(Baonghean) Trên cơ sở phân công của tỉnh về việc mỗi sở, ban ngành cấp tỉnh giúp 1 xã đặc biệt khó khăn miền Tây Nghệ An, Ban Dân tộc tỉnh đã lựa chọn mô hình hướng dẫn và giúp dân trồng rau xanh tại bản Chiềng, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong để làm thử rau vụ đông. Đến nay, sau hơn 3 tháng triển khai, mô hình đã thành công tốt đẹp. Không những vậy, mô hình còn là hình mẫu để bà con các dân tộc miền núi học hỏi, suy nghĩ về việc thay đổi thói quen canh tác, làm ăn.

Ông Ngân Văn Thích (80 tuổi) – một trong số các hộ được chọn làm mô hình, tâm sự: Ban đầu, khi được Ban quản lý họp vận động, nhận giống rau về trồng, mình về bàn với vợ và nghĩ chỉ nhận ít hạt giống về trồng cho vui, chưa nghĩ đến việc rau lên xanh tốt như cán bộ hướng dẫn, giới thiệu. Mình biết ơn Đảng, Nhà nước và Ban Dân tộc tỉnh nhiều lắm.

Anh Vi Văn Đức, một đại diện nhận trồng rau theo mô hình đồng thời là trưởng bản, cho biết: Lúc đầu vận động bà con gặp nhiều khó khăn, nhưng nhờ kiên trì và gia đình phải gương mẫu đi đầu. Bây giờ ruộng rau đã xanh tốt, các gia đình còn bán mỗi buổi được 50-60 ngàn đồng ngày giáp hạt thật là đáng quý và ngoài sức tưởng tượng…

788718_small_89645.jpg

                                   Bà con Bản Chiềng chăm sóc vườn rau.

Với bà con bản Chiềng, từ khi sinh ra và gắn bó trên mảnh đất này, các gia đình chủ yếu bám lấy cái rẫy, cái nương, trồng củ sắn, tỉa hạt ngô và hạt lúa trên rẫy để kiếm sống. Nếu có làm rau thì cũng tranh thủ cuốc ít đất, vãi tỉa ít hạt cải Mông ngoài rẫy để kiếm rau xanh ăn, nhưng do chất đất khô, rẫy thiếu nước nên cây cải Mông cũng không phát triển được. Đất thì bỏ hoang mà rau xanh thì thiếu…

Thế nhưng, từ khi được Ban Dân tộc tỉnh mời nông dân có kinh nghiệm trồng rau ở Quỳnh Lưu lên phối hợp với chính quyền địa phương hướng dẫn, sau 3 tháng, lần đầu tiên, bản Chiềng đã có trên 1 ha rau xanh, với các loại rau: su hào, cải bắp, cải xoong, cải sen, mùi, xà lách… Một số hộ ngoài để ăn còn có bán. Vì rau sạch và lại do người thân quen trong bản trồng, không phun thuốc bảo vệ thực vật nên không chỉ có người quen mà ngày càng có nhiều khách tìm đến mua.

Bản Chiềng hiện có 76 hộ, 362 nhân khẩu, tỷ lệ đói nghèo chiếm 77%; từ bao đời người dân chủ yếu sống nhờ vào nương rẫy. Bản có một ít đất ruộng song chỉ sản xuất 1 vụ, còn lại là bỏ hoang. Nghèo đói cứ bám riết quanh năm. Thế nhưng, từ khi có mô hình trồng rau, quỹ đất ruộng bỏ hoang lâu nay như được đánh thức, đi đâu ai cũng giới thiệu và nói về rau sạch bản Chiềng. Từ mô hình trồng rau của Ban Dân tộc tỉnh chọn làm điểm (nay đã bàn giao cho huyện và UBND xã tiếp tục hướng dẫn), đã chứng minh một điều là đồng đất, kể cả đất ruộng ở miền núi hoàn toàn có thể làm vụ đông để giúp bà con có việc làm, tăng thu nhập.

Ông Nguyễn Đình Yên - Phó Ban Dân tộc tỉnh, cho biết: Từ khi Ban được phân công giúp Quế Phong, lãnh đạo Ban trăn trở vì thực tế có nhiều chương trình, mô hình, kể cả việc trồng rau sạch được đưa về. Nói trồng rau thì ở đâu cũng trồng được, nhưng trồng rau, nhất là trồng rau ngoài ruộng, đối với đồng bào dân tộc thiểu số là khó. Bà con vùng cao có thói quen chỉ làm 2 vụ, xong là nghỉ ngơi. Chính vì vậy, Ban đã chọn việc trồng rau ngoài ruộng để khẳng định ruộng miền núi vẫn trồng được rau. Mô hình thì đơn giản nhưng  rất thiết thực và quan trọng, giúp bà con làm theo. Làm rau vụ 3 không chỉ tăng thu nhập mà còn giúp bà con thay đổi tư duy, cách làm trên chính mảnh đất của mình để thực hiện xóa đói giảm nghèo bền vững.

Phó Bí thư Đảng ủy xã Tri Lễ, Đàm Thiên Hương cho biết: Từ mô hình trồng rau sạch đạt kết quả cao ở bản Chiềng, sắp tới xã sẽ chỉ đạo, hướng dẫn bà con nhân rộng ra các bản khác, nơi mà diện tích đất đang hoang hóa, để nâng cao đời sống cho bà con.


Nguyễn Hải