Bên cạnh những kết quả đạt được, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" còn bộc lộ một số hạn chế, yếu kém cần khắc phục. Đó là, nhận thức về mục đích, ý nghĩa xây dựng phong trào của một số cấp ủy và chính quyền địa phương chưa sâu sắc, chưa toàn diện, nhất là gắn với phát triển kinh tế, xã hội của địa phương và đất nước.
Công tác phối hợp giữa các cơ quan thành viên Ban chỉ đạo Trung ương và Ban chỉ đạo một số địa phương chưa chặt chẽ, thường xuyên. Bình xét các danh hiệu văn hóa ở một số địa phương còn dễ dãi, không thực hiện đúng văn bản hướng dẫn, quy định của Trung ương…
Tại hội nghị, đại diện các tỉnh, thành, các gia tộc… đã báo cáo những kết quả đã đạt được trong xây dựng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"; đồng thời, đề xuất phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện phong trào trong thời gian tới.
Thời gian tới, Ban chỉ đạo Trung ương cần xây dựng kế hoạch, kiểm tra thực hiện toàn diện, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng hiệu quả, bám sát thực tiễn, trọng tâm, trọng điểm; tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia hưởng ứng thực hiện tốt các nội dung phong trào, nhân rộng những gương điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt trong thực hiện phong trào, những cách làm hay, những vận dụng sáng tạo trong tuyên truyền, vận động; thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, khách quan, công bằng việc bình xét các danh hiệu văn hóa theo đúng quy định;
Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, hỗ trợ các phong trào, tạo mọi điều kiện cần thiết để người dân chủ động tự tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao để nâng cao đời sống văn hóa ở cơ sở… Cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là tại cấp huyện, dành nguồn lực và thời gian hơn nữa cho phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa.
Đồng chí Nguyễn Xuân Sơn đề nghị sau hội nghị này, các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt để phong trào có sự chuyển biến mới, mạnh mẽ.