Anh không bao giờ dám nghĩ đến điều này: Giờ đây, anh đã có thể "đến" với Trường Sa hàng ngày. Ấy là nhờ người ta đã mang những viên đá trắng san hô bạc màu đại dương từ Trường Sa về đặt trong bảo tàng tỉnh. Và anh, bất cứ lúc nào muốn, là có thể đến đây, chiêm bái và hoài niệm về vùng đất thiêng liêng cực Đông Tổ quốc, đang cất giữ bao nhiêu kỷ niệm thời tuổi trẻ của mình. Anh vốn là một người lính biển, và đã rời xa biển cả, rời quần đảo xa xăm hơn hai chục năm nay.

Hai mươi mốt viên đá san hô đứng xếp hàng như một hàng quân trên bục trưng bày... Chúng im lặng, nhưng với anh, mỗi viên đá là một câu chuyện, một cuộc đời đầy bão giông, sóng gió. Đây là Tiên Nữ. Đây là Trường Sa Lớn, Trường Sa Đông, kia là Phan Vinh. Đây nữa này: Nam Yết, An Bang, Cô Lin...
Anh nhớ một buổi trưa tháng Năm xưa xa. Lớp lính trẻ hải quân bọn anh đầu tiên đổ bộ lên một hòn đảo chìm.

Trường Sa nước xanh quá thể. Ánh mặt trời rọi xuống những rạn san hô chấp chới. Từ chiếc tàu lớn, bước chân lên đảo chìm lấp xấp mặt nước biển, gặp lúc thủy triều dâng cao, ba lô sóng đánh ướt mèm. Lớp lính trẻ bọn anh chưa quen với đại dương, chưa quen với cái sắc nhọn của lớp hàu bám trên rạn san hô, ngã dúi dụi. Và cười...

Từ đó, bắt đầu là những ngày gian khổ, cực nhọc nhất trong đời. Bọn anh phải khiêng từng viên đá san hô chất cao, trộn vữa, đóng cọc, giằng néo pông - tông. Sau ba tháng trời vật lộn với đại dương, một ngôi nhà nổi bê tông cốt thép sắp thành hình thù, thì một cơn bão ập tới... Bão tan, ngôi nhà nổi chỉ còn lại mấy cột chống chỏng chơ. Cả trung đội của anh, từ trung đội trưởng đến từng chiến sĩ ôm nhau mà khóc! Nước mắt con trai rơi xuống biển Trường Sa, hòa thêm vị muối mặn nồng. Rồi lại bắt đầu làm lại. Khênh đá, đóng cọc, trộn vữa, ghép cốp pha, giằng néo... Đôi vai anh chai sần, hai bàn tay cũng chai sần và bàn chân thì vết hàu, san hô chém ngang dọc.

Anh đặt tay lên viên đá san hô mang về từ Trường Sa, Ấm nóng. Và nó như đang quẫy động... Anh đã nghe thấy tiếng gió Nồm. Anh đã nghe tiếng sóng biển. Và, chao ôi, có phải anh nghe nhầm hay không, tiếng thằng Minh gọi đây này... Chiều ấy, trên ngôi nhà nổi, anh nghe tiếng gọi mỗi lúc một xa dần, lẫn trong tiếng sóng hoàng hôn: "Cứu! Anh em ơi! Cứu tôi với!". Tất cả trung đội ùa ra lan can nhà nổi: Ngoài biển, cách nhà nổi chừng 200 mét, thằng Minh bơi giỏi nhất đơn vị đang bị dòng nước biển cuốn ra xa. Nó gọi, nó vẫy... Thủy triều lại đang rút dần, càng cuốn Minh đi nhanh hơn. Tiếng hét của Minh đuối dần. Thời ấy, trang bị của bộ đội ta đang còn thiếu thốn, ở các đảo chìm, trong tay chẳng hề có một con thuyền, con xuồng nào. Anh hộc tốc lao đến góc nhà dốc chiếc can đựng nước ngọt dự trữ, cho nước tuồn tuột chảy lên những hộp rau muống. Rồi anh và hai đồng đội nữa ôm can nhựa lao ra. Nhưng không kịp. Minh đã bị trôi rất xa, hai cánh tay chấp chới giữa những đợt sóng. Biển đêm ập xuống. Trung đội trưởng thét gọi các anh quay về, thảo ngay bức điện khẩn gửi đi.

Bọn anh đứng gục trên lan can nhà nổi. Hét đến khản cả giọng, nước mắt đầm đìa: Minh ơi! Minh ơi! Minh ơi! Đại dương mênh mông sâu thẳm đáp trả các anh bằng tiếng sóng ơ thờ. Từ hôm ấy, cứ mỗi buổi chiều, sau khi lau chùi vũ khí trang bị và tưới rau, bọn anh lại ra đứng trên lan can nhà nổi nhìn ra biển cả, mấy chục đôi mắt trẻ trai quét tìm trên đường chân trời, nuôi hi vọng... Nhiều đêm đang ngủ, giật mình ngỡ như nghe tiếng gọi của Minh, anh bật dậy chạy tới ôm chiếc can nhựa?!

Cho đến mãi sau này, khi đã rời quân ngũ, trở về quê nhà, lấy vợ, sinh con, thỉnh thoảng gặp lại giấc mơ ấy, anh lại bật dậy, lao đến góc nhà, có khi ôm luôn chiếc can đựng dầu ăn của vợ, định phốc ra cửa. Vợ anh bật cười: Anh ơi, không phải báo động chiến đấu đâu, anh đã hoàn thành nhiệm vụ rồi, lại đây với em!

Nhưng anh nghĩ: Mình vẫn chưa xong nhiệm vụ! Bởi lời hứa về thăm quê, thăm mẹ của Minh (bọn anh đã giao hẹn khi nào vào đất liền, sẽ đến thăm nhà nhau) từ ngày ấy đến bây giờ, anh vẫn chưa thực hiện được. Giữa cuộc sống đời thường khó khăn vất vả, có những lúc chững lại, khiến anh nôn nao nhớ Trường Sa, nhớ đồng đội, nhớ những đêm trăng Trường Sa hay nhớ nỗi nhớ đất liền...

Hai mươi mốt viên đá san hô trắng đứng trang nghiêm trên bục phủ vải nhung đỏ thắm trong bảo tàng. Hai mươi mốt viên, vừa đúng bằng quân số trung đội của anh. Và như có một khẩu lệnh vô hình từ Trường Sa vạn dặm ngoài kia, anh bước nhanh đến cuối hàng, đứng vào đội ngũ những viên đá chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Mỗi người, nếu là một viên đá nhỏ, thì Tổ quốc sẽ mãi mãi vững bền, không bão giông nào có thể nhấn chìm được!

Người đàn ông tóc hoa râm đã kể cho tôi nghe câu chuyện trên, cho biết sau khi hay tin những viên đá san hô chủ quyền quần đảo Trường Sa đã được mang về đặt tại Bảo tàng Nghệ An, ông đã làm công tác "tư tưởng", vận động vợ ông bán lứa lợn lấy tiền làm lộ phí đến đây để "gặp lại Trường Sa" - như lời ông nói. Sau đó, ông sẽ bắt xe tốc hành vào tận Khánh Hòa, thực hiện lời hứa đến thăm nhà người đồng đội cũ tên Minh đã hi sinh năm nào. Ông hứa khi quay trở về, sẽ kể cho tôi nghe câu chuyện đó...


Trần Hoài