Hùng Vương là một thời đại trong tiến trình dân tộc Việt, mang rất nhiều bí ẩn và đậm chất truyền thuyết.
Vậy nên, cũng có quá nhiều thắc mắc xung quanh niên biểu và thời gian trị vì của các vị vua Hùng: Dẫn ra một Kinh Dương Vương với quốc hiệu Xích Quỷ năm 2879 TCN; trong lúc con trai trưởng của Lạc Long Quân lên làm vua hiệu Hùng Vương đặt tên nước Văn Lang và cũng vào năm 2879 TCN để thấy rằng đây quả thực là một bài toán?
Hoặc như tôi, cũng có thể đặt câu hỏi: Ai là nhân vật "hợp hôn" với 50 người con trên núi (hoặc 50 người con ở biển) của Lạc Long Quân và Âu Cơ để có con cháu đời đời sinh sôi nảy nở là tôi và hơn 80 triệu người hôm nay trên nước Việt này? Không thể trả lời. Nhưng tôi chẳng mảy may băn khoăn tìm câu trả lời. Chỉ muốn mình đặt chân được miền Đất Tổ, thắp nén hương dâng lên 18 vị vua Hùng, mặc nhiên cúi đầu trước khoảng trống mênh mang hương khói mà tạ ân về một dạng năng lượng siêu nhiên đã truyền dũng khí cho đất nước biết gượng đứng lên trong những thời điểm tưởng chừng đã hoàn toàn sụp đổi.
Không phải Đền Hùng là Bàn thờ Tổ quốc Việt mà tôi nổi hứng phóng đại. Chỉ đặt chân lên Đền Hạ thôi cũng đã cảm nhận được hồn thiêng tụ khí đang ngùn ngụt bao trùm hết thảy cành cây ngọn lá, bao trùm ý nghĩ chưa phát ngôn của mỗi ai đang tiếp bước lên từng bậc thang lên đỉnh Núi Hồn.
Đến Đền Hùng đúng đêm khai mạc Giỗ Tổ, chọn một góc núi cheo leo ngóng xuống toàn cảnh sắc màu lễ hội, cảm giác như từ niên đại Vua Hùng đến nay dân tộc này chỉ sống trong hoà bình. Tiếng trống Đông Sơn dội vang lồng ngực...
Chạm tay vào các hiện vật thời đại Vua Hùng, tôi vẫn tin sự thật đang được vén lên theo từng lớp đất đá. Đông Sơn, là thời đại gần nhất so với các lớp trầm tích văn hóa khác như Gò Mun - Đồng Đậu - Phùng Nguyên trong tiến trình phát triển của thời đại Hùng Vương.
Do vậy việc người dân ngẫu nhiên phát hiện ra trống đồng xã Hy Cương ngay dưới chân núi Nghĩa Lĩnh ngày 7 tháng 8 năm 1990 là một minh chứng sáng nhất cho sự tồn tại kỹ thuật bậc cao chỉ có thể có dưới một thể chế chính trị phát triển và ổn định vùng Đông Nam Á thuộc thời đại Đồ Đồng. Vì sao? Lịch sử nhân loại gắn liền với vô vàn những cuộc xâm lăng và những cuộc đấu tranh giữ yên bờ cõi. Tiếng trống là sự thúc dục niềm kiêu hãnh về mảnh đất các tướng lĩnh đang đứng, cũng là "làm dịu" tính hung hãn của giặc Thương - Ân luôn biết cách dày xéo lên những gì không thuộc về họ.
Tiếng trống trong thời đại Hùng Vương là lời hiệu triệu hùng tráng đẩy lùi giặc dã. Tiếng trống hân hoan cuồng nhiệt trong niềm vui gắn kết các bộ lạc anh em, trai gái vui vầy hẹn ước. Tiếng trống cũng là lời kinh cuối cùng, nguyện yên lòng người đi về chân trời khác. Ngày nay, kế thừa ngày hội Trống Đồng của dân tộc Mường ở vùng đất Thanh Sơn, tại Đền Hùng đúng ngày Giỗ Tổ các Vua Hùng mùng 10 tháng 3 âm lịch, lễ đánh trống đồng được khôi phục và là một điểm nhấn đậm sắc tâm linh nguồn cội.
Trên thế giới, không cuộc chiến tranh nào khó giải quyết hơn xung đột tôn giáo. Nói khác đi, không có niềm tin nào thấm hơn khi con người chìm vào tâm linh. Hãy nhìn dòng người kìn kịt từ khắp miền nước Việt nối nhau đặt chân lên từng bậc thang lên dâng hương Đền Hùng mới biết được sức mạnh vô bờ như chính sức mạnh từng giữ yên bờ cõi nối dài tới thời đại Lý - Trần và thật hào khí mới cách đây ba bốn chục năm thôi.
Lần đầu tiên về miền Đất Tổ, cũng là đêm đầu tiên Quốc Giỗ được tiến hành, thời gian chỉ cho phép trong 2 giờ đồng hồ, tôi đã bỏ lại khán trường rực rỡ đèn hoa, bỏ lại cuộc trình diễn của hàng trăm nam thanh nữ tú là diễn viên chuyên nghiệp đầy sức trẻ và cả hương núi sắc rừng của vũ nữ Tà Xèng, Thái, Mường... mang hơi thở hoang dã lẫn vào điệu múa chao đảo buôn làng, leo lên Đền Hạ - Đền Trung - Đền Thượng - nơi ngọn gió từ Biển và Núi của một trăm người con của Lạc Long Quân và Âu Cơ đã lớn lên và khoẻ mạnh giữa bao thăng trầm loạn lạc của thời đại Mẹ - Cha.
Nằm trong quần thể Di tích Đền Hùng, Giếng Ngọc có thể ví như chiếc gương, ai đến Đền Hùng dâng hương, cũng nên ngắm lại khuôn mặt từ đó mà soi lại tâm mình. Tôi ngồi trên núi Nghĩa Lĩnh vi vu gió mà nhớ về một ngày đẹp trời Vua Hùng thứ 18 đã dẫn vợ con và quần thần lên tại đây thanh lọc tâm hồn, cầu trời cho dân tình được no ấm, xã hội phồn vinh thịnh trị, tích đức cho muôn đời con cháu tiếp tục nối dõi đế nghiệp...
Cũng như tôi, hẳn rất nhiều nhà thơ đã soi khuôn mặt của mình xuống lòng giếng trong vắt để hình dung ra bóng dáng của Tiên Dung và Ngọc Hoa ẩn hiện trong mây trời bảng lảng. Không ai muốn múc một ngụm nước như hai nàng đã uống sương trời tụ lại trong giếng Ngọc, sợ làn sóng nhẹ sẽ xóa đi dung nhan hiện trên nền trí tưởng của thi sĩ. Chỉ khác một điều, tôi không nảy ra một ngôn từ mĩ miều nào dành cho nguồn nước thiêng dường như vô tận, âm ỉ chảy ra từ lòng núi kể từ thế kỷ 17, khi đền Giếng được dựng nên để thờ giọt Ngọc!