tôn thần vị tiền.

Ba năm một lần, cứ vào ngày rằm tháng 3 âm lịch, Lễ hội rước sắc và khai sắc; Lễ phụng nghinh (Lễ giỗ 17/12 âm); Rằm tháng 6 (Lễ tế Nam Giao) lại được tổ chức tại đền rất long trọng linh thiêng với sự tham gia của đông đảo bà con nhân dân trong vùng.

Vì đền thờ là đền quốc tế (nhà nước thờ), lại đóng ở vùng đất thiêng của xứ Nghệ (có suối nước thơm từ dãy Đại Huệ chảy xuống), nên đền còn được chọn làm nơi tổ chức Lễ tế Nam Giao (Lễ tế Trời Đất). Thần phả của đền có ghi: Đời xưa, nhà vua cứ ba năm một lần làm lễ tế Nam Giao để cúng thiên địa. Đức Thánh Tam Tòa ở ta là Vương vị cho nên có lễ này. Sau khi Ngài mất, dân xã còn tưởng như cách Vương đang còn sống, cho nên thiết đàn ở xứ Bãi Gia An. Ngài mặc triều phục để tế thiên địa.

Nội dung, cách thức làm Lễ tế Nam Giao: Trước đại lễ 7 ngày, nhân dân 7 làng họp lại với nhau bàn bạc thống nhất chương trình, kế hoạch, từ khâu chuẩn bị cho đến nội dung các bước tiến hành lễ tế... Nhân dân các làng đua nhau mua sắm cờ, kiệu, gươm, thẻ mới đẹp; viết văn tự, tấu sớ, lập danh sách thanh niên, trai tráng làm các nhiệm vụ rước kiệu, mang vác đồ tế khí, bát bửu... và cử Ban chủ trì, hành lễ. Những người được phân công được thông báo trước 7 ngày để họ ăn chay, nam nữ thụ thụ bất thân để giữ được trong sạch, trang nghiêm trong ngày lễ tế.

Nhân dân các nơi hội tụ về làm lễ tế đã chầu chực sΩn từ chiều hôm trước cho đến suốt đêm và cả sáng hôm sau chờ kiệu Vương ra để làm lễ tế rất long trọng, trang nghiêm.

Suốt đêm hôm ấy, 7 làng tổ chức các trò chơi dân gian: các cụ nhiều tuổi thì chơi tổ tôm, đánh cờ... Thanh niên thì đánh đu, đi đáo, vật, ném cổ chai, chọi gà, hát đối đáp nam nữ... Hàng hóa mua bán có đủ các thức như trầu, thuốc, bánh khô, bánh đúc, bánh khoai... Đèn nến thắp sáng rực cả bãi Gia An, không khí huyên náo cả một vùng rừng núi mà thường ngày vốn yên tĩnh, lặng lẽ.

Thiết đàn cúng tế, bên ngoài một hương án đặt các phẩm vật tế cúng, dùng huyền tửu, tam kỳ thủy (nước ba ngọn khe), cao sơn thổ (đất trên núi cao) đều một bát, lấy giấy vàng gói lại, hoàng lạp (sáp vàng) 1, giữa lễ tam sinh, bên tả là chiêng, bên hữu trống, phía trước gươm đao, kiếm và long bài, cờ ngũ hành, theo hướng đó mà dựng lên.

Sau khi kiệu Rồng bảy làng đã rước đến tập trung đầy đủ tại bãi Gia An, các vị chức sắc, kỳ lão chuẩn bị các thủ tục để bắt đầu lễ tế, trình tự các bước tế lễ Nam Giao như sau: Chọn một kiệu đẹp nhất (gọi là kiệu bát cống), rước vào đền để rước đức Thánh Tam Tòa, tức Ngài Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, có mặc áo bào, đội mũ Vương chỉnh tề, rước ra bãi Gia An để Ngài tế Nam Giao, cầu yên, cầu phúc cho muôn dân địa phương trong trấn, trong làng. Lễ xong, nhân dân rước Thánh vị để hồi điện, rồi các làng phấn khởi rước kiệu của làng mình về.

Văn cúng Nam Giao (tạm dịch như sau):
"Kính tấu: theo lệ ba năm một lần làm lễ Nam Giao. Từ xưa, các triều đã có điển lễ quy định, cứ tháng 6 là phụng tế. Ngày đó là đại lễ, cứ theo lệ mà làm, sáng sớm lập đàn ngưỡng vọng Thánh, nơi ngài ngự của nước Việt. Nhân dân hai xã (Nguyệt Tỉnh và Hải Đô) phục sẵn nơi đàn được lập, chờ rước linh vị, sắc phong để làm lễ. Cầu xin cho được phúc lộc dồi dào, lâu bền mãi mãi, nhất là được thịnh vượng, tốt đẹp, sóng yên, biển lặng, sáng đẹp như trăng. Dân chúng tôi xin lập kham thờ, đàn tế kính bái vọng trời đất, linh thánh. Kính tấu văn!

Linh quan ngũ phương, thần vị thần linh hai xã cho đến quan liêu văn võ hai bên tả, hữu, Long thần bản xứ, Thiên binh, vạn sĩ cùng thờ tự".

Như vậy, từ triều Lý, khi Lý Nhật Quang làm Tri châu Nghệ An đã chọn đất Nghi Lộc, xã Nghi Công ngày nay để tế Nam Giao và cho lập đàn tế Nam Giao (tế trời đất) ba năm một lần. Đàn tế được lập ở đây (có ngọn núi Đại Huệ linh thiêng) nên mới có địa danh làng Thiên Phúc (phúc của trời) sau đổi gọi là làng Đa Phúc (phúc nhiều) với đất của đỉnh cao nhất (Đại Huệ), lấy làm đất tế và nước thơm của ba ngọn suối ở trên núi Đại Huệ chảy xuống, lấy làm nước tế (như văn tế đã ghi). Đây là một phát hiện rất quan trọng trong không khí cả dân tộc ta đang hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm lịch sử Thăng Long - Hà Nội.
Đào Tam Tỉnh