Sự nổi lên của lao động phi chính thức
Khác với lao động trong nền kinh tế chính thức được bảo vệ về mặt pháp lý và xã hội, lao động phi chính thức phải kiếm sống trong cảnh không có mạng lưới an sinh. Những người này chủ yếu là phụ nữ và hầu hết tự kiếm việc để làm, đủ loại nghề như buôn bán ở vỉa hè, giúp việc nhà, xe lai, ve chai… Một số lại làm lao động thời vụ trả công nhật trong các nhà máy, trang trại, và các doanh nghiệp chính thức khác không triển khai đầy đủ quyền lợi hay bảo vệ cho tất cả lao động làm việc cho họ.
Cuộc khủng hoảng trong nền kinh tế phi chính thức không chỉ đang tác động đến các nước nghèo, mà cả các nước giàu cũng chịu cảnh tương tự. Gần 1/5 lao động tại Mỹ là phi chính thức, và họ đặc biệt mong manh trước mối đe dọa về sức khỏe mà Covid-19 đặt ra, cũng như những hậu quả mà nó đưa đến. Nói đến lao động phi chính thức ở Mỹ hiện người ta thường liên tưởng đến hình ảnh tài xế taxi công nghệ như Uber chẳng hạn, nhưng bước chuyển sang nền kinh tế phi chính thức quy mô lớn hơn đã khởi xướng từ thời Tổng thống Ronald Reagan.
Quy định đối với chủ lao động nới lỏng sau năm 1980, cho phép các doanh nghiệp dần san bớt rủi ro cho nhà thầu phụ, lao động công nhật và những lao động khác linh hoạt về giờ giấc. Sự thiếu vắng các biện pháp bảo vệ người lao động giờ đây khiến cuộc khủng hoảng Covid-19 trở nên hết sức nghiêm trọng tại Mỹ: đó không chỉ là khủng hoảng về y tế hay kinh tế, mà sâu xa hơn là khủng hoảng xã hội dai dẳng suốt nhiều thập niên qua.
Ở các nước đang phát triển, đại dịch đã phơi bày những mối bất bình đẳng xã hội thâm căn cố đế. Tại Ấn Độ, nơi tới 90% việc làm là phi chính thức, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) ước tính rằng, hơn 400 triệu lao động có thể sẽ chìm sâu vào đói nghèo (thu nhập dưới 2 USD/ngày) do lệnh phong tỏa toàn quốc ban bố ngày 24/3. Sự hiện diện quy mô lớn của kinh tế phi chính thức tại nhiều nước nghèo cũng tăng nguy cơ Covid-19 lây lan trong bộ phận lao động dễ bị tổn thương nhất, vốn phụ thuộc vào thu nhập kiếm được mỗi ngày và nếu không làm việc thì không có gì để trang trải.
Họ đối diện với nhiều nguy cơ về sức khỏe như dinh dưỡng nghèo nàn, thiếu vệ sinh, bệnh mãn tính do ô nhiễm không khí và nước. Bởi vậy, cũng không có gì lại khi lao động phi chính thức tại Colombia, Malawi, Uganda,… đã biểu tình đòi hỗ trợ khẩn cấp. Thế nhưng, chỉ vài chính phủ đã có những bước đi nhỏ để hỗ trợ lao động phi chính thức trong cuộc khủng hoảng hiện nay. Đơn cử, tại Peru, nơi khoảng 3/4 số việc làm là phi chính thức, những lao động nghèo nhất đã được cấp khoản tiền vào khoảng 100 USD.
Trong những yếu tố nguy cơ lớn nhất đối với Covid-19 có sự bất bình đẳng về xã hội và kinh tế, được phóng đại thêm nhờ kinh tế phi chính thức. Nhiều lao động phi chính thức vốn đã đối diện với rủi ro nay đột nhiên còn bị phân vào nhóm “thiết yếu”, có trọng trách duy trì hoạt động của nền kinh tế trong đại dịch kể cả khi họ không được hưởng những sự bảo vệ lao động căn bản.
