Trang Worldometers thống kê, tính đến sáng sớm ngày 17/5 (theo giờ Việt Nam), virus Corona chủng mới đã tấn công 213 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, lây nhiễm cho hơn 4,7 triệu người và khiến ít nhất 312.221 trường hợp trong số đó thiệt mạng. Tuy nhiên, thế giới cũng chứng kiến hơn 1,8 triệu bệnh nhânCovid-19 đã hồi phục sau điều trị.
Cho đến thời điểm hiện tại, nhiều quốc gia trên thế giới đã chấm dứt hoặc nới lỏng các biện pháp phong tỏa khi tình hình dịch trong nước có dấu hiệu ổn định. Tại châu Âu, một trong các tâm chấn của đại dịch Covid-19 toàn cầu, các bãi biển đã bắt đầu tái mở cửa đúng vào đợt nắng nóng đầu tiên. Châu lục này cũng đang chuẩn bị cho các trận đấu đầu tiên thuộc giải Vô địch bóng đá quốc gia Đức (Bundesliga) quay trở lại sau hơn 1 tháng phải tạm dừng.
Tuy nhiên, WHO cảnh báo những quốc gia nói trên nên thận trọng, coi đây là "thời điểm để chuẩn bị, chứ không phải để ăn mừng" nhằm tránh nguy cơ tái bùng phát làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới vào mùa đông tới đây.
Trung Quốc đối mặt thách thức lớn vì nguy cơ bùng phát dịch hai
Tiến sĩ Chung Nam Sơn, nhà dịch tễ học nổi tiếng đang giữ vai trò cố vấn y tế cấp cao cho Chính phủ Trung Quốc trong cuộc chiến chống Covid-19 cho biết, nước này vẫn đang đối mặt với thách thức lớn từ nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm virus Corona chủng mới lần thứ hai vì thiếu miễn dịch.
Trong cuộc phỏng vấn độc quyền với CNN, ông Chung thừa nhận, nhà chức trách đại lục không nên tự mãn trước những thành công bước đầu trong công tác dập dịch. Sau khi tuyên bố không chế được dịch thành công, Bắc Kinh đã cho nới lỏng các biện pháp phong tỏa toàn quốc hồi tháng trước. Một số trường học và doanh nghiệp trên khắp cả nước đã được phép mở cửa trở lại.
Song, trước sự gia tăng trở lại các ca nhiễm mới Covid-19 trong cộng đồng ở một số địa phương, nhà chức trách Trung Quốc đã phải cho phong tỏa thành phố gần 11 triệu dân Cáp Nhĩ Tân, thủ phủ của tỉnh Hắc Long Giang hồi cuối tháng 4 và đang áp dụng biện pháp tương tự với thành phố Thư Lan, thuộc tỉnh Cát Lâm, giáp biên giới Triều Tiên.
Tính đến sáng ngày 17/5, Trung Quốc đã bị Ấn Độ soán ngôi vùng dịch lớn nhất châu Á, với tổng số ca mắc Covid-19 là 82.941 người, tăng 8 người so với 1 ngày trước đó và tổng số ca tử vong giữ nguyên trong nhiều ngày qua là 4.633 người.
Italia thận trọng nới lỏng phong tỏa
Thủ tướng Italia Giuseppe Conte tuyên bố, nước này cần phải thận trọng tái mở nền kinh tế đất nước, có tính toán đến rủi ro của việc trỗi dậy đường cong dịch bệnh một lần nữa. Phát biểu của ông Conte được đưa ra khi các quan chức y tế Italia thông báo, nước này có thêm 153 ca tử vong vì Covid-19 trong ngày 16/5, mức thấp nhất kể từ khi chính phủ bắt đầu áp lệnh phong tỏa trên toàn quốc nhằm dập dịch hồi tháng 3.
Nhà chức trách địa phương đã bắt đầu nới lỏng một số biện pháp hạn chế và dự kiến sẽ tiếp tục làm điều này vào đầu tuần tới. Các cửa hàng bán lẻ, nhà hàng và khách sạn được khuyến nghị phải kiểm tra thân nhiệt khách hàng, yêu cầu họ đeo khẩu trang và duy trì giãn cách xã hội nhằm phòng, chống sự lây lan của virus Corona chủng mới. Ông Conte thông báo, Italia cũng sẽ dỡ bỏ lệnh giới hạn đi lại đối với những du khách xuất phát từ các nước châu Âu vào ngày 3/6.
Italia hiện là một trong những "điểm nóng" về dịch Covid-19 với gần 225.000 ca dương tính với virus Corona chủng mới và ít nhất 31.763 bệnh nhân trong số đó đã thiệt mạng.
Barack Obama chỉ trích các quan chức Mỹ về cách ứng phó dịch
Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 16/5 bất ngờ lên tiếng chỉ trích một số quan chức có nhiệm vụ giám sát cuộc chiến chống Covid-19 của nước này.
Theo AP, phát biểu trước các sinh viên mới tốt nghiệp trong một sự kiện phát sóng trực tiếp 2 giờ đồng hồ trên cả YouTube, Facebook và Twitter, ông Obama nhấn mạnh, dịch Covid-19 cho thấy nhiều quan chức Mỹ "thậm chí còn không cố tỏ ra chịu trách nhiệm" về cách ứng phó với cuộc khủng hoảng do virus Corona chủng mới gây ra.
Ông Obama không đề cập đến tên của Tổng thống Donald Trump hay bất kỳ quan chức liên bang hoặc tiểu bang nào của Mỹ. Song, các phát biểu mới của cựu tổng thống dường như đã cho thấy sự không hài lòng của ông đối với những gì Washington đang làm để phòng, chống dịch bệnh.
Mỹ hiện vẫn là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì dịch Covid-19, với tổng số ca nhiễm (hơn 1,5 triệu người) và tổng số ca tử vong (89.451 người) đều cao nhất thế giới, tính đến hết ngày 16/5.