(Baonghean) - Có lẽ đó là mô hình trang trại độc nhất vô nhị ở Nghệ An. Bằng ý chí và nghị lực, chàng trai người Mông đã xây dựng nên một trang trại trù phú trên đỉnh núi đá quanh năm sương trắng Pu Lan để nhiều người Mông khác ở Huồi Tụ, Mường Lống … nơi huyện rẻo cao Kỳ Sơn học tập. Chàng trai ấy là Vừ Bá Lềnh ở bản Huồi Giảng, xã Tây Sơn (Kỳ Sơn).

Trang trại của Vừ Bá Lềnh ở trên đỉnh núi đá Pu Lan (cao 1.400m so với mực nước biển). Có người lên đây đã dí dỏm nói: Lên trang trại của Lềnh phải vén mây, vịn đá mà đi. Cuộc kiến tạo địa tầng của thiên nhiên đã tạo nên một Pu Lan hoang sơ, hùng vĩ nay được tô điểm thêm vẻ đẹp vườn “hoa thơm, trái ngọt” của ông chủ trẻ người Mông Vừ Bá Lềnh.

Vừ Bá Lềnh nhớ lại những ngày tháng vất vả. Năm 2006, Lềnh cưới cô vợ xinh người đẹp nết có tên là Xồng Y Mò, vợ chồng ra ở riêng chỉ là túp lều tranh dựng bên sườn núi. Quanh năm quần quật làm ăn nhưng đói nghèo vẫn luôn bám riết. Kế sinh nhai dựa vào suốt tháng ngày “chọc lỗ, tra hạt”, đốt hết rừng xa, rừng gần làm rẫy. Vùng đất nào cho mãi rồi cũng khô cằn cạn kiệt. Phải nghĩ cách để thoát đói nghèo thôi. Lềnh bàn với Y Mò là phải tìm được vùng đất để xây dựng mô hình trang trại, để “bắt” trang trại phải “đẻ” ra tiền  thoát nghèo. Nhưng địa thế Tây Sơn vốn nổi tiếng hiểm trở bậc nhất ở Kỳ Sơn. Tây Sơn có mấy cái nhất, là xã ở cao nhất, những con dốc hiểm trở dài nhất (có những con dốc leo ngược trời dài gần 15 km).

Khó khăn là vậy, nhưng Vừ Bá Lềnh vẫn kiên trì gần năm trời leo lên biết bao đỉnh núi cao để tìm nơi làm trang trại. Lềnh tâm sự: Có khi tìm được những sườn núi có thể làm được trang trại lại không có nguồn nước, nên đành phải bỏ đi tìm ngọn núi khác. Và cuối cùng sự kiên trì giúp Lềnh đã tìm được Pu Lan...

Sau khi đã quyết định “lập nghiệp” ở Pu Lan, Lềnh lên UBND xã xin xây dựng mô trình trang trại. Lãnh đạo xã lắc đầu ngán ngẩm bởi ai cũng biết muốn lên được đỉnh Pu Lan phải đi vòng quanh các sườn núi có đoạn vách đá dựng đứng, có đoạn lởm chởm thung lũng đá tai mèo nhọn hoắt như những hàm cá mập, nếu không may sẩy chân chỉ có tan xác. Nhưng cuối cùng lãnh đạo xã cũng quyết định cho Lềnh lên Pu Lan thử sức. Ngày Lềnh lên Pu Lan chinh phục “đại ngàn đá”, bà con bản làng ai cũng cho Lềnh là hâm, ai đời lại lên cái đỉnh núi đá chót vót mà làm trang trại. Nhưng ý Lềnh đã quyết thì không thể ai ngăn cản được. Lềnh tự tìm được con đường đi tắt dẫn lên đỉnh núi. Đứng trên đỉnh núi cao nhìn xuống, Lềnh đã suy nghĩ, muốn xây dựng trang trại thành công thì trước mắt phải mở được con đường lên Pu Lan. Suốt ngày người dân thấy Lềnh với cây xà beng, cuốc thuổng đục đẽo những tảng đá tai mèo thành những “bậc thang đá” để làm đường lên xuống trang trại. Địa hình đỉnh Pu Lan sườn dốc, mưa lớn tạo ra nhiều khe suối từ trên núi cao xuống. Vì vậy, sau khi khoanh vùng trang trại rộng hơn 6 ha, Lềnh tiếp tục phải cải tạo, dùng xà beng khoét, cạy đá đào thành con mương sâu bao bọc xung quanh để tránh cho trang trại bị sạt lở khi mưa lớn.

Những ngày đầu, để đảm bảo cái ăn cho gia đình, vợ chồng Lềnh trồng ngô, trồng lúa trong hốc đá như bà con ở vùng cao nguyên đá Hà Giang. Vách đá trơn tuột, trồng các loại cây màu ngắn ngày vào những hố đá nhỏ xíu ấy có khi mưa đến xói hết, lại phải đi cõng đất mùn nơi khác đổ vào hốc đá trồng lại. Hàng ngày như con o­ng cần mẫn, Lềnh làm công việc quen thuộc là cạy những tảng đá có thể vừa sức mình để tạo mặt bằng dựng nhà và làm chuồng chăn nuôi dê, lợn … Khó ai có thể tin được chỉ bằng sức người (bởi máy móc không thể leo lên đỉnh Pu Lan được), Vừ Bá Lềnh đã cơ bản cải tạo được 6 ha trang trại mà chủ yếu là núi đá.

Len lỏi trong màn sương giăng, chúng tôi thăm trang trại của Vừ Bá Lềnh. Khí trời thật trong lành, mây phủ kín cả trang trại. Lềnh nói: Khí hậu ở miền Tây Sơn cũng gần giống ở Mường Lống, ngày có 4 mùa, đang nắng bỗng sương mây ập đến. Hoa đào ở đây nở cả vào mùa hè. Đang mải ngắm mây trời thì Lềnh gọi to bằng mấy tiếng Mông, đàn lợn bỗng từ trong những hốc đá chui ra. Lềnh kể: Năm 2008, bằng nguồn vốn vay xoá đói giảm nghèo của huyện được hơn 5 triệu đồng, Lềnh chỉ đủ mua 1 lợn nái và làm tạm chuồng thì đến nay Lềnh đã có 5 lợn nái, hàng năm xuất bán gần 100 lợn con. Lợn ở đây cứ thả rông trong “trang trại đá”. Lềnh có biệt tài huấn luyện được đàn lợn, cứ nghe chủ gọi là chúng rủ nhau về ăn. Năm 2009 được Nhà nước hỗ trợ lồng ghép từ các nguồn vốn Chương trình 135, Chương trình 30a,  Lềnh đã nuôi được 2 con bò mẹ, đến thời điểm này Lềnh đã nhân lên được 14 con bò. Để đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn bò, vợ chồng Lềnh đã trồng 0,5 ha cỏ voi ở sườn núi. Nhờ chăm sóc đúng quy trình, tiêm phòng theo định kỳ nên đàn bò sinh trưởng tốt.

788717_small_89644.jpg

                                Mô hình nuôi lợn nít của anh Vừ Bá Lềnh.

Trời đã xế chiều, tiếng lục lạc rộn vang, đàn bò của Lềnh đang “ngược trời” để về Pu Lan, nom con nào cũng lông vàng mượt béo khỏe. Lềnh dẫn tôi sang khu vực núi đá khác và chỉ tay nói, khu này núi đá dốc hơn vợ chồng em đã quy hoạch để nuôi dê, hiện đã có trên 30 con dê, còn vùng ẩm thấp khe suối thì bọn em đã thử nghiệm nuôi cả ngan, vịt, gà đen. Năm nay dự định từ tiền bán bò, lợn, ngô, sắn trừ chi phí Lềnh cũng lãi khoảng gần 200 triệu đồng.

Lềnh tâm sự: Vợ chồng em sẽ không bỏ số tiền ấy vào “dạ dày” mà tiếp tục đầu tư tái xây dựng cho trang trại, như cải tạo xây dựng thêm chuồng lợn, chuồng bò, chuồng dê, chuồng gà … mở rộng quy mô trồng cỏ voi, ngô, sắn và đưa cả cây mận vào. Vùng này cây “đào đá” tự nhiên khá nhiều, hoa nở đẹp, thế cành đa dạng, Lềnh dự định sẽ nhân rộng “đào đá” trở thành “đặc sản” của đào Mông cung cấp cho thị trường Tết dưới xuôi.

Tiễn tôi xuống núi, Lềnh nắm tay tôi với bàn tay thô ráp và rắn chắc như viên gạch. Trong sương mây, tôi vẫn vẫn thấy Lềnh đang chinh phục “đại ngàn đá” Pu Lan làm giàu trên chính quê mình.


Văn Trường