Số này bao gồm nhân viên nhà hàng, những người làm việc trong trang trại, người dọn dẹp vệ sinh, giao hàng… - không một ai có thể làm việc từ xa tại nhà. Nhờ bộ phận lao động này, những người Mỹ giàu có hơn có thể bình an ngồi nhà làm việc mà không phải phơi nhiễm với virus. Phần còn lại của kinh tế chính thức lại phụ thuộc nhiều vào hàng hóa và dịch vụ do lao động phi chính thức làm ra và giao nhận cho.
Hiện vẫn chưa rõ liệu các biện pháp khẩn cấp được Quốc hội Mỹ thông qua, phân bổ hơn 2 nghìn tỷ USD, sẽ giúp đỡ lao động phi chính thức như thế nào, bởi các biện pháp này chứa đựng những yêu cầu hết sức phiền hà và cả những lỗ hổng lớn. Rõ ràng, đại dịch đã làm sâu sắc thêm tình cảnh bấp bênh của lao động phi chính thức tại Mỹ, cũng như tại Ấn Độ hay các nước đang phát triển khác. Nhiều lao động hiện không biết sẽ lấy gì để chi trả bữa ăn tiếp theo, chứ chưa nói đến tiền thuê nhà, và tình cảnh này càng khiến họ phải tiếp tục làm việc bất chấp rủi ro.
Điểm tới hạn
Những cuộc khủng hoảng lớn đôi lúc sẽ phô bày gốc rễ nguyên do dẫn tới các vấn đề xã hội và kinh tế, khuyến khích cải tổ và thay đổi. Như cuộc Đại khủng hoảng dẫn tới Thỏa thuận mới, tạo nền tảng cho một giao kèo xã hội mới được củng cố thêm trong những năm sau Thế chiến 2, đặt ra các mạng lưới an sinh xã hội là nền tảng cho thương lượng tập thể, tạo điều kiện để tầng lớp trung lưu phát triển, mở rộng bảo vệ xã hội và pháp lý cho người lao động, và chính thức hóa an ninh kinh tế đối với hầu hết người lao động.
Tuy nhiên, kể từ sau đó, các cuộc khủng hoảng kinh tế lại gây tác động đối lập. Tại Mỹ, chúng tạo điều kiện để giới lập pháp rút bớt các chương trình phúc lợi hiện có, nới lỏng quy định, “bêu xấu” người nhập cư và bảo lãnh cho các tập đoàn vốn thường dùng lao động phi chính thức để đảm nhiệm những công việc nặng nề nhất. Nhìn lại, 5 cuộc khủng hoảng lớn từ thập niên 70 tới nay đã làm xói mòn phần lớn mạng lưới an sinh xã hội của xứ cờ hoa, đẩy nhiều lao động phải bước vào kinh tế phi chính thức.
Nhưng đã đến lúc phải xem lại, đại dịch Covid-19 đã thôi thúc sự đoàn kết gia tăng. Nhiều tổ chức đã nỗ lực bảo vệ lao động phi chính thức và trám đầy lỗ hổng mà các chương trình chính phủ để lại ở nhiều thành phố của Mỹ. Dẫu rằng nỗ lực của họ rất quan trọng, song thế là chưa đủ. Nếu người dân Mỹ, hay người dân bất cứ quốc gia nào khác muốn giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng hiện hành, và sẵn sàng ứng phó với những kịch bản xấu khác trong tương lai, thì cốt yếu là họ phải mở rộng mạng lưới an sinh xã hội và tăng các biện pháp bảo vệ đối với lao động phi chính thức.
Cần nhận thức rõ rằng, không phải các lệnh phong tỏa gây ra bất ổn về kinh tế mà “thủ phạm” chính là sự phi chính thức hóa nền kinh tế diễn ra trong những thập niên qua. Để có được một xã hội vững chắc hơn, một quốc gia hùng mạnh hơn, cần phải thừa nhận tầm quan trọng của kinh tế phi chính thức, tận dụng các chương trình giảm thiểu tác động của Covid-19 để đòi hỏi và có được những sự bảo vệ to lớn hơn đối với toàn thể người lao động, chính thức hóa kinh tế phi chính thức.