(Baonghean) - Trước thông tin giá thu mua keo nguyên liệu trên thị trường quá thấp, làm nông dân trồng keo chán nản, chúng tôi đã có chuyến khảo sát thực tế thị trường tại một số địa phương thuộc khu vực Bắc Trung bộ như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh để biết được mức giá cụ thể, cũng như tỉ suất lợi nhuận của người nông dân trên một ha đất trồng keo.

Tại một số huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa, nhiều nông dân trồng keo cho biết, giá mỗi héc ta keo có độ tuổi từ 5-6 năm nếu bán “quạ” cho thương lái chỉ được trên dưới 30 triệu đồng. Nếu khai thác hoàn tất bốc lên xe mỗi kg thương lái cũng chỉ trả được trên 500 đồng; còn với giá đền bù nếu vườn keo 2-3 năm tuổi, khi giải phóng mặt bằng để giao đất cho doanh nghiệp thì chỉ được 4-5 triệu đồng/ha.

788751_small_89684.jpg

                                    Thu mua keo ở xã Hội Sơn (Anh Sơn).

Tại Hà Tĩnh, theo ông Hán Duy Anh, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp, thì giá keo nguyên liệu chẳng có quy định bao nhiêu cả, bởi khi thuận lợi thì một số nhà máy tiêu thụ họ mua cho nông dân giá hơi nhích một chút ít, nhưng khi nông dân sản xuất diện tích keo đại trà, hoặc đường tiêu thụ có sự cố là giá thu mua của nhà máy và các đầu nậu đều lên xuống thất thường, thậm chí có khi giá tụt xuống hơn một nửa so với giá bình thường. Vì thế, tính giá trị mỗi ha keo từ 6 năm tuổi, thương lái chỉ mua với giá 25-30 triệu đồng. Tính ra 6 năm chi phí đầu tư trồng, chăm sóc, bảo vệ chỉ thu được chừng ấy tiền thì không thể bù chi, nên nông dân làm mà không có ăn từ nghề trồng keo là thế đó.

Để cụ thể hơn về thăng trầm của nghề trồng keo, chúng tôi tìm hiểu ở một số huyên miền núi thuộc tỉnh Nghệ An, địa phương có phong trào trồng keo rộng khắp, để xem nông dân nơi đây có khấm khá hơn so với một số tỉnh hay không. Anh Lê Ngọc Cường, xóm 13, xã Thanh Hương (Thanh Chương) cho biết: Một ha trồng được khoảng 1.600 cây keo, sau 6 – 7 năm thì có thể thu hoạch, trung bình mỗi cây đạt 35 - 40 kg. Giá mua tại vườn là 400 đồng/kg, trung bình mỗi ha người dân thu hoạch khoảng 20 – 25 triệu đồng, chưa tính chi phí. Còn nếu người dân bỏ tiền thuê người chặt hạ, bóc vỏ và chuyên chở xuống nhà máy  tại TP Vinh, thì giá 930 đồng/kg.

Anh Phạm Việt Hùng, xóm 6, xã Cao Sơn (Anh Sơn) nói: “Chi phí đầu tư cho một ha keo từ khi trồng đến khi thu hoạch hết khoảng 10 triệu đồng. Tôi làm vài ha keo, vì đất xấu không biết trồng cây chi, chứ nói thật trồng keo chỉ lấy công làm lãi mà thôi, không ăn thua”. Đến xã Hội Sơn (Anh Sơn), một người dân xóm 4 cho biết: “Ở đây chúng tôi bán keo theo kiểu bán “quạ”, thương lái mua theo từng đám vườn. Nói chung 1ha keo thu hoạch may ra cũng được khoảng hai chục triệu đồng, ai thích mua cả đất lẫn keo dân chúng tôi cũng bán luôn”. 
      
Xác nhận thông tin này, bà Võ Thị Hồng Lam, Chủ tịch UBND huyện Anh Sơn trao đổi: “Giá bán keo trên thị trường quá thấp. Nếu với giá hiện nay, tính ra mỗi năm người dân chỉ thu được khoảng 3 triệu đồng, chưa kể các chi phí, công lao động. Chúng tôi cũng rất trăn trở, lo cho cuộc sống của bà con và mong muốn tỉnh có chủ trương định hướng giúp địa phương phát triển cây kinh tế chủ lực có hiệu quả nhằm giúp bà con nông dân thoát nghèo, không luẩn quẩn bên cây keo như hiện nay”.

Qua khảo sát thực tế tại một số địa bàn khác ở huyện Thanh Chương, Anh Sơn và Quế Phong, chúng tôi đều nhận được kết quả tương tự. Tại địa bàn huyện Quế Phong, do địa hình xa khu vực thu mua nên giá thành cây keo nguyên liệu rất thấp, do chi phí vận chuyển quá lớn. Ông Vi Văn Trung, xã Tiền Phong (Quế Phong) nói: “Ở đây không có ai mặn mà gì với cây keo đâu, vì chi phí chuyên chở cao gấp mấy lần giá thu mua nguyên liệu”.

Thiết nghĩ, muốn xóa đói giảm nghèo cho nông dân phải tìm hướng đi đúng, có lợi cho dân chứ nếu cứ để dân tự “lần mò” chạy theo phong trào như trồng keo, thiếu định hướng phát triển lâu dài, thì rốt cuộc ai là người đứng ra bảo hộ cho dân trong khi keo rớt giá?!.


Quang Đại Bình