Đồng chí Lê Minh Thông - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Tham dự có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan. Ảnh: Phước Anh Ban chỉ đạo (TD ĐKXDĐSVH) hiện có 32 ngành thành viên, Ban chỉ đạo công tác gia đình có 19 ngành thành viên và cơ bản ngành thành viên của 2 ban chỉ đạo này trùng nhau. Ông Trần Quốc Khánh - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy nói: “Câu chuyện 2 ban chỉ đạo, 1 ngành tham mưu (Sở VH&TT) và trùng lặp về ngành thành viên này đã được đề cập trong cuộc họp cuối năm 2017. Tôi nghĩ sáp nhập là cần thiết. Được biết, hiện Trung ương chưa có văn bản nào hướng dẫn vấn đề này, nhưng vấn đề nảy sinh từ cơ sở thì chúng ta nên có báo cáo kiến nghị, đề xuất để điều chỉnh hợp lý”.
Đồng bào dân tộc Thái ở miền Tây Nghệ An vui hội đầu xuân. Ảnh: Thành Cường Về chất lượng hoạt động của ban chỉ đạo, nhiều đại biểu cũng đánh giá thẳng thắn rằng, việc thực hiện chế độ báo cáo và đi kiểm tra phong trào TD ĐKXDĐSVH của một số ngành thành viên vẫn chưa đầy đủ. “Đề nghị gắn trách nhiệm của từng ngành để thấy rõ sự tham gia, vai trò trách nhiệm, nâng cao chất lượng hoạt động của các ban chỉ đạo” - ông Trần Quốc Khánh nêu ý kiến.
Kết quả phong trào TD ĐKXDĐSVH và công tác gia đình 6 tháng đầu năm có những chuyển biến đáng ghi nhận. Theo đó, công tác quản lý nhà nước với hoạt động lễ hội được tăng cường, thực hiện nghiêm túc. Các hoạt động văn hóa, thể thao quần chúng, lễ hội, thiết chế văn hóa - thể thao được tổ chức hướng về cơ sở nhiều hơn.
Bên cạnh đó, xây dựng thiết chế văn hóa - thể thao gắn với phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh được các địa phương quan tâm; huy động nội lực từ nhân dân và các nguồn lực hợp pháp để xây dựng, nhất là đối với nhà văn hóa, sân thể thao thôn, xóm…
6 tháng đầu năm 2018, các nội dung tuyên truyền về giáo dục truyền thống gia đình, bảo vệ, chăm sóc trẻ em, thực hiện nếp sống mới… được đẩy mạnh. Ngày càng có nhiều gia đình thực hiện mô hình ít con và có điều kiện tốt hơn để phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, xây dựng gia đình hạnh phúc…
Thi đấu bóng chuyền tại Lễ hội Làng Sen. Ảnh tư liệu Tuy vậy, theo ông Vương Quang Minh - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, tỷ lệ gia đình văn hóa và khu dân cư văn hóa khá cao, nhưng về chất lượng thì vẫn còn nhiều điều đáng bàn. “Giờ trong 1 làng văn hóa nhưng tệ nạn xã hội: ma túy, trộm cắp… vẫn còn. Ý thức của một bộ phận nhân dân về sự vươn lên xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống ấm no còn dựa dẫm. Đây cũng là thực tế và lực cản cho các hoạt động” - ông Minh nói.
Ngoài ra, việc chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền một số địa phương vẫn còn thiếu cụ thể, triển khai văn bản chỉ đạo của tỉnh còn chậm, chất lượng tham mưu chưa cao. Nhận thức của một bộ phận người dân về văn hóa và gia đình còn chưa thật đầy đủ, tâm lý trọng nam khinh nữ, bạo lực gia đình và tình trạng tảo hôn vẫn diễn ra ở một số huyện…
Sau khi lắng nghe các ý kiến phát biểu, các thành viên 2 ban chỉ đạo nhất trí các nội dung nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động 6 tháng cuối năm. Theo đó, sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền; tăng cường phối hợp chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc; đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa, xây dựng mô hình, điển hình văn hóa các cấp…
Về ý kiến sáp nhập 2 ban chỉ đạo, các thành viên ban chỉ đạo cho rằng nên nghiên cứu, đề xuất với các cấp có thẩm quyền để có hướng đi phù hợp. Cũng sau hội nghị này, ban chỉ đạo sẽ tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản nhắc nhở, chấn chỉnh các ngành thành viên nâng cao trách nhiệm trong việc thực hiện chế độ báo cáo và đi kiểm tra phong trào ở cơ sở.
6 tháng cuối năm, Ban chỉ đạo phong trào TD ĐKXDĐSVH và công tác gia đình đặt mục tiêu tiếp tục nâng cao chất lượng các hoạt động. Cụ thể, phấn đấu đến hết năm 2018, toàn tỉnh có 83,5% gia đình văn hóa; 60% làng, bản, khối phố văn hóa; 45% xã, phường, thị trấn có thiết chế văn hóa - thể thao đạt chuẩn; 33% số dân thường xuyên tham gia luyện tập thể dục thể thao; 22,7% gia đình thể thao…