image_4301747_1852020.jpgDịch Covid-19 đã khiến hơn 310.000 người tử vong trên toàn cầu và gây ra những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế. Ảnh: AFP

Cuộc họp Đại hội đồng Tổ chức Y tế thế giới lần này bị cắt thời lượng từ 3 tuần như thông lệ xuống chỉ còn 2 ngày (18 và 19/5), dự kiến tập trung gần như duy nhất vào chủ đề Covid-19, chủng mới virus Corona đã khiến hơn 310.000 người trên toàn cầu tử vong và lây nhiễm cho gần 4,7 triệu người.

Nhiều nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu các chính phủ, các bộ trưởng y tế và nhiều quan chức khác dự kiến sẽ dự cuộc họp theo kế hoạch khai mạc vào trưa 18/5.

Người đứng đầu WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm 15/5 nói rằng, sự kiện lần này sẽ là “một trong những phiên họp hội đồng quan trọng nhất kể từ lúc tổ chức thành lập năm 1948”.

Tuy nhiên, khả năng đạt thỏa thuận về các biện pháp toàn cầu nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay có thể bị đe dọa trước các quan hệ đang xấu đi nhanh chóng giữa 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới do đại dịch.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tuần trước đã dọa cắt đứt quan hệ với Trung Quốc, nơi ổ dịch xuất hiện cuối năm ngoái, do vai trò của nước này trong sự lây lan dịch Covid-19 và nhiều lần đưa ra các cáo buộc thiếu căn cứ rằng virus bắt nguồn từ một phòng xét nghiệm của Trung Quốc.

Ông Trump cũng đã ngừng tài trợ cho WHO, cáo buộc tổ chức này ban đầu xem nhẹ mức độ nghiêm trọng của bệnh dịch và luồn cúi trước Bắc Kinh.

Dẫu căng thẳng, các quốc gia vẫn hy vọng đồng thuận thông qua một nghị quyết hối thúc phản ứng chung trước đại dịch.

Nghị quyết này do Liên minh châu Âu (EU) đệ trình, kêu gọi “đánh giá công bằng, độc lập và toàn diện” phản ứng quốc tế trước cuộc khủng hoảng Covid.

Các cuộc tham vấn quanh nội dung dự thảo đã khép lại hồi tuần trước sau các cuộc đàm phán “gian nan”, như Nora Kronig - người đứng đầu bộ phận phụ trách các vấn đề quốc tế thuộc cơ quan y tế Thụy Sỹ cho biết.

Sau vài ngày, một thỏa thuận dự kiến đã đạt được nhằm phê chuẩn nghị quyết, kêu gọi quyền tiếp cận công bằng hơn đối với các xét nghiệm, thiết bị y tế, các phương án điều trị khả thi và vắc-xin có thể sản xuất trong tương lai.