Thủ đoạn ngày càng tinh vi
Trưa 18/11, Công an xã Tà Cạ (huyện Kỳ Sơn) phát hiện Lầu Bá Đà (25 tuổi, xã Mường Típ) đang công khai rao bán 80 con chim chào mào sống. Lầu Bá Đà khai nhận toàn bộ số chim chào mào nói trên được thu mua trên địa bàn các xã của huyện Kỳ Sơn về bán kiếm lời. Sau khi lập biên bản về hành vi mua bán động vật hoang dã, toàn bộ số chim này được thả về tự nhiên.
Trong khi đó, tại huyện Quế Phong, ngày 11/11, nhà chức trách cũng bắt giữ Phạm Đình Dũng (54 tuổi, xã Tiền Phong), khi người này đang lái ô tô vận chuyển 8 con chồn và 1 con hoẵng với tổng trọng lượng là 45 kg. Tất cả số động vật nói trên đều đã chết. Số động vật này Dũng mua từ một người dân ở xã Thông Thụ với giá 7,5 triệu đồng nhằm mục đích đưa về để... sử dụng trong đám cưới.
Đó là 2 trong hàng loạt vụ mua bán động vật hoang dã bị cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là “bề nổi của tảng băng”, khi mà tình trạng rao bán động vật hoang dã ngày càng tinh vi, đặc biệt là lợi dụng mạng xã hội. Chỉ cần lên mạng xã hội Facebook tìm kiếm cụm từ “mua bán thú rừng”, sẽ cho ra kết quả với hàng loạt nhóm kín, nhóm mở. Nhiều nhóm có hàng nghìn thành viên, trong đó công khai rao bán động vật hoang dã. Để “qua mặt” lực lượng chức năng, thay vì dùng từ “mua hay bán”, một số người chỉ cần dùng từ “bảo tồn”.
Theo Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên, chỉ trong năm 2019, Phòng Bảo vệ động vật hoang dã của Trung tâm ghi nhận hơn 2.400 trường hợp quảng cáo động vật hoang dã trên Facebook, YouTube, Zalo, Tiktok và các trang mạng điện tử khác. Con số này vẫn không có dấu hiệu giảm trong những tháng đầu năm 2020, với hàng trăm vụ mỗi tháng.
Lợi dụng khả năng dễ dàng tiếp cận người mua và che giấu danh tính qua các trang mạng xã hội, nhiều người thường xuyên rao bán các sản phẩm như: ngà voi, sừng tê giác, móng gấu, da hổ... Những kẻ mua bán động vật hoang dã thường sử dụng các thủ đoạn khác nhau nhằm trốn tránh sự phát hiện, bắt giữ của các cơ quan chức năng.
Ngoài ra, các đường dây phạm tội, băng nhóm tội phạm xuyên quốc gia được thành lập và tổ chức hoạt động chặt chẽ với những phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt có xu hướng gia tăng cả về quy mô và tính chất để tiến hành việc mua bán, vận chuyển.
Quá trình vận chuyển, nhóm này thường giấu động vật hoang dã trong thùng hàng, container được miễn kiểm tra xác suất; để lẫn với hàng hóa cồng kềnh khác như gỗ, thực phẩm; hợp pháp hóa giấy tờ, hồ sơ chứng minh nguồn gốc động vật hoang dã hoặc sản phẩm của động vật hoang dã; sử dụng công nghệ thông tin để trao đổi theo quy ước riêng; sử dụng phương tiện vận chuyển được thay biển số giả, dùng xe công vụ để vận chuyển... nên rất khó phát hiện, điều tra đối với loại tội phạm này.
Cần cả hệ thống chính trị vào cuộc
Trước tình trạng nhức nhối này, mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 504/KH-UBND về việc thực hiện Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 23/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách trong quản lý động vật hoang dã. Trong đó, xác định rõ đây là nhiệm vụ thường xuyên và là yếu tố đảm bảo thực hiện thành công trong việc bảo tồn, bảo vệ và phát triển bền vững các loài động vật hoang dã.
Theo đó, yêu cầu dừng nhập khẩu động vật hoang dã dù còn sống hay đã chết, trứng, ấu trùng, bộ phận, dẫn xuất các loài động vật hoang dã (trừ các loài thủy sản phục vụ sản xuất, chế biến làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi đã được công bố theo quy định của pháp luật; bộ phận của động vật hoang dã đã được chế biến, xử lý làm dược liệu, làm nguyên liệu phục vụ sản xuất hoặc sản phẩm hoàn chỉnh.
UBND tỉnh cũng giao các sở, ngành theo chức năng, thẩm quyền được giao thực hiện rà soát hệ thống văn bản pháp luật để đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung chế tài xử phạt hành vi tiêu thụ, sử dụng động vật hoang dã trái phép. Kiên quyết loại bỏ các khu chợ, tụ điểm mua bán động vật hoang dã trái pháp luật. Kiểm soát chặt chẽ và xử lý nghiêm các hành vi săn bắn, mua bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ, quảng cáo, xâm hại động vật hoang dã trái pháp luật, nhất là động vật hoang dã thuộc lớp thú, chim, bò sát trong môi trường tự nhiên.
Ngoài ra, UBND tỉnh kêu gọi mọi công dân, đặc biệt là cán bộ, công chức, viên chức và người thân không tham gia săn, bắt, mua bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ, quảng cáo động vật hoang dã trái pháp luật. Chính quyền địa phương, các cơ quan ban, ngành có trách nhiệm tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân để bảo vệ các loại động vật hoang dã, nhất là các loại động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh, phát hiện, bắt giữ, xử lý nghiêm các hành vi xuất, nhập khẩu, săn, bắt, mua bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ, nuôi nhốt, quảng cáo, xâm hại động vật nguy cấp, quý, hiếm, động vật rừng hoang dã trái phép theo quy định của pháp luật.
Hiện nay, chỉ tính riêng Nghệ An mỗi năm đã phát hiện hàng chục vụ mua bán động vật hoang dã, với số lượng hàng trăm cá thể được thu giữ. Với thực trạng như hiện nay, sẽ không lâu nữa, những loài quý hiếm được ghi trong Sách Đỏ được dự báo sẽ biến mất.
Không chỉ liên quan đến vấn đề bảo tồn thiên nhiên, việc mua bán động vật hoang dã tràn lan như hiện nay còn để lại những hiểm họa kinh hoàng cho loài người. Bởi trong chúng tiềm ẩn những vi khuẩn, ký sinh trùng nguy hại khôn lường cho sức khỏe. Không ít người đã rước họa vào thân từ lây nhiễm bệnh tật đến mất mạng do nhiều vi khuẩn chết người ẩn chứa trong động vật.
Việt Nam từng phải chịu những tổn thất kinh tế nghiêm trọng khi phải tiêu hủy 5 triệu con lợn nhiễm bệnh, với nguồn bệnh được cho là bắt nguồn từ lợn hoang dã ở châu Phi. Dịch tả lợn châu Phi vẫn là mối đe dọa lâu dài đối với ngành chăn nuôi trong nước. Ngay tại thời điểm này, chúng ta đang gồng mình chống chọi dịch Covid-19, một chủng virus được cho là phát hiện truyền từ động vật hoang dã